Kinh tế

Những đêm trắng làm hàng Tết ở Anh Sơn

18:57, 09/01/2023
Những ngày này, có dịp ghé thăm những hộ sản xuất hương ở xã Cao Sơn, làm nghề bánh gai ở xã Tường Sơn hay trồng hoa Tết xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn… có thể cảm nhận được không khí rộn ràng, tất bật của ngày Tết đang cận kề. Do nhu cầu tiêu thụ tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường nên các hộ gia đình phải huy động hết nhân lực và thức trắng đêm để kịp phục vụ thị trường Tết.

Toàn xã Cao Sơn, Anh Sơn hiện có hơn 30 ha cây rễ hương được trồng trên diện tích đất đồi. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này, một số hộ dân đã đầu tư mua máy móc để làm hương.

Vào thời điểm này, không khí tại các cơ sở sản xuất hương ở xã Cao Sơn lại càng nhộn nhịp hơn, các hộ phải thường xuyên tăng ca để kịp hàng cung ứng ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.

a
Các cơ sở sản xuất hương của ông Trần Đức Tiến ở thôn 4, xã Cao Sơn tranh thủ cả ngày và đêm chuẩn bị hàng hoá để kịp thời cung ứng ra thị trường Tết.

Tại cơ sở sản xuất hương của ông Trần Đức Tiến thôn 4 xã Cao Sơn không khí làm việc những ngày này hết sức khẩn trương. Ông Tiến chia sẻ: Nghề làm hương tất bật quanh năm, nhưng mức tiêu thụ cao nhất vào các ngày Tết Nguyên đán. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại hương nhưng riêng hương ở Cao Sơn vẫn giữ được mùi rất riêng và đặc trưng bởi nguyên liệu do người dân tự trồng được nên có mùi thơm nhẹ nhàng, thanh thoát, hương cháy đượm, cuộn đẹp.

Để có được những búp hương đẹp, thơm đặc biệt, những người làm hương Cao Sơn phải cầu kỳ từng công đoạn, từ chuẩn bị các nguyên liệu làm bột hương, chân hương rồi đến công đoạn quấn hương để làm ra que hương hoàn thiện. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, gia đình ông Tiến chủ yếu làm theo số lượng khách đặt với  hơn 10 vạn búp hương gồm hương thẻ và hương trầm. Vụ Tết sau trừ các chi phí  mang lại lợi nhuận cho gia đình ông Tiến gần 100 triệu đồng.

Không khí rộn ràng, tất bật của các cơ sở sản xuất bánh gai phục vụ thị trường Tết.
Không khí rộn ràng, tất bật của các cơ sở sản xuất bánh gai phục vụ thị trường Tết.

Bánh gai xứ Dừa là đặc sản nổi tiếng từ lâu đời ở xã Tường Sơn, Anh Sơn. Đây là món quà quê hương không thể thiếu cho khách khi đến Anh Sơn nhất vào các dịp lễ Tết. Thời điểm này, có dịp ghé thăm làng nghề làm bánh gai, sẽ thấy được không khí rộn ràng, tất bật nơi đây. Các hộ làm nghề phải thức trắng đêm để gói và luộc bánh cho những chuyến xe ra Bắc, vào Nam làm quà Tết.

Chị Trần Thị Hà, người gắn bó với nghề làm bánh gai hơn 20 năm nay chia sẻ: Làm nghề này nhìn thì đơn giản, nhưng để có được sản phẩm đặc trưng và có thương hiệu như bây giờ không phải là điều dễ dàng. Từ tất cả các khâu đều làm hết sức cẩn thận, tỉ mỉ. Cơ sở của gia đình chị luôn có từ 10-15 công nhân làm công ăn lương theo ngày. Vào ngày bình thường gia đình chị làm từ 800 - 1.000 chiếc bánh. Tuy nhiên, vào những ngày giáp Tết và sau Tết thì số lượng bánh làm ra phải gấp đôi, gấp ba mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Vì vậy thời điểm này, các lò bánh gai phải đỏ lửa cả ngày đêm để phục vụ khách hàng.  

a
Nhiều hộ phải thức trắng đêm để kịp làm ra sản phẩm phục vụ thị trường Tết.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Tường Sơn cho biết: Hiện nay toàn xã Tường Sơn có hơn 20 cơ sở làm bánh gai, trong đó 5 hộ sản xuất chuyên nghiệp có thuê nhân công và trả lương công nhật. Mỗi ngày các hộ sản xuất chuyên nghiệp làm ra khoảng từ 1.000 chiếc bánh trở lên, còn những hộ thời vụ thì mỗi ngày làm ra khoảng 400- 500 chiếc phục vụ người tiêu dùng. Con số này những tháng giáp Tết có thể gấp 2 - 3 lần. Mặc dù thức trắng đêm nhưng những người làm bánh gai ở Tường Sơn rất phấn khởi bởi sản phẩm của họ được khách hàng ưa chuộng, cái Tết vì thế cũng ấm cúng, đủ đầy hơn.

Thời điểm này, không khí “vào vụ” ở các làng nghề trên địa bàn đang nhộn nhịp. Đa số các mặt hàng phục vụ Tết ở Anh Sơn đểu là sản phẩm nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ như cam Bãi Phủ, bánh gai, nấm, trà xanh, hương... Ngoài ra bà con đã chú trọng nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với người nông dân Anh Sơn, ngoài việc tranh thủ sản xuất hàng hoá phục vụ nhu cầu trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc thì họ đều mong có thêm thu nhập để đón Tết ấm no, hạnh phúc hơn.

Thái Hiền

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện