Kinh tế

Chính phủ: Nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế cá nhân

19:08, 07/02/2024
Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân để gỡ khó khăn cho đời sống người dân, theo Nghị quyết của Chính phủ.

Hiện, giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu, duy trì từ tháng 7/2020. Trong đó, 11 triệu được cơ quan thuế xác định bằng "mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người", còn 4,4 triệu xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế. Nhưng mức giảm trừ này đang được coi là lạc hậu, bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ.

Vì thế, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1 được Văn phòng Chính phủ ban hành hôm 6/2, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống người dân. Đây cũng là yêu cầu Quốc hội giao tại kỳ họp tháng 6/2023.

Chia sẻ hồi tháng 11/2023, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh đang thấp. Bởi, hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20-30% từ sau dịch Covid-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên. Dự kiến năm 2025 sẽ xem xét sửa Luật thuế thu nhập cá nhân.

Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và thuế thu nhập từ cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng. 

Nhân viên chi nhánh một ngân hàng tại Hà Nội kiểm đếm ngân quỹ, tháng 4/2022. Ảnh: Giang Huy
Nhân viên chi nhánh một ngân hàng tại Hà Nội kiểm đếm ngân quỹ, tháng 4/2022. Ảnh: Giang Huy

Cũng tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Công Thương xử lý nghiêm các cửa hàng xăng dầu vi phạm về xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán, trường hợp cần thiết có thể thu hồi giấy phép.

Hiện, cả nước có 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ tháng 7/2022.

Đến ngày 1/2, thống kê của Tổng cục thuế cho thấy có khoảng 6.144 cây xăng, chiếm khoảng 36% cây xăng trên cả nước, thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần bán và kết nối với cơ quan thuế.

Liên quan tới cung ứng điện, Bộ Công Thương được giao xây dựng và điều hành kế hoạch khai thác các nguồn điện, bảo đảm cung cấp điện, than, khí cho sản xuất điện.

Bộ này cũng cần hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, quyết định thay thế Quyết định 28/2017 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; cũng như đề xuất cơ chế thí điểm đầu tư điện gió ngoài khơi.

Theo VNE

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện