Nhận thấy lợi ích to lớn của kinh tế rừng mang lại cho gia đình nên ngay từ những ngày đầu năm mới sau Tết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, anh Lương Văn Quế ở xóm Mồn xã Nghĩa Lạc cùng nhiều hộ dân khác ở trong thôn đã lên đồi trồng nốt diện tích đất rừng của gia đình. Năm nay, do chủ động được cây giống nên ngay sau khi thu hoạch hết diện tích keo, gia đình anh đã chủ động phát dọn thực bì, đào hố và các vật tư lâm nghiệp khác để bắt tay trồng ngay 2,5ha keo giống mới,
Anh Quế cho biết: “Cây keo được gia đình trồng từ nhiều năm nay vì đây là giống nhanh cho bán, chỉ từ 5 đến 6 năm, không mất nhiều công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn một số loại cây khác”.
Vụ xuân năm nay, xã Nghĩa Lạc triển khai trồng mới khoảng 70 ha rừng, chủ yếu là trồng keo. |
Tại xã Nghĩa Lạc, trong năm 2023, xã được huyện giao chỉ tiêu trồng 70 ha rừng kinh tế. Đến thời điểm này, xã đã hoàn thành chỉ tiêu trồng mới 3,5 ha rừng kinh tế ngay sau ngày phát động Tết trồng cây. Có được kết quả này là do ngay từ cuối năm 2022, xã đã chủ động xuống từng khu dân cư để rà soát các quỹ đất, đôn đốc bà con thu dọn thực bì rồi chuẩn bị vườn ươm.
“Xác định trồng rừng là một trong những thế mạnh kinh tế của địa phương, vì vậy ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chủ động tuyên truyền tới các hộ trồng rừng chuẩn bị tốt cây giống, đất khi thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành trồng rừng, không để đất trồng đồi núi trọc. UBND xã còn chỉ đạo các hộ dân thực hiện tốt công tác chăm sóc diện tích đã trồng; tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ, phòng chống cháy rừng một cách hiệu quả nhằm góp phần bảo vệ rừng, từng bước nâng cao kinh tế cho bà con nhân dân từ việc trồng và khai thác rừng trên địa bàn" - ông Lô Xuân Du, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lạc cho biết.
Tính mỗi ha keo sau 4 - 5 năm trồng cũng cho thu hoạch từ 70 - 80 triệu đồng. |
Cùng với các hộ gia đình trên địa bàn, tranh thủ thời tiết thuận lợi, độ ẩm cao gia đình ông Phan Văn Thông, xóm Hương Mươi xã Nghĩa Khánh đã tích cực huy động nguồn nhân lực của gia đình tiến hành trồng mới trên 3 ha cây keo. Theo ông Thông, keo là loại cây có đặc tính dễ trồng và chăm sóc, khi trồng chỉ cần điều kiện thời tiết thuận lợi cộng với việc cuốc hố và bón phân đúng kỹ thuật là cây keo có thể sinh trưởng và phát triển tốt. So với vụ trước, nhờ thực hiện trồng đúng kế hoạch thời vụ và chăm sóc tốt nên hơn 3 ha gỗ keo của gia đình, khi khai thác cho thu nhập gần 170 triệu đồng. Từ đó, gia đình ông có thêm nguồn thu nhập góp phần ổn định cuộc sống. Nhờ thực hiện tốt các khâu chuẩn bị mặt bằng, nguồn giống, phân bón và đào hố nên sau một thời gian gia đình ông Thông đã tiến hành trồng mới và hoàn thành công tác trồng rừng vụ xuân đảm bảo đúng điều kiện thời tiết.
Gia đình ông Phan Văn Thông, xóm Hương Mươi ,xã Nghĩa Khánh chăm sóc rừng vụ Xuân. |
Năm 2023, huyện Nghĩa Đàn có kế hoạch trồng mới 1.500ha rừng, trong đó vụ xuân trồng 600ha, diện tích còn lại khép kín vụ thu. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện xây dựng kế hoạch trồng rừng tới từng địa phương; đồng thời, tăng cường cán bộ kỹ thuật chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành thiết kế, kiểm tra, thống kê, rà soát các vườn ươm trên địa bàn, hướng dẫn các chủ vườn ươm mua hạt giống rõ nguồn gốc và gieo ươm đảm bảo tiêu chuẩn cung ứng cho người trồng rừng. Bên cạnh việc chỉ đạo, đôn đốc các hộ trồng rừng đúng kế hoạch, huyện Nghĩa Đàn còn chỉ đạo các đơn vị, hộ dân thực hiện tốt công tác chăm sóc diện tích đã trồng. Tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ, phòng chống cháy rừng một cách hiệu quả nhằm góp phần bảo vệ rừng, từng bước nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân từ việc trồng và khai thác rừng trên địa bàn huyện trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Hạt kiểm lâm Nghĩa Đàn - Thái Hoà kiểm tra triển khai việc trồng rừng vụ xuân. |
“Hiện nay, cùng với việc tích cực chuẩn bị các điều kiện cho vụ trồng rừng mới, Hạt kiểm lâm Nghĩa Đàn–Thái Hòa tích cực phối hợp với chính quyền địa phương rà soát những diện tích đất trống, diện tích rừng đến tuổi thu hoạch để đôn đốc chủ rừng đẩy nhanh tiến độ khai thác; khuyến cáo người dân thực hiện khai thác đến đâu thì tiến hành trồng rừng lại ngay đến đó, không để đất trống nhằm bảo đảm kế hoạch trồng rừng của năm. Đồng thời, tích cực chỉ đạo công tác chăm sóc rừng trồng của những năm trước, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt chú ý công tác phòng cháy, chữa cháy khi người dân xử lý thực bì để trồng rừng”- ông Trần Thanh Hà, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Nghĩa Đàn –Thái Hòa trao đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin