Giá dầu thế giới vài phiên gần đây có xu hướng giảm mạnh, về dưới 100 USD/thùng, mức thấp nhất trong 2 tháng qua.
Theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 14h21' ngày 7/7 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9 được giao dịch ở mức 101,1 USD/thùng, tăng 0,43 USD, tương đương 0,43% so với ngày hôm qua. Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI giao tháng 8 được giao dịch ở mức 98,89 USD/thùng, tăng 0,36 USD, tương đương 0,37 % so với ngày 6/7.
Theo các nhà phân tích, giá dầu thế giới giảm mạnh do nỗi lo suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu thụ giảm bất chấp nguồn cung vẫn đang rất khan hiếm. Ngoài ra, việc đồng USD tăng giá mạnh cũng gây sức ép lên giá dầu.
Giá xăng có khả năng giảm mạnh trong kỳ điều hành tới. |
Trong khi đó, giá xăng nhập từ Singapore cũng đang giảm mạnh. Bộ Công thương cho hay, ngày 5/7, giá xăng RON 92 là 137,48 USD/thùng, giá xăng RON 95 giảm xuống còn 145,63 USD/thùng, còn giá dầu diesel giảm về gần 160 USD/thùng. Như vậy, giá xăng nhập từ Singapore đã giảm 4 phiên liên tiếp và thấp hơn giá xăng trong nước khoảng 1.100-1.300 đồng/lít.
Việc giá dầu thế giới giảm mạnh cộng với giá xăng dầu thành phẩm nhập từ Singapore hạ nhiệt khiến nhiều người tin rằng giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh tới (ngày 11/7) cũng sẽ giảm.
Ngoài xu hướng giảm giá mạnh của giá dầu thế giới, nhiều người cũng hi vọng giá xăng dầu sẽ giảm sau Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể, sáng 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, từ ngày 11/7 đến hết năm 2022, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Riêng dầu hỏa giữ mức thuế bảo vệ môi trường là 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Như vậy, trong kỳ điều hành ngày 11/7 tới, giá xăng sẽ được giảm ít nhất là 1.000 đồng/lít, giá dầu sẽ giảm thêm 500-700 đồng/lít nhờ nghị quyết này.
Theo tính toán, chi phí xăng, dầu trong nền kinh tế Việt Nam hiện chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí của nền kinh tế, gas chiếm khoảng 1,45%. Nếu giá xăng, dầu tăng khoảng 10% thì GDP của toàn bộ nền kinh tế giảm khoảng 0,5%. Vì vậy, trong bối cảnh giá dầu tăng nhanh như hiện nay thì việc bình ổn giá là hết sức quan trọng.
Ngoài thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính mới đây cũng đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng; giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp.
Việc giá dầu thế giới, giá xăng dầu thành phẩm giảm mạnh, cộng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường, nhiều nhận định cho thấy giá xăng, dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày 11/7 sẽ giảm mạnh. Lãnh đạo một số DN kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội dự báo, nếu giá thế giới duy trì ở mức giảm vừa qua và không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước ngày 11/7 có thể giảm từ 1.900 - 3.000 đồng/lít.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần, trong đó có 13 lần tăng và 4 lần giảm. Lần giảm giá mạnh nhất là hơn 1.000 đồng/lít và lần tăng mạnh nhất gần 3.000 đồng/lít. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng tổng cộng gần 10.000 đồng/lít, còn giá dầu tăng khoảng 12.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 1/7), giá xăng RON 95 đã giảm 110 đồng/lít, về mức 32.763 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 giảm 411 đồng/lít, về 30.891 đồng/lít. Tương tự, giá dầu DO 0,05s-II giảm 404 đồng/lít, còn 29.615 đồng/lít; giá dầu hoả giảm 432 đồng/lít, còn 28.353 đồng/lít.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin