Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, giá xăng dầu thế giới liên tục diễn biến thất thường trong tuần qua, nhưng nhìn chung là giảm mạnh. Việc dầu thế giới và giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore giảm có thể khiến giá bán lẻ mặt hàng này ở trong nước giảm theo.
"Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo biến động giá xăng dầu thế giới. Do đó, nếu xu hướng giảm tiếp tục được duy trì, trong kỳ điều hành tới, cơ quan quản lý chắc chắn sẽ giảm giá bán lẻ xăng, dầu. Tuy nhiên, mức giảm còn tùy thuộc vào trích lập quỹ Bình ổn giá (BOG) và diễn biến giá dầu thế giới trước ngày điều chỉnh", vị này nói.
Giá dầu thế giới lao dốc, giá xăng trong nước có thể giảm mạnh trong kỳ tới. (Ảnh minh họa) |
Trên thị trường, đầu ngày 25/11, tại Oilprice, giá dầu Brent chuẩn giao dịch mức 85,3 USD/thùng, dầu WTI giao dịch mức 78,1 USD/thùng. Mức giá này giảm mạnh so với ngày 22/11, khi dầu WTI là 79,73 USD/thùng, dầu Brent là 97,79 USD/thùng.
Theo giới phân tích, giá dầu thế giới biến động sau khi các quốc gia nhóm G7 xem xét mức giá trần đối với dầu của Nga cao hơn mức giá thị trường, có thể từ 65 - 70 USD/thùng. Mức giá trần này có thể sẽ được điều chỉnh một vài lần trong năm. Giá trần cao có thể khiến Nga tiếp tục bán dầu, giảm nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu áp lực sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ đều tăng đáng kể vào tuần trước. Sự gia tăng này làm giảm bớt một số lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung thị trường.
Trong khi đó, dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương đến ngày 23/11 cho thấy, trên thị trường Singapore, xăng A95 có giá 98,1 USD/thùng, xăng A92 là 93,3 USD/thùng, dầu diesel là 121,1 USD/thùng.
Tại kỳ điều chỉnh gần nhất, Liên bộ Công Thương - Tài chính giảm nhẹ các mặt hàng. Theo đó, giá xăng RON95 giảm 80 đồng/lít; giá xăng E5 RON92 giảm 40 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel giảm 180 đồng/lít, giá bán là 24.800 đồng/lít.
Liên Bộ trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5 là 250 đồng/lít, RON95 là 200 đồng/lít, dầu diesel là 300 đồng/lít và ngừng chi Quỹ bình ổn giá.
Thuế môi trường xăng dầu có thể quay lại mức kịch trần từ 1/1/2023
Từ ngày 1/1/2023, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và mỡ nhờn sẽ hết hiệu lực. Như vậy, thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng này sẽ quay lại mức kịch trần khung thuế thay cho mức sàn như hiện nay.
Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ xăng sinh học) sẽ tăng từ 1.000 đồng lên 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng 500 đồng/lít, lên 2.000 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn tăng 300 đồng/lít, lên 2.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít thay cho mức 1.000 đồng/lít như hiện nay…
Do thuế tăng nên giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu và mỡ nhờn sẽ tăng tương ứng. Nếu tính cả thuế giá trị gia tăng thì giá bán lẻ xăng sẽ tăng 3.300 đồng/lít; nhiên liệu bay tăng 2.200 đồng/lít; dầu diesel tăng 1.650 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng 1.870 đồng/lít.
Trong khi đó năm 2023, giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới được dự báo vẫn có những diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn rủi ro đến ổn định kinh tế xã hội cũng như sự tác động đến thị trường xăng dầu trong nước.
Theo nhận định của Bộ Tài chính, việc thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu quay lại mức kịch trần theo khung thuế từ ngày 1/1/2023 sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin