Sau nhiều năm loay hoay đủ nghề nhưng hiệu quả kinh tế không cao, từ năm 2010, khi nhà máy sữa Vinamilk có chính sách hỗ trợ bà con trong phát triển đàn bò sữa và trực tiếp thu mua, anh Nguyễn Văn Danh, giáo dân ở xóm Đồng Tâm A đã bàn bạc với gia đình dồn toàn bộ liếng, đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ nuôi bò sữa. Lúc đầu chỉ nuôi 5 con, do chưa có kinh nghiệm nên gia đình gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc giống bò mới này. Để có kiến thức anh Danh tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do nông dân huyện và xã tổ chức và nghiên cứu thêm sách báo, tài liệu, học hỏi từ những mô hình nuôi bò sữa thành công trong và ngoài huyện, nắm vững kiến thức, kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng, chữa bệnh cho đàn bò của gia đình.
Anh Nguyễn Văn Danh, xóm Đồng Tâm A, xã Nghĩa An chăm sóc đàn bò sữa. |
Sau những năm tháng cần mẫn, thức khuya dậy sớm, đàn bò bắt đầu cho sữa. Với số vốn xoay vòng từ bán sữa, sau một thời gian, anh Danh đã trả hết nợ vay ngân hàng, tiếp tục đầu tư để nhân rộng đàn bò. Đến nay, tổng số bò của gia đình luôn duy trì đàn bò từ 25 - 30 con; trong đó có từ 10 - 14 con cho sữa. Thời điểm này, có 10 con cho sữa, trung bình đạt 2,2 - 2,5 tạ, giá sữa 15 ngàn đồng/kg; Sau khi trừ các chi phí cũng lãi được 2 triệu đồng/ngày. Ngoài sữa, anh còn có thu nhập từ tiền bán bê đực với giá 20 đến 25 triệu đồng/con. Trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh Danh lãi khoảng 250 - 300 triệu đồng.
Anh Danh chia sẻ thêm: "Nuôi bò sữa thu nhập cao hơn nuôi các loại con khác nhưng vất vả hơn. Để bò sản sinh ra nhiều sữa đòi hỏi phải chăm sóc cẩn thận, đúng kỹ thuật. Chế độ ăn đúng tiêu chuẩn. Về chế độ chăm sóc và phòng dịch bệnh, để bò sữa khỏe mạnh, nhất thiết phải chú ý đến một số phương pháp phòng bệnh như thường xuyên dọn dẹp chuồng trại, diệt muỗi, ruồi, áp dụng nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật, tiêm phòng cho bò theo định kỳ để tránh mắc phải một số bệnh như dịch tả, lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Đồng thời, đặc biệt lưu ý bổ sung nguồn thức ăn phù hợp, giàu chất dinh dưỡng trong thời kỳ vắt sữa để đảm bảo nguồn sữa chất lượng cũng như duy trì sức khỏe ổn định. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, gia đình còn dành quỹ đất trên 500m2 để trồng thêm cỏ voi"
Người dân đầu tư máy móc để vắt bò sữa được đảm bảo. |
Nhận thấy nuôi bò sữa mang lại lợi nhuận cao, phát triển thuận lợi, đầu ra, giá sản phẩm ổn định. Anh Pham Văn Luyện –ở xóm 10B xã Nghĩa An đã mạnh dạn dồn toàn bộ vốn liếng và vay thêm để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 5 con bò sữa giống với giá giao động từ 50 - 60 triệu đồng/con về nuôi. Anh Luyện cho biết, chăn nuôi bò sữa vất vả hơn rất nhiều so với nuôi lợn, gà, vịt… nhưng có nguồn thu nhập cao và ổn định, không sợ bị lỗ . Hiện, gia đình anh đã mua thêm và đang nuôi 12 con bò sữa, trong đó, khoảng 7 con đang cho khai thác sữa. “Nhờ vào việc chăn nuôi bò sữa, trừ chi phí đi mỗi tháng gia đình tôi thu lãi được từ 15 đến 20 triệu đồng tiền sữa”, anh Luyện cho biết.
Xã Nghĩa An phát triển mạnh đàn bò sữa, với tổng đàn hơn 350 con. |
Cũng theo anh Luyện, nuôi bò sữa không khó bởi ít bị dịch bệnh, những người nuôi cần lưu ý 3 yếu tố là đảm bảo nguồn thức ăn; chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, phòng dịch bệnh và con giống. Nhằm đảm bảo chi phí đầu vào và chất lượng sữa, ngoài nguồn cỏ tươi, anh còn cho bò ăn thêm thức ăn tổng hợp như thu mua cây ngô sáp cả bắp, cám gạo cùng phụ phẩm khác. Trung bình mỗi ngày một con bò sữa ăn hết 10kg thức ăn tổng hợp và 20kg cỏ tươi. Ngoài ra, gia đình còn thuê gần 1ha cỏ voi, nhằm đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ vào mùa khô hạn. Đối với khâu chọn con giống, muốn bò cho chất lượng cao, người chăn nuôi có thể chọn mua bò lai F2 hoặc bò lai F1- anh Luyện cho biết thêm.
Lãnh đạo xã Nghĩa quan và người dân tham quan mô hình nuôi bò sữa xủa gia đình anh Danh. |
Hiện nay, xã Nghĩa An phát triển mạnh đàn bò sữa, với tổng đàn hơn 350 con. Bình quân mỗi con bò cho khai thác sữa đạt 20 – 25 lít sữa/con một ngày, với giá bán cho công ty thu gom hiện nay là 13 – 15 ngàn đồng/lít sữa tươi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi hộ/năm.
“Nhận thấy lợi thế của địa phương và có mô hình sẵn của các hộ đi trước nên chúng tôi đã tuyên truyền cho hội viên đi thăm quan học tập để từ đó nhân rộng mô hình nuôi bò sữa. Đến nay, các mô hình đều đã thành công, cho thu nhập ổn định. Những mô hình này vừa góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, vừa góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới” - bà Đặng Thị Hồng Duyến, Chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa An trao đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin