Kinh tế

Người dân huyện miền núi Nghĩa Đàn chuẩn bị nguồn gà sạch phục vụ thị trường Tết

11:09, 10/12/2022
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán, hàng năm vào đầu tháng 9 âm lịch, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm ở huyện miền núi Nghĩa Đàn đã nhập con giống, chuẩn bị nguồn thức ăn để có sản phẩm tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường Tết.

Gia đình ông Nguyễn Văn Nam ở xóm Tân Phong, xã Nghĩa Hưng là một trong những hộ có thâm niên trong nghề nuôi gia cầm. Một năm gia đình nuôi 3 lứa, nhưng lứa cuối năm, lúc nào cũng tăng đàn hơn 1.000 – 1.500 con, chủ yếu là giống gà mía và vàng ri. Các loại thuốc phòng bệnh được gia đình sử dụng đúng liều lượng; nền trại sử dụng đệm lót sinh học theo quy trình chăn nuôi hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý chất thải và tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi để có sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường.

Ông Nguyễn Văn Nam, xóm Tân Phong, xã Nghĩa Hưng cho biết: “Đầu tháng 9 là gia đình chuẩn bị chuồng trại, nhập con giống, thức ăn đảm bảo để phục vụ nhu cầu thị trường tết Nguyên đán. Nhờ có quỹ đất rộng, gia đình tôi vừa nuôi thả, vừa nuôi nhốt nên gà phát triển nhanh… Với sự chuẩn bị khá chu đáo về con giống, phòng chống dịch bệnh, gia đình tôi hy vọng lứa gà dịp cuối năm sẽ phát triển tốt, được giá và tiêu thụ thuận lợi".

Gia đình ông Nguyễn Văn Nam ở xóm Tân Phong, xã Nghĩa Hưng lứa cuối năm tăng đàn hơn 1.000 – 1.500 con.

Nghĩa Hưng là một xã nông nghiệp nhưng diện tích đất đai còn ít. Một vài năm gần đây, xu hướng mở rộng chăn nuôi gia trại lên ngôi, nhất là chăn nuôi lợn, gà. Cả xã có hơn 25 hộ chăn nuôi gà theo hướng gia trại, trong đó, hộ chăn nuôi nhỏ khoảng 1.000 – 2.000 con, hộ chăn nuôi lớn từ 3.000 – 4.000 con, còn số hộ nuôi dưới 1.000 con rất nhiều. Xã cũng là địa phương duy nhất của huyện Nghĩa Đàn có nhiều biện pháp chăn nuôi mới, hướng theo thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, như: chăn nuôi theo hướng chăn thả tự nhiên, chăn nuôi gà thảo dược, gà đồi, gà sạch theo công nghệ khép kín…nhiều mô hình chăn nuôi trở thành gương điển hình của huyện.

Ông Đinh Thế Hiển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết: "Xã Nghĩa Hưng đất đai ít nên địa phương cũng định hướng cho bà con nhân dân chuyển đổi mô hình sản xuất chăn nuôi thuần túy sang chăn nuôi gà. Việc mạnh dạn phát triển đàn gia cầm phục vụ thị trường tết Nguyên đán nhiều năm đã góp phần làm cho đời sống người chăn nuôi được cải thiện hơn, nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ gà Tết.”

Hiện nay, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn hộ chăn nuôi nhỏ khoảng 1.000 – 2.000 con, hộ chăn nuôi lớn từ 3.000 – 4.000 con.

Không chỉ riêng ở Nghĩa Hưng, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn hiện nay xu hướng nhân rộng mô hình gia trại ngày càng nhiều. Ngoài mô hình gia trại của ông Nam, tại xã Nghĩa Long còn có gia trại chăn nuôi với quy mô 700 - 1.200 con gà, đó là gia trại của anh Lê Văn Tuấn  ở xóm Nam Khế xã Nghĩa Long.

Khi chúng tôi đến thăm gia trại nhà anh, một khu chuồng trại, cùng khu chăn thả sạch sẽ thoáng mát. Trò chuyện, anh Tuấn cho biết: “Để có đàn gà khỏe mạnh, mã đẹp phục vụ tết, gia đình tôi tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho gà. Mỗi lứa nuôi 110 ngày và giảm 30% lượng cám công nghiệp để bổ sung lượng thức ăn khác như bắp, rau, lúa sau khi gà được 30 ngày tuổi để thịt chắc, thơm ngon”.

Hiện nay, xã Nghĩa Long đã thành lập HTX chăn nuôi gà với sự ổn định 12 gia trại gà. Nhờ sự liên kết này mà trong điều kiện dịch bệnh, nhiều mặt hàng nông dân làm ra khó tiêu thụ, bị ép giá nhưng các trang trại gà vẫn duy trì tổng đàn từ 2.000 – 5.000 con. Để đảm bảo nhu cầu quay vòng nhanh, các thành viên đều xây dựng trang trại nuôi theo hướng gối vụ, duy trì 4 lứa/năm. Trung bình mỗi lứa, 3 ngàn con, sau khi trừ chi phí thu về từ 120 triệu đồng.

Cán bộ chuyên môn các xã, thị trấn  tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăm sóc gia cầm theo hướng an toàn sinh học.

Huyện Nghĩa Đàn là một huyện nông nghiệp của tỉnh Nghệ An, số lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn. Tuy nhiên, do tình hình sản xuất một vài năm trở lại đây gặp khó khăn, nhất là thị trường đầu ra của sản phẩm không ổn định, như lợn, trâu, bò … chính vì vậy, UBND huyện khuyến cáo bà con nông dân cần phải tập trung chăn nuôi theo hướng thực phẩm sạch và có sự liên kết trong dân với nhau để hỗ trợ nhau cả về khâu chăm sóc, phòng bệnh cũng như đầu ra sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Nam, phó phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Đàn cho biết: "Vào dịp cuối năm, để phục vụ thị trường Tết, số lượng gà nuôi sẽ còn tăng lên, do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu để có phương án phù hợp. Đồng thời phòng cũng đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăm sóc gia cầm theo hướng an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cúm đề phòng dịch bệnh xảy ra.”

Theo phần lớn người nuôi gà, cuối năm thường mang lại lợi nhuận cao do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, giá bán tăng. Vì vậy, phần lớn người nuôi đều tập trung đầu tư cho vụ gà này với hy vọng có được thu nhập cao để đón tết sung túc hơn. Với sự chuẩn bị khá chu đáo về con giống, phòng, chống dịch bệnh, người chăn nuôi gà trên địa bàn huyện hy vọng lứa gà dịp cuối năm sẽ phát triển tốt, được giá và tiêu thụ thuận lợi.

Minh Thái  

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện