Kinh tế

Nông dân Anh Sơn nâng cao thu nhập từ mô hình trồng ngô nếp

20:22, 23/05/2022
Nhận thấy hiệu quả cây ngô nếp mang lại, những năm gần đây, bà con nông dân huyện Anh Sơn đã chuyển đổi một số diện tích đất bãi, đất đồng vệ, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng ngô nếp. Mô hình này đang đem lại hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định cho bà con. 

 

Ngô nếp là loại cây cho năng suất cao, ngắn ngày chỉ 2,5 tháng.

Đang tranh thủ xuống ruộng thu hoạch những bắp ngô nếp non để nhập cho thương lái, chị Nguyễn Thị Quỳnh ở thôn Kẻ May, xã Cẩm Sơn cho biết: "Gia đình tôi có 2 sào diện tích đất vệ, ba năm nay chuyên trồng ngô nếp. Để có ngô thu hoạch liên tục, tôi đã gieo trỉa chia làm 3 trà cách nhau từ 10- 15 ngày".

Bình quân mỗi sào ngô nếp năng suất đạt 1.500 bắp.

Theo chị Quỳnh, trồng ngô nếp có rất nhiều lợi thế, đây là loại cây cho năng suất cao, ngắn ngày chỉ 2,5 tháng là cho thu hoạch, hơn nữa giống ngô gia đình chị trồng là ngô nếp lai không những cho năng suất cao, tỷ lệ 2 bắp/cây nhiều mà còn đều hạt, bắp luộc ăn rất thơm và ngọt, kể cả khi nguội cũng vẫn dẻo, ngọt đậm nên hiện nay được ưa chuộng, ngoài ra sau khi thu hoạch ngô bông gia đình còn tận dụng được thân và lá cây làm thức ăn cho trâu, bò hoặc có thể làm phân bón. Bình quân mỗi sào ngô nếp năng suất đạt 1.500 bắp, thường thì những bông to, đẹp chị Quỳnh bán tại ruộng với giá 2.500 đồng một bông, còn mua ngang thì khoảng 2.000 đồng một bông, sau khi trừ chi phí cho gia đình chị thu lãi 4 triệu đồng/sào. 

Bà con nông dân Anh Sơn thu hoạch ngô nếp bán cho thương lái.

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở thôn 1 xã Tường Sơn có 3 sào đất bãi và đất vệ trồng ngô nếp. Chị Hương chia sẻ: nhận thấy chất đất ở vùng này có đặc điểm đất pha cát, thành phần tơi xốp, thích hợp với việc trồng cây nông nghiệp ngắn ngày như ngô, đậu, vừng, nên hơn 5 năm nay gia đình chị đã chuyển đổi sang trồng ngô nếp. Theo chị Hương, ngô nếp có thể trồng được quanh năm, tuy nhiên để đạt năng suất cao, bà con nên tính toán thời vụ gieo trồng để tránh ngô trổ cờ phun râu vào các tháng quá khô, quá nóng hoặc rét đậm, rét hại. Tính về hiệu quả kinh tế hơn hẳn trồng những cây lương thực, hoa màu khác, bởi ngô nếp thường để bán ăn tươi nên chỉ sau hơn 2 tháng là bắt đầu cho thu hoạch, do vậy tiền phân bón, thuốc trừ sâu cũng ít tốn kém hơn những loại cây trồng khác.

 Ngô nếp ở Anh Sơn bắp to, hạt đều từ trong ra ngoài, dẻo, ngon, ngọt được người tiêu dùng ưa chuộng

Bình quân mỗi vụ gia đình chị Hương chỉ cần bón ít phân lót và bón thúc 1 lần vào giai đoạn xoắn nõn chuẩn bị trổ cờ phun râu, kết hợp xới xáo, vun gốc chống đổ là chờ thu hoạch. Mỗi năm gia đình chị Hương trồng 2 vụ ngô nếp, hiện tại diện tích ngô của gia đình chị đã cho thu hoạch 10 ngày. Để nâng cao thu nhập, ngoài nhập cho thương lái thu mua tại ruộng, gia đình chị Hương còn thu hoạch ngô về luộc bán cho khách qua đường. Mỗi bắp ngô luộc rồi được bán từ 2,5- 3 nghìn đồng. Với diện tích đó mỗi vụ sau khi trừ chi phí trừ chi phí cũng lãi được hơn 12 triệu đồng.

Ngoài nhập cho thương lái thu mua tại ruộng, bà con còn thu hoạch ngô về luộc bán cho khách qua đường.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch hội nông dân huyện Anh Sơn cho biết: "Trước diễn biến bất lợi của thời tiết trong những năm qua như hạn hán, mưa lũ, huyện Anh Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm bớt thiệt hại cho người nông dân, trong đó giải pháp tích cực là vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi trồng các loại cây  ngắn ngày hay chịu hạn tốt như ngô nếp để nâng cao thu nhập".

Mỗi bắp ngô luộc rồi được bán từ 2,5- 3 nghìn đồng.

Hiện nay, toàn huyện Anh Sơn có hơn 20 ha diện tích trồng cây ngô nếp, tập trung chủ yếu ở các xã Tường Sơn, Vĩnh Sơn, Đức Sơn, Cẩm Sơn. Giống ngô được bà con lựa chọn chủ yếu là HN88, HN90, MX2; MX4. Đây là những giống ngô có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, bắp to, hạt đều từ trong ra ngoài, dẻo, ngon, ngọt được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 70 - 80 ngày), ngắn hơn trồng ngô đỏ lấy hạt 40 ngày nên chi phí đầu tư thấp, với thời gian này, mỗi năm bà con có thể trồng được 3 vụ. Với năng suất bình quân đạt từ 1.500- 2000 bắp/sào, với giá bán từ 2.000- 2.500 đồng/ bắp, sau khi trừ các khoản chi phí cho người nông dân thu nhập 70-80 triệu đồng/ha.

Thời gian tới, huyện Anh Sơn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nông dân mở rộng diện tích gieo trồng trên các diện tích đất kém hiệu quả nhằm tăng vụ, tăng năng suất và thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác.
 

Thái Hiền

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện