Gia đình ông Văn Đức Hải, ở thôn 13, xã miền núi Quỳnh Tân là một trong những hộ nuôi hươu nai lâu năm. Hiện nay trong chuồng của gia đình có 32 con hươu và nai các loại. Trung bình một năm ông Hải thu hoạch được khoảng 40 kg lộc nhung. Với giá hiện tại là 10 - 11 triệu đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm ông thu về hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra, ông Hải còn liên kết với các hộ chăn nuôi trong vùng tập kết thu mua hươu nai giống để cung cấp cho các cơ sở chăn nuôi hươu nai trong và ngoài huyện với số lượng từ 200 đến 300 con giống.
So với các loại con vật khác, chăn nuôi hươu nai có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi và ít bệnh tật hơn. |
Ông Hải chia sẻ: Nhu cầu thị trường tăng mạnh, mấy năm gần đây lộc nhung hươu khan hiếm, cung không đủ cầu. Cách đây 5 năm, giá bán mỗi kg lộc nhung hươu từ 7 - 8 triệu đồng/kg, nay tăng lên 10 - 11 triệu đồng/kg, đặc biệt có thời điểm nhung hươu tăng lên 13 - 14 triệu đồng/kg.
Cũng tại xã Quỳnh Tân, gia đình anh Nguyễn Cảnh Sinh thường xuyên duy trì chăn nuôi từ 30 - 35 con nai trong chuồng. Nhận thấy việc chăn nuôi lợn vừa vất vả, vừa bị sức ép từ dịch bệnh, đồng thời để tận dụng diện tích đất thừa của gia đình, từ đầu năm 2021, anh quyết định đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng thêm chuồng với các ô ngăn cách để nuôi thêm 30 con nai.
Giá lộc nhung tăng, người dân Quỳnh Lưu mạnh dạn đầu tư tăng đàn. |
Để đảm bảo thường xuyên có đủ thức ăn cho cả đàn, gia đình anh dành cả 2 sào đất vườn (1000 m2) để trồng cỏ voi. Ngoài ra, còn phải trồng và thu mua thêm cây chuối, ngô, khoai… để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả đàn nai phát triển cho lộc nhung to, béo, chất lượng tốt. Theo anh Sinh, so với chăn nuôi lợn thì nuôi nai mang lại hiệu quả kinh tế cao và ít rủi ro hơn. Mỗi con nai trung bình một năm cho khoảng 3,5 – 4kg nhung. Với tổng đàn 30 con thì mỗi năm gia đình thu hoạch được hơn 1 tạ nhung nai, với giá bán bình quân 6 triệu đồng/kg thu về trên 600 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi hơn 400 triệu đồng.
Xã Quỳnh Tân hiện có 96 hộ chăn nuôi hươu, nai với tổng đàn khoảng 1.000 con. Lộc nhung hươu, nai thường được thu hoạch chính vụ từ dịp Tết Nguyên Đán cho đến hết tháng 3, ngoài ra còn thu hoạch rải rác các tháng trong năm. Đặc biệt, năm nay người dân chăn nuôi hươu trên địa bàn xã tiếp tục được mùa cả về sản lượng, giá thành bán lộc nhung hươu và bán con giống. |
“Thời gian tới, địa phương tiếp tục động viên, hướng dẫn các hộ chăn nuôi quan tâm xử lý chuồng trại, cách phòng bệnh để đàn hươu phát triển, đem lại thu nhập và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương”, ông Đậu Đức Toán - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân cho biết thêm.
Tính đến thời điểm này, toàn huyện Quỳnh Lưu có trên 10.000 con hươu, nai tập trung ở các xã Quỳnh Yên, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Tân Thắng. |
Hươu Nai là loại động vật có nguồn gốc hoang dã được người dân huyện Quỳnh Lưu thuần dưỡng nuôi đại trà từ những năm 1990 cho đến nay. Có thời điểm đàn hươu nai của huyện phát triển lên đến hơn 30.000 con. Tuy nhiên sau đó con hươu nai rớt giá khiến người chăn nuôi thua lỗ. Từ năm 2005 trở lại đây, con hươu nai có giá trị trở lại, thị trường ổn định người dân bắt đầu đầu tư tái đàn.
Bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: Tính đến thời điểm này toàn huyện Quỳnh Lưu có trên 10.000 con hươu, nai tập trung ở các xã Quỳnh Yên, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Tân Thắng. Sản lượng lộc nhung thu về khoảng 5 - 6 tấn, tương đương khoảng 55 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay nhiều xã đã thành lập các câu lạc bộ chăn nuôi hươu nai nhằm trao đổi kỹ thuật chăn nuôi, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm và trao đổi mua bán con giống cung cấp cho thị trường ngoại tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin