Với diện tích gần 2 sào đất vườn trước đây gia đình chị Lục Thị Dung, dân tộc thái ở xóm Hữu Lam xã Nghĩa Đức chỉ trồng hoa màu theo mùa. Từ năm 2020, qua thăm quan, học hỏi, chị Dung nhận thấy nhiều hộ trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn trồng dưa lưới nhà màng cho thu nhập cao. Năm 2022, sau khi đi học tập, lại được Huyện hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình mạnh dạn làm nhà màng, trồng thử nghiệm lứa dưa đầu tiên. Sau 75 ngày chăm sóc, trừ các chi phí cũng thu về hơn 30 - 35 triệu đồng/vụ, sau khi trừ chi phí. Đây là năm thứ 2 vụ thứ 4 gia đình trồng dưa, thấy hiệu quả hơn các loại cây trồng khác, không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Chị Dung kiểm tra quá trình phát triển của cây dưa. |
Ở địa phương, mô hình trồng dưa lưới còn khá mới mẻ nên chị Dung phải tự tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm với người đi trước ở nhiều nơi. Chị Dung cho biết, trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối cao, người trồng phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho đến lúc thu hoạch sản phẩm. Quá trình trồng ban đầu cũng thấy khó khăn, giờ thì quen, thấy thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác.”
Mỗi dây treo 1 quả và sau 75 ngày chăm sóc trong nhà lưới, cây dưa đã cho thu hoạch. |
Cũng theo chị Dung, trong suốt quá trình canh tác dưa lưới, hầu như giai đoạn nào cũng quan trọng nên người trồng phải chủ động “đi trước” một bước trong phòng ngừa dịch bệnh. Tùy vào từng thời điểm trong năm, tình hình dịch bệnh khác nhau. Mùa mưa, cây trồng này dễ bị nấm gây hại. Mùa nắng, dưa lưới dễ bị rầy phấn trắng gây hại. Trước đây người đồng bào ở Nghĩa Đức sản xuất nông nghiệp chủ yếu tự cung tự cấp, phục vụ đời sống trong gia đình, thì bây giờ đã thay đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao để tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích đất. Từ hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp đã tạo nên sự chuyển biến tích cực về thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con dân tộc thiểu số ở Nghĩa Đức.
Hội nông dân xã Nghĩa Đức tham quan mô hình trồng dưa lưới của gia đình chị Lục Thị Dung. |
Chị Trần Thu Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Đức cho biết: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT. Cho hội viên đi thăm quan học tập mô hình, hỗ trợ bà con tiếp cận các nguồn vốn vay, từ đó đã có nhiều hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình và đến nay đã cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng dưa lưới nhà màng của gia đình chị Lục Thị Dung.”
Anh Trần Văn Đảm, xóm Hồng Quý xã Nghĩa Hồng chăm sóc vườn dưa của gia đình. |
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ các giống dưa lưới, từ tháng 2 năm 2020 anh Trần Văn Đảm ở xóm Hồng Quý xã Nghĩa Hồng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư làm hơn 2.000m2 nhà màng trồng trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo tính toán của anh Đảm, trồng dưa lưới nhà màng mỗi năm có thể trồng được 3 - 4 vụ, giá dưa luôn ổn định từ 40 - 45 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các chi phí mỗi năm có thể đem về từ 300 - 350 triệu đồng.
Anh Đảm chia sẻ: “Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên sản phẩm luôn đạt độ an toàn, sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.”
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đang được nhiều hộ dân quan tâm bởi chống chịu được điều kiện thời tiết, cho năng suất cao. |
"Việc phát triển nông nghiệp sạch thích ứng với biến đổi khí hậu đang là mục tiêu trọng tâm của huyện, địa phương sẽ tạo điều kiện, tập trung kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp chuyển giao, liên kết phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, huyện sẽ xây dựng và triển khai những chính sách ưu đãi về vay vốn phát triển mô hình, quảng bá sản phẩm, tăng cường huy động các nguồn lực, dự án hỗ trợ phát triển, nhân rộng mô hình trồng cây dưa lưới và một số loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao khác. Ngoài ra, hỗ trợ các hộ trồng dưa lưới đăng ký giấy phép kinh doanh, kiểm định môi trường, xét nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ bao bì, logo, hình ảnh để phát triển OCOP - Chương trình mỗi xã một sản phẩm" - ông Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng phòng NT&PTNT huyện Nghĩa Đàn trao đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin