Công ty Thủy điện Bản Vẽ: Chủ động khắc phục môi trường lòng hồ sau lũ

11:59, 19/10/2022
Sau bão số 4, hoàn lưu của bão có ảnh hưởng đến lòng hồ thủy điện bản Vẽ, lượng nước đổ về hồ rất lớn, kéo theo đó là các loại rác từ thượng nguồn cũng trôi dạt về. Bên cạnh làm tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã chủ động các phương án, thực hiện tốt việc thu gom rác, nhằm bảo vệ môi trường và an toàn đường thủy vùng lòng hồ sau mùa lũ.  

Do ảnh hưởng hoàn lưu các cơn bão và các đợt mưa lớn sau bão, trên lưu vực hồ chứa thủy điện Bản Vẽ thường xuất hiện các trận lũ. Lũ về hồ đã cuốn theo hàng nghìn khối rác từ thượng nguồn về lòng hồ. Để bảo vệ môi trường lòng hồ, đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối, cũng như an toàn giao thông đường thủy, Công ty Thủy điện Bản Vẽ phối hợp với UBND huyện Tương Dương, Kỳ Sơn để xử lý và thu gom rác vùng lòng hồ an toàn và hiệu quả. Chỉ tính trong năm 2020, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã thuê các đơn vị thu gom rác chuyên nghiệp thu gom hơn 9 nghìn mét khối rác, năm 2021 thu gom 2 nghìn mét khối rác.

Người dân vớt củi, gỗ trôi nổi trên lòng hồ sau lũ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phùng Hùng – Trưởng phòng TNMT huyện Tương Dương cho biết: "Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn số 854 ngày 20/2/2020, các thủy điện trên địa bàn huyện Tương Dương đã chủ động xây dựng các phương án để thu dọn rác lòng hồ, trong đó có thủy điện Bản Vẽ là đơn vị đã làm tốt công tác này. Trong thời gian qua từ 2020 trở lại đây, chủ đầu tư đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để đánh giá rác thải từ đầu nguồn qua các trận lũ về lòng hồ, chủ động phối hợp với địa phương để có phương thu gom, xử lý đặc biệt là đối với các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng đến thuyền bè đi lại, thì chủ đầu tư cũng đã chủ động xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến lưu thông dòng chảy và an toàn giao thông đường thủy. Đối với các khu vực mà hiện nay ảnh hưởng đến khu dân cư, thì hiện nay chủ đầu tư cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn các địa điểm để thu gom và có phương án xử lý kịp thời".

Lượng rác sau lũ nằm tập trung ở khu vực đuôi hồ thuộc xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương và khu vực nhánh suối đổ vào lòng hồ tại xã Mai Sơn. 

Năm nay, ngay sau cơn bão số 4, Công ty thủy điện Bản Vẽ đã phối hợp với huyện Tương Dương đi kiểm tra hiện trạng rác lòng hồ để đánh giá sơ bộ khối lượng rác làm cơ sở triển khai thu gom rác. Kết quả kiểm tra cho thấy, rác nằm tập trung ở khu vực đuôi hồ thuộc xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương và khu vực nhánh suối đổ vào lòng hồ tại xã Mai Sơn. Thành phần rác chủ yếu là các loại cây gỗ tạp, cây họ tre, nứa với tổng khối lượng ước tính khoảng 5 nghìn mét khối.

Đoàn công tác của UBND huyện Tương Dương và Công ty thủy điện Bản Vẽ kiểm tra hiện trạng rác lòng hồ để đánh giá sơ bộ khối lượng rác.

Theo chân đoàn công tác của UBND huyện Tương Dương và Công ty thủy điện Bản Vẽ, chúng tôi có chuyến hành trình dài hơn 3 tiếng đồng hồ ngược nguồn sông Nậm Nơn lên đến thượng nguồn thuộc địa bàn xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Suốt chặng hành trình hầu như không có rác ùn ứ ách tắc trên lòng hồ như những ngày sau bão số 4. Hiện chỉ còn khoảng 500 mét khối rác, chủ yếu là cây gỗ tạp, tre mét nằm tập trung ở Khe Bén, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương. Số rác còn lại trên lòng hồ trôi về sau bão, hiện đã trôi nổi nằm phân tán rải rác hai bên bờ hồ. Vì vậy, không ảnh hưởng đến việc lưu thông đường thủy của người dân trên khu vực lòng hồ.

Hiện có khoảng 500 mét khối rác, chủ yếu là cây gỗ tạp, tre mét nằm tập trung ở Khe Bén, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương.

"Rác khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, như một số thông tin báo chí đưa trước đó, qua kiểm tra chúng tôi cho rằng đã phản ánh chưa đầy đủ. Thường khi lũ lụt lớn thì rác sẽ trôi với khối lượng lớn gây ra ách tắc một số khu vực nhưng sau đợt mưa lũ hầu như lượng rác này đã trôi dạt 2 bên bờ sông và cho đến thời điểm này, việc lưu thông dòng chảy cũng như lưu thông đường thủy vẫn đảm bảo an toàn" - Ông Nguyễn Phùng Hùng – Trưởng phòng TNMT huyện Tương Dương cho biết thêm.

Lượng rác ở đuôi hồ thủy điện bản Vẽ trôi nổi, phân tán hai bên bờ sông Nậm Nơn.

Tuy lượng rác trên lòng hồ đã trôi dạt, phân tán đi khắp nơi, nhưng Công ty Thủy điện Bản Vẽ đang xây dựng hồ sơ để mời thầu để lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng thu gom rác. Do thời điểm hiện tại đang là mùa lũ không đảm bảo an toàn trong quá trình thi công thu gom rác, nên việc thu gom rác trong lòng hồ sẽ được đơn vị thực hiện vào cuối mùa lũ. Dự kiến vào cuối tháng 11 năm nay.

Thời điểm này, chỉ còn một lượng rác trôi nổi nằm phân tán rải rác hai bên bờ sông Nậm Nơn.

Ông Tạ Hữu Hùng – Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ trao đổi: "Sau bão số 4, hoàn lưu của bão có ảnh hưởng đến lòng hồ thủy điện bản Vẽ, lượng nước về hồ rất là lớn kéo theo đó là rác từ thượng nguồn cũng đổ về. Công ty cũng đã đi khảo sát, kiểm tra cùng với UBND huyện Tương Dương, để lên phương án xử lý để đảm bảo vấn đề an toàn giao thông đường thủy, vùng lòng hồ. Hiện nay, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đang xây dựng hồ sơ để mời thầu để lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng thu gom rác. Do thời điểm hiện tại đang là mùa lũ không đảm bảo an toàn trong quá trình thi công thu gom rác, nên việc thu gom rác trong lòng hồ sẽ được chúng tôi thực hiện vào cuối mùa lũ dự kiến vào cuối tháng 11/2022. Việc vớt rác này là kế hoạch thường xuyên hàng năm của Công ty hàng năm nếu lũ lụt về sớm thì Công ty sẽ tiến hành vớt rác sớm. Còn năm nay lũ về muộn thì Công ty đã có kế hoạch và thực hiện sớm đảm bảo an toàn giao thông và môi trường vùng lòng hồ".

Mùa này, lòng hồ thủy điện Bản Vẽ mặt nước rất trong xanh. Với diện tích rộng hơn 5 nghìn ha mặt nước, đây là điều kiện thuận lợi để người dân trong khu vực đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản.

Lòng hồ thủy điện Bản Vẽ có hơn 5 nghìn ha mặt nước, với dung tích 1,83 tỷ mét khối nước là điều kiện thuận lợi để người dân trong khu vực có thể đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, cho thu nhập cao. Vì vậy, việc thu gom lượng rác thải khổng lồ trôi từ thượng nguồn về lòng hồ, sẽ góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản hiện đang bị suy giảm, giúp người dân vùng lòng hồ ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Hiến Chương – Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện