Là một trong những sản phẩm OCOP vừa được Hội đồng thẩm định huyện Quỳnh Lưu thông qua, mực khô Bùi Thảo ở thôn 5, xã Sơn Hải được xem là sản phẩm nổi tiếng ở Quỳnh Lưu xét cả về khía cạnh thương hiệu, thị trường lẫn chất lượng, lợi nhuận.
Sản phẩm mực khô của cơ sở Bùi Thảo đạt chuẩn ocop 3 sao |
Với hệ thống nhà xưởng, kho đông khá hiện đại, mỗi năm cơ sở mực khô Bùi Thảo thu mua và chế biến từ 1,5 – 2 tấn, cho doanh thu từ 2,7 – 3 tỷ đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 30 lao động thời vụ và 6 lao động thường xuyên.
Chị Bùi Thị Thảo - chủ cơ sở chia sẻ: “Với lợi thế về nguyên liệu và kinh nghiệm gia truyền, từ năm 2012, chúng tôi đã chuyển đổi từ nghề đi biển và buôn bán nhỏ sang chế biến, kinh doanh hải sản và mực khô. Để sản phẩm chất lượng, có độ dày, tươi ngon, hương vị đậm đà, chúng tôi đã liên kết với nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ để lựa chọn những con mực tươi sống, kích cỡ lớn, sơ chế và phơi ngay trên thuyền khi mới đánh bắt được, không sử dụng hóa chất hay phẩm màu tẩm ướp".
Sản phẩm mực khô được đóng gói cấp đông, dán tem nhãn bán ra thị trường. |
Đối với những loại thu mua về chế biến tại khu vực sản xuất, cơ sở tiến hành sẻ lấy nội tạng, rửa sạch bằng nước biển nhiều lần, đưa lên giàn phơi ngoài trời ở nhiệt độ từ 34 - 38 độ, khi mực chuyển sang màu vàng thì được đóng gói cấp đông, dán tem nhãn bán ra thị trường. Hiện nay, sản phẩm của cơ sở này có mặt khắp các tỉnh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, thậm chí gửi sang cả nước ngoài để làm quà”.
Sản phẩm thanh long của gia đình ông Kiều Văn Minh, xã Tân Sơn đang được chọn để xây dựng sản phẩm OCOP. |
Ông Cao Xuân Điệp - Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: “Toàn xã Sơn Hải có 158 phương tiện tàu thuyền, trong đó tàu câu mực là gần 60 phương tiện. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt hơn 3.000 tấn/năm, trong đó riêng sản lượng mực gần 1000 tấn và doanh thu đạt khoảng 27 tỷ đồng. Hiện nay, ngoài sản phẩm mực khô Bùi Thảo, xã Sơn Hải còn có thêm sản phẩm OCOP nước mắm Tuyết Hoa.
Để phát triển lĩnh vực chế biến gắn với ổn định thị trường nguyên liệu, giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống cho người dân và đưa hương vị biển quê hương lan toả, thời gian tới, xã Sơn Hải sẽ cố gắng xây dựng thêm 1 – 2 sản phẩm OCOP đạt chuẩn như cá thửng một nắng, chả mực…và tiến tới xây dựng thương hiệu tập thể cho các loại hải sản.
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu tham quan mô hình trồng ổi hữu cơ của ông Đàm Duy Từ, xã Quỳnh Tam. |
Trước yêu cầu chặt chẽ trong việc công nhận sản phẩm OCOP theo bộ tiêu chí mới quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2023, huyện Quỳnh Lưu đã chỉ đạo các địa phương định hướng, lựa chọn xây dựng sản phẩm đặc trưng, mang nguồn gốc, bản sắc trí tuệ địa phương như mực khô, nhung hươu, rau màu... UBND huyện đã tổ chức 9 cuộc làm việc với các xã và chủ thể để thực hiện kiểm tra, hướng dẫn định hướng xây dựng sản phẩm OCOP và 2 đợt thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023.
Sản phẩm chế biến từ muối có ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH ABACA, xã Quỳnh Văn đã được công nhận OCOP. |
Ngoài ra, huyện cũng trích ngân sách hỗ trợ 280 triệu đồng để xây dựng sản phẩm OCOP (trong đó: 140 triệu đồng hỗ trợ kiểm định chất lượng, xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc và thiết kế, in bao bì nhãn mác sản phẩm và 140 triệu đồng hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP).
Huyện Quỳnh Lưu trao giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt chuẩn OCOP. |
Với sự nỗ lực của các ngành, địa phương và chủ thể, năm 2023, huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng và thẩm định được 16 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện lên 39 sản phẩm.
"Trong số 16 sản phẩm OCOP vừa được xếp hạng thì có 3 sản phẩm công nhận lại do hết thời hạn 36 tháng theo quy định và 13 sản phẩm sản phẩm mới của 10 chủ thể tại 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, nâng số lượng xã có sản phẩm OCOP lên 14 xã, thị trấn, đạt 42,4% KH xã, thị trấn có sản phẩm OCOP”- ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu trao đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin