Kinh tế

Giá vàng đang ở vùng nguy hiểm

10:21, 27/02/2023
Giới đầu tư đang nghiêng về kịch bản Fed buộc phải tăng lãi suất lên cao hơn mức dự báo. Và điều này khiến giá vàng trượt dài.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước trên sàn New York, giá vàng thế giới đã rớt xuống 1.811 USD/ounce. Giá của mỗi ounce vàng giảm 11,7 USD so với phiên liền trước và đánh dấu mức thấp nhất kể từ cuối năm ngoái.

Nói với Zing, chuyên gia quốc tế cho rằng kim loại quý đang ở vùng nguy hiểm. Giá thậm chí có thể giảm mạnh hơn nữa.

"Lạm phát vượt dự báo và tâm lý của người tiêu dùng được cải thiện đã phá vỡ đà phục hồi của giá vàng", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.

Giá vàng lao dốc trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Ảnh: Kitco.com.
Giá vàng lao dốc trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Ảnh: Kitco.com.

Vàng ở vùng nguy hiểm

"Vàng đang ở vùng nguy hiểm. Giới đầu tư ngày càng nghiêng về kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) buộc phải tăng lãi suất cao hơn dự đoán của thị trường, và việc cắt giảm lãi suất có thể bị lùi sang năm tới", vị chuyên gia nhận định.

Theo vị chuyên gia, lãi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ đang trên đà tăng và điều này sẽ hỗ trợ đồng bạc xanh. Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - đã vọt lên hơn 105 điểm, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 7 tuần.

Lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm của Mỹ vừa chạm mức cao nhất kể từ năm 2007. Còn lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm được dự báo sẽ vượt ngưỡng 4%.

Chỉ số USD tăng vọt trong vòng một tháng qua. Ảnh: Trading Economics.
Chỉ số USD tăng vọt trong vòng một tháng qua. Ảnh: Trading Economics.

USD tăng cũng đè nặng lên thị trường chứng khoán Mỹ. Phố Wall chìm trong sắc đỏ ở phiên giao dịch cuối tuần trước. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 336,99 điểm (tương đương 1,02%) còn 32.746,46 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 42,28 điểm (-1,05%) và 195,46 điểm (-1,69%).

USD mạnh lên còn chứng khoán và vàng lao dốc do những dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ vẫn còn nóng.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tăng 0,6% trong tháng 1 và 4,7% so với một năm trước đó. Trước đó, Phố Wall dự báo mức tăng lần lượt là 0,5% và 4,4%.

Fed đang thất thế

PCE là thước đo lạm phát được Fed yêu thích. Ngân hàng trung ương Mỹ theo dõi báo cáo PCE sát sao hơn những chỉ số lạm phát khác, bởi chỉ số này điều chỉnh theo thói quen chi tiêu của người tiêu dùng.

Do đó, nó mang tới cái nhìn chính xác hơn về chi phí sinh hoạt. Các nhà hoạch định chính sách cũng tập trung vào lạm phát cốt lõi vì cho rằng chỉ số này sẽ thể hiện xu hướng dài hạn của giá cả.

Báo cáo PCE không phải minh chứng duy nhất cho thấy Fed đang thất thế trong cuộc chiến chống lạm phát. Chỉ số giá sản xuất trong tháng 1 đã ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2022 và cao hơn dự đoán trước đó của giới quan sát.

Chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng cao trong tháng 1 do chi phí nhà ở, giá xăng và nhiên liệu đi lên. Các dữ liệu về thị trường việc làm của Mỹ cho thấy cung lao động vẫn chưa theo kịp cầu.

Doanh số bán lẻ trong tháng 1 cũng cao hơn dự đoán của giới quan sát. Và tâm lý người tiêu dùng được cải thiện đáng kể. Một khi tâm lý của người tiêu dùng đi lên, nhu cầu có thể đẩy giá cả lên cao hơn nữa.

Lãi suất cực đại của chu kỳ tăng do đó sẽ cao hơn những gì đang được các thị trường định giá. Điều này có thể đè nặng lên thị trường chứng khoán và vàng, vốn rất nhạy cảm với lãi suất.

Theo ông Moya tại Oanda, giá vàng vẫn sẽ tăng lên trong năm nay. Dù vậy, đợt điều chỉnh giảm hiện tại có thể đẩy giá kim loại quý về dưới 1.800 USD/ounce.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện