Kinh tế

Bàn giải pháp giảm thiểu xung đột voi trên địa bàn Nghệ An

18:14, 26/04/2022
Sáng 26/4, tại huyện Quỳ Châu, Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) phối hợp với Vườn quốc gia Pù Mát tổ chức hội thảo đánh giá công tác bảo tồn voi và giải pháp giảm thiểu xung đột của voi trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội nghị.

Theo báo cáo tại hội thảo, năm 1990, Việt Nam ước tính 2.000 cá thể nhưng đến năm 2013 chỉ còn khoảng 130 cá thể. Voi chủ yếu phân bố ở 8 tỉnh, gồm: Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước.

Năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt cho thực hiện "Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020”. Nghệ An là một trong 3 tỉnh được chọn ưu tiên bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi hoang dã của Việt Nam.

Voi ở Nghệ An hiện có từ 15 - 16 cá thể, trong đó Vườn Quốc gia Pù Mát có 12 - 13 cá thể, Rừng Quốc gia Pù Huống có 3 cá thể. Giai đoạn 2013 - 2016, quần thể voi hoang dã ở Nghệ An đã phát triển thêm 2 cá thể tại đàn voi Cao Vều.

Hiện trạng một số cá thể voi được chụp tại Vườn quốc gia Pù Mát (Ảnh tư liệu)
Hiện trạng một số cá thể voi được chụp tại Vườn quốc gia Pù Mát (Ảnh tư liệu)

Năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt và triển khai thực hiện “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An đến năm 2020” đồng thời giao Vườn Quốc gia Pù Mát làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2014, trong đó thực hiện các hoạt động tuyên truyền bảo vệ các đàn voi; Tập huấn cách phòng tránh xung đột voi và người; Thành lập 4 tổ phản ứng nhanh để bảo vệ voi; xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng hỗ trợ bảo tồn voi, đường tuần tra tại các vùng sinh cảnh của voi…

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung đánh giá việc bảo tồn và giải pháp giảm thiểu xung đột của voi đối với người. Thực tế cho thấy, một số thời điểm trong năm, xung đột của voi gây thiệt hại về kinh tế, tạo tâm lý lo sợ, hoang mang cho người dân. Nguyên nhân chủ yếu là do vùng sinh cảnh sống của voi bị tác động mạnh, diện tích rừng bị thu hẹp, thiếu nguồn thức ăn. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân như mùa động đực, voi cái thiếu voi đực nên hung dữ phá phách nhiều hơn.

Ông Hoàng Văn Lâm- Quản lý các chương trình dự án FFI tại Việt Nam kết luận hội thảo.
Ông Hoàng Văn Lâm- Quản lý các chương trình dự án FFI tại Việt Nam phát biểu kết luận hội thảo.

Tổng hợp ý kiến kết luận tại hội nghị ông Hoàng Văn Lâm - Quản lý các chương trình dự án FFI tại Việt Nam đánh giá cao những ý kiến đóng góp công tác bảo tồn và những giải pháp giảm thiểu xung đột đối với voi. Đồng thời nhấn mạnh, bên cạnh việc duy trì hoạt động của các tổ phản ứng nhanh hỗ trợ người phòng tránh xung đột giữa voi, trang thị thêm trang thiết bị hỗ trợ nghiệp vụ, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ voi và các vùng sinh cảnh sống của voi; Phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Động Thực vật Quốc tế (FFI) triển khai thực hiện một số hoạt động bảo tồn voi tại Vườn Quốc gia Pù Mát; Phối hợp với các Sở, Ngành triển khai thực hiện Dự án khẩn cấp bảo tồn voi ở Nghệ An đến năm 2025 theo Quyết định số 413/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020./.

Bé Vinh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện