Kinh tế

Nghệ An: Chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết 2024

17:45, 30/12/2023

Các nhà cung cấp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, các thương nhân Nghệ An đã chủ động có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán 2024.

Lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An kiểm tra tình hình sản xuất tại các nhà máy may trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An kiểm tra tình hình sản xuất tại các nhà máy may trên địa bàn.

Cụ thể, trong quý I/2024, các thương nhân xăng dầu có kế hoạch dự trữ khoảng 210.000 m3. Trong đó, các thương nhân đầu mối gồm Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh khoảng 25.000 m3 và các thương nhân phân phối như Công ty CP Kinh doanh Tổng hợp Đô Lương 4.200 m3 , Công ty CP Hàng Hải Phúc An khoảng 3.630 m3, Công ty TNHH Lưu Nga 1.505 m3...

Hiện nay, các ngành, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng (tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch, chương trình khuyến mại, kết nối cung - cầu…) góp phần tăng sức mua hàng hóa.

Việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động áp dụng từ ngày 1/7/2023 cũng giúp người dân tăng các khoản chi tiêu, góp phần vào chỉ số tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong các tháng cuối năm.

Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn, ngành Công Thương xác định nhóm hàng cần đảm bảo cung - cầu trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới gồm thực phẩm tươi các loại; bánh kẹo, mứt, rượu, bia, nước giải khát, xăng, dầu… 

Siêu thị Go! Vinh (Nghệ An) là một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường.

Bà Trần Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nghệ An cho biết: Hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh dịp Tết chủ yếu ở các kênh cơ bản: kênh bán hàng truyền thống, gồm 27 trung tâm thương mại; hệ thống siêu thị, hệ thống chợ, hơn 600 cửa hàng tiện lợi, hơn 3.000 cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã; 17 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Cùng với đó là các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng đa phương tiện (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.

Đối với nhà phân phối, người đại diện hệ thống các siêu thị: Go! Vinh (Nghệ An) cho biết: Trong bốn tháng cuối năm, tình hình thị trường bán lẻ dự báo vẫn tiếp tục khó khăn do nguy cơ doanh nghiệp phải tăng giá hàng hóa, tác động đến sức mua của thị trường.

Người đại diện hệ thống các siêu thị: Go! Vinh (Nghệ An) hy vọng thị trường bán lẻ có những điểm sáng khởi sắc với mức tăng trưởng đáng kể với chương trình khuyến mãi trọng điểm để tri ân khách hàng vào dịp Tết Nguyên Đán 2024.

Nhận định về thị trường hàng hoá cuối năm, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An Phạm Văn Hoá cho rằng, sẽ biến động theo quy luật thị trường, song dự báo không có tăng đột biến, bất thường.

Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cũng khẳng định, đã theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán

Theo TCDN

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện