Kinh tế

Đa dạng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại huyện miền núi Quỳ Hợp

14:55, 21/11/2023

Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, thời gian qua, huyện miền núi Quỳ Hợ​​​p đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp xúc với nhiều sản phẩm tiện ích, giao dịch bảo đảm an toàn.​​​​​​​

Nhiều người dân ở huyện miền núi Quỳ Hợp đi mua sắm thanh toán chuyển khoản không dùng tiền mặt.

TTKDTM là hình thức sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số hoặc thanh toán điện tử gián tiếp liên ngân hàng như: Mobile Banking, Internet Banking, ví điện tử, thanh toán qua thẻ tín dụng và thẻ ATM... thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi tiền mặt. Mục tiêu nhằm từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt để thanh toán của người dân, qua đó góp phần giảm lượng tiền mặt trong lưu thông, giảm phí kiểm đếm, vận chuyển tiền giữa các ngân hàng, bảo đảm an toàn trong giao dịch, tốc độ thanh toán nhanh, chính xác và linh hoạt.

 Khách hàng thanh toán bằng thẻ thanh toán tiêu dùng tại siêu thị ở thị trấn Quỳ Hợp.

Chị Nguyễn Thị Khánh Ly, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoàng Báu nói: “Đối với cửa hàng từ khi sử dụng mã QR này em cảm thấy rất tiện lợi vì bây giờ người mua hàng người ta ít mang theo tiền mặt bên mình cho nên cửa hàng phải thanh toán bằng Qr để đa dạng hoá các phương thức thanh toán cho phù hợp với khách hàng. Cửa hàng em chuyên về bán lẻ nên một ngày lượng thanh toán rất là đông, khoảng 10-20 lượt khách hàng thanh toán trong ngày”.

 Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc TTKDTM nên Ngân hàng luôn nỗ lực đầu tư hạ tầng công nghệ, xây dựng phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích hiện đại với tiêu chí khách hàng là trung tâm. Theo đó, Ngân hàng tạo ra các gói sản phẩm ứng dụng công nghệ mới tích hợp nhiều tính năng, đem lại sự hấp dẫn và thuận tiện cho người dùng. 

 Đa dạng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại huyện miền núi Quỳ Hợp

Bà Trần Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Yên Thắng cho biết: “Từ khi chuyển đổi số, những tiện ích, tiện lợi để về uỷ nhiệm chi trên máy tính hiện cũng thực hiện được 6 tháng rồi, dì chỉ việc đến đây nộp tiền xong về nhà uỷ nhiệm chi. Doanh nghiệp tuy là nhỏ nhưng đồng tiền quay vòng rất nhiều nên uỷ nhiệm chi đi các nơi rất nhiều, từ khi được chuyển về làm ứng dụng trên máy tính tiết kiệm được thời gian rất nhiều, rất tiện ích, đi bất cứ ở đâu, kẻ cả thứ bảy, chủ nhật, 10g đêm bất cứ ở đâu mình sẽ chuyển được tiền, rất là cảm kích, rất là thuận lợi, từ khi chuyển đổi không chê cái gì nữa cả”.

 Cán bộ ngân hàng hướng dẫn ứng dụng BIDV Ibank cho khách hàng doanh nghiệp.

Cùng với các dịch vụ trên, Ngân hàng còn phối hợp với các cơ quan thực hiện nhiều dịch vụ thanh toán công như: Tiền thuế, tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí… Cô giáo Nguyễn Thị Tiếp, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai cho biết: “Thực hiện văn bản chỉ đạo 1668 ngày 13/3/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về việc chỉ đạo thu học phí không qua tiền mặt, trường mầm non Sao Mai đã chủ động phối hợp với ngân hàng BIDV để triển khai thu học phí theo đúng chủ trương. Qua một thời gian triển khai thì tôi thấy phần mền này rất là tiện ích đối với nhà trường cũng như là phụ huynh, thay vì phụ huynh phải đến trường để nộp học phí cho con em mình, thì phụ huynh có thể nộp học phí bất kỳ ở đâu qua ứng dụng phần mềm của ngân hàng”.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phủ Quỳ đã mở mới 5.244 ứng dụng BIDV Smartbanking cho khách hàng cá nhân.

Theo Ngân hàng, dịch vụ thu hộ học phí được thiết kế vận hành dựa trên kết nối dữ liệu, tự động hóa trên nền tảng công nghệ hiện đại với hình thức thanh toán đa dạng. Theo đó, trường học không chỉ dễ dàng quản lý các khoản phải thu thông qua báo cáo thu hộ do Ngân hàng cung cấp mà còn tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro phát sinh trong các giao dịch bằng tiền mặt như thừa, thiếu, nhầm lẫn, tiền giả, tiền kém chất lượng, giảm bớt nhân sự các khâu thu tiền, kiểm đếm.

Anh Ngân Khăm Phon, khối 4 thị trấn Quỳ Hợp chia sẻ: “Giới trẻ bọn em có thói quen sử dụng phần mềm chuyển tiền, thường xuyên thanh toán mua hàng bằng áp điện thoại ngân hàng, em thấy rất tiện lợi, độ chính xác cao, không phải mang tiền mặt trong người nhiều, tránh tình trạng mất mát”.

Ngân hàng phối hợp với Chi Cục Thuế huyện hỗ trợ, phối hợp người dân nộp thuế qua ứng dụng Etax.

Xác định TTKDTM là xu hướng mà các ngân hàng hiện đại hướng tới, các Ngân hàng còn thực hiện miễn giảm phí mở thẻ, phí dịch vụ để khuyến khích người dân tiếp cận với các dịch vụ, giúp khách hàng không cần tiếp xúc với nhân viên ngân hàng mà vẫn có thể thực hiện nhiều giao dịch tự động trên nền tảng công nghệ số như nộp tiền, rút tiền, gửi tiết kiệm, chuyển tiền, đăng ký mở tài khoản…
 


 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện