Tháng 11-2022, Bộ Công an có báo cáo gửi Thủ tướng về dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (217-2020). Trong đó, điểm đáng chú ý ở văn bản này là việc Bộ Công an cho rằng có tình trạng một số nhà thầu có dấu hiệu chuyển nhượng thầu, nhưng tư vấn giám sát, chủ đầu tư (Bộ GTVT) không biết, hoặc biết nhưng làm ngơ.
Một số nhà đầu tư, nhà thầu khi dự thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn một đưa ra hồ sơ năng lực đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên do tham gia thực hiện nhiều dự án cùng lúc, đến khi thi công phải dàn trải nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc cho nhiều dự án, không đảm bảo năng lực thi công, dẫn đến phải thuê thầu phụ thực hiện dưới hình thức núp bóng tổ, đội.
Nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam. |
Một số nhà thầu không đáp ứng tiến độ bị chủ đầu tư điều chuyển khối lượng cho đơn vị khác trong liên danh nhà thầu, hoặc bổ sung nhà thầu khác thực hiện làm chậm tiến độ, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dự án cao tốc Bắc - Nam.
Cạnh đó, dự án này còn thiếu nguồn vật liệu thông thường như cát, đất để thi công các dự án do công tác khảo sát, quy hoạch, quản lý, cấp phép khai thác của các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương… làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Đặc biệt, từ tháng 3-2022 đến tháng 5-2022 tại gói thầu XL3, dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Bộ Công an phát hiện nhà thầu thi công dự án mua 60.000m3 đất đắp K95 tại mỏ Đồng Vàng, thuộc xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (khai thác trái phép) để thi công dự án.
Bộ Công an đã khởi tố vụ án và chuyển Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra theo thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
Quá trình thi công, Bộ Công an cũng nhận thấy một bất cập khác là giá nhiên liệu, nguyên vật liệu tăng. Chính quyền một số địa phương liên quan chưa điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá xây dựng kịp thời, thủ tục điều chỉnh giá, biến động giá vật liệu còn chậm. Đây là những nguy cơ dẫn đến không kiểm soát được nguyên vật liệu đầu vào khi dự án bị sức ép về tiến độ, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Với những bất cập này, Bộ Công an cảnh báo nếu lãnh đạo, cơ quan chức năng có thẩm quyền không có biện pháp mạnh, giải pháp khoa học, hiệu quả, sát thực tế thì dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn hai vẫn hiện hữu những nguy cơ làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ, cũng như xảy ra vi phạm, tội phạm.
Ngày 8-1, trao đổi với PV về các vấn đề trên, đại diện Bộ GTVT cho biết đã tiếp cận báo cáo của Bộ Công an trình Thủ tướng. Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các bộ, ngành địa phương để nắm thông tin nhằm khắc phục bất cập.
Theo đó, Bộ GTVT sẽ cho rà soát, kiểm tra lại tất cả những vấn đề mà Bộ Công an nêu, để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Đồng thời, sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng khi có yêu cầu, trên tinh thần “không bao che cho bất kỳ hành vi vi phạm nào”.
Cũng theo Bộ GTVT, quá trình thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam ngành đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an phối hợp giám sát, kiểm tra ngay từ khâu lập dự án, đấu thầu đến triển khai đầu tư xây dựng. Đặc biệt, trong quá trình đầu tư, các cơ quan trên cũng thường xuyên xuống hiện trường nắm bắt các khó khăn để kịp thời tháo gỡ.
Bộ GTVT cũng giao Thanh tra Bộ GTVT thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án.
Ngoài ra, ngành cũng thường xuyên trao đổi với các cơ quan liên quan về những khó khăn của dự án như việc khan hiếm vật liệu, biến động giá nhiên liệu… Qua đó tạo điều kiện cho nhà thầu thi công thuận tiện và nhanh nhất. Tất nhiên, còn dự án chậm, nguyên nhân thì nhiều, trong đó có cả ảnh hưởng của dịch COVID-19 vừa qua.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin