Vụ Hè thu này, toàn huyện Quỳnh Lưu gieo cấy hơn 4.000 ha lúa, trong đó diện tích cấy hơn 3.700 ha, số còn lại là bà con gieo thẳng.
Sâu đục thân cú mèo cắn phá, gây hại cục bộ ở một số diện tích làm dảnh lúa héo vàng và chết |
Toàn huyện đã có hơn 100 ha bị sâu đục thân cú mèo cắn phá nặng, gây hại cục bộ ở những chân ruộng cao bị khô nước theo dạng ổ, tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Hưng... với tỷ lệ nơi thấp 5-10%, nơi cao 20-25%, cá biệt 40-50% số dảnh bị sâu gây hại; trong đó có 10 ha dự báo sẽ bị ảnh hưởng đến năng suất vào cuối vụ.
Thời gian nhộng của sâu đục thân cú mèo |
Trên địa bàn huyện cũng đã có sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 xuất hiện gây hại nhẹ đến trung bình cục bộ một số diện tích trên trà lúa muộn, có màu xanh đậm. Bệnh bạc lá vi khuẩn phát sinh trên một số giống lúa có bản lá to, mỏng, bón thừa đạm.
Kể từ khi xuất hiện các loại sâu bệnh hại lúa, đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cùng với đội ngũ khuyến nông cơ sở thường xuyên bám địa bàn theo dõi, điều tra sâu bệnh và dự báo chính xác, kịp thời diễn biến tình hình, xu hướng, mật độ phát triển của dịch hại. Từ đó khoanh vùng phun trừ bằng thuốc hóa học phù hợp với các đối tượng sâu bệnh, nhằm hạn chế thiệt hại cho cây trồng khi sâu tuổi lớn. Bên cạnh đó, các xã đã chỉ đạo tổ thủy nông chú trọng điều tiết nước về các cánh đồng cho ngập chân ruộng và duy trì ở mức từ 2 – 4 cm, giúp nông dân thuận lợi bón thúc giai đoạn phân hóa đòng đối với trà lúa Hè thu chính vụ.
Nông dân Quỳnh Lưu tích cực kiểm tra đồng ruộng theo dõi diễn biến của sâu bệnh |
Bà Vũ Thị Bích Hằng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: Ngay từ khi xuất hiện sâu bệnh, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực tiếp làm việc với UBND các xã kiểm tra, đánh giá toàn bộ các vùng bị sâu hại; kịp thời triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, hạn chế thấp nhất sự gây hại của sâu bệnh. Riêng đối với sâu đục thân cú mèo trước đây cũng đã phát sinh trên cây trồng nhưng chỉ gây hại ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên sau khoảng 6 – 7 năm trở lại đây thì loại sâu này mới xuất hiện trở lại, gây bất ngờ cho đội ngũ kỹ thuật về dự tính dự báo sâu bệnh. Mặc dù vậy nhưng cán bộ chuyên môn đã hướng dẫn người dân xử lý kịp thời đối với diện tích bị sâu hại. Nhờ đó, đến tại thời điểm này tình hình sâu bệnh hại lúa ở Quỳnh Lưu cơ bản đã được kiểm soát ổn định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin