Kinh tế

Anh Sơn đưa các giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất vụ xuân

17:39, 18/05/2024
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa vụ xuân năm 2024, bên cạnh việc tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất thì UBND huyện Anh Sơn đã triển khai trồng khảo nghiệm một số giống lúa mới tại các địa phương, qua thu hoạch, đánh giá năng suất cho thấy các giống lúa này đạt năng suất, sản lượng cao, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương lựa chọn giống phù hợp đưa vào canh tác những vụ tới, góp phần xây dựng và nhân rộng các vùng trồng lúa chất lượng cao.  

Tại xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn những ngày này bà con nông dân đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân, những thảm lúa vàng, những bông lúa xuân trĩu hạt báo hiệu một vụ mùa bội thu. Niềm vui rạng rỡ hiện trên gương mặt của gia đình ông Nguyễn Văn Phú ở thôn 2 xã Lĩnh Sơn, gạt những giọt mồ hôi ướt đầm trên trán, ông Phú phấn khởi nói, vụ xuân năm nay gia đình ông gieo cấy 3 sào lúa, bố trí các loại giống khác nhau. Khi địa phương triển khai giống mới Hana 167 để thử nghiệm, ông đã mạnh dạn đăng ký. Xuống giống với diện tích gần 1 sào, đến nay đã cho thu hoạch, theo ông Phú giống Hana 167 có đặc điểm cây lúa phát triển khỏe, kháng chịu sâu bệnh tốt, không bị đổ ngã, nhất là đẻ nhánh đồng đều, trổ bông đồng loạt…

So với các loại giống lúa khác trong vụ xuân này thì Hana 167 cho năng suất vượt trội hơn. Qua thu hoạch và đánh giá của UBND xã trên diện tích gia đình ông, năng suất đạt rất cao 4 tạ/sào, bà con ai cũng rất phấn khởi, sau khi thu hoạch xong, gia đình tôi sẽ bắt tay vào chuẩn bị sản xuất vụ hè thu mùa và tiếp tục đưa giống này vào gieo cấy, ông Phú chia sẻ.

Những ngày này bà con nông dân đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân.

Vụ xuân năm nay, toàn xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn gieo cấy hơn 100 ha lúa, chủ yếu là giống Thiên ưu 8. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng nhằm nâng cao giá trị sản xuất, năm nay xã đưa vào sản xuất thí điểm 50 ha giống lúa Hana 167 do siêu thị Vật tư Nông nghiệp Aloxanh cung ứng. 

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn cho biết: Đây là giống lúa thuần, ngắn ngày, chất lượng cao, có khả năng sinh trưởng tốt, cứng cây, đẻ nhánh khá, bộ lá xanh bền, bông dài, nhiều hạt, đặc biệt là chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Giống có chất lượng gạo ngon, cơm dẻo, mềm thơm và có vị đậm. Thời gian sinh trưởng trong vụ Xuân từ 120 - 125 ngày. Qua đánh giá năng suất, giống lúa Hana 167 mang lại năng suất, sản lượng cao, đạt từ 7,5- 8 tấn/ha, hơn hẳn các giống lúa khác. Theo ông Tài, Hana167 là giống lúa cảm ôn, gieo cấy được cả 2 vụ/năm, nên xã sẽ tiếp tục đưa vào gieo cấy trong vụ hè thu mùa này.
            

Qua đánh giá năng suất tại các địa phương, các giống lúa mới cho năng suất, sản lượng cao.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân xã Lạng Sơn, Anh Sơn cũng đang huy động nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân năm 2023 với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng. 

Vụ xuân năm nay, toàn xã gieo cấy 185 ha, cơ cấu các loại giống VT404, Thái Xuyên 111, DT 100, Thiên ưu 8. Xác định vụ xuân là vụ sản xuất chính, quan trọng nhất trong năm, xã Lạng Sơn đã chủ động xây dựng, triển khai đề án sản xuất sớm; chú trọng thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa với những giống lúa chất lượng cao, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, ông Nguyễn Viết Dũng, Phó chủ tịch xã Lạng Sơn trao đổi.

Năm nay xã đưa vào thứ nghiệm giống VT868 diện tích 1,5 ha, với 28 hộ tham gia, tập trung ở thôn 6. T868 là giống lúa lai 3 dòng, được các nhà khoa học của Công ty Trách nhiệm hữu hạn liên doanh Việt Long hợp tác cùng các nhà khoa học của Viện lúa Hồ Nam, Thiên Tân (Trung Quốc) nghiên cứu, lai tạo và phát triển. Giống lúa này hiện nay đang được lựa chọn là giống chủ lực tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Qua trồng thử nghiệm cho thấy đây là loại giống có năng suất cao, bình quân từ 3,4 tạ/sào, nếu đầu tư tốt sẽ đạt cao hơn, cây đẻ nhánh khỏe, tiết kiệm chi phí đầu tư; cứng cây, chống đổ ngã tốt và chống chịu tốt với một số sâu bệnh hại thường xuyên xuất hiện như đạo ôn, khô vằn, bạc lá. Đây là cơ sở để UBND xã Lạng Sơn lựa chọn, bổ sung vào cơ cấu giống của địa phương thay thế những giống lúa cũ có năng suất chất lượng thấp. 

Bà con nông dân Anh Sơn phấn khởi vì lúa xuân được mùa.

Vụ xuân năm 2023, toàn huyện Anh Sơn gieo cấy hơn 3.300 ha lúa xuân, cơ cấu các giống lúa chủ lực có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, trong đó có giống lúa lai chủ lực gồm: Thụy Hương 308, Q.Ưu 6, 27P53, Phú ưu 978 và các giống lúa thuần chất lượng: VNR20, ND 502, ĐT 100, VT404, Syn 98, NA2, Thiên Ưu 8. Hiện nay các địa phương đang thu hoạch lúa xuân, qua đánh giá chất lượng năng suất bình quân toàn huyện ước đạt 66- 70 tạ/ha. Ông Lê Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn cho biết: Với mục tiêu giành thắng lợi cả về diện tích, năng suất, sản lượng, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp huyện Anh Sơn đã quyết liệt chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng đề án cụ thể, bố trí cơ cấu giống và thời vụ hợp lý với điều kiện cụ thể từng vùng, từng địa phương. Trong đó chú trọng việc áp dụng các quy trình sản xuất an toàn thực phẩm (VietGAP, hữu cơ,...), ứng dụng công nghệ cao, KHKT trong sản xuất. Mỗi xã chỉ chọn tối đa 2-3 giống đưa vào cơ cấu, trên cùng một xứ đồng chỉ gieo cấy 1 hoặc 2 giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đương nhau để thực hiện tốt việc chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại. Sau gieo cấy, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; làm tốt công tác quản lý giống, hạn chế tối đa việc sử dụng giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Xây dựng phương án sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm; chủ động ứng phó khi hạn hán xẩy ra; bám sát, theo dõi đồng ruộng kịp thời phát hiện sâu bệnh hại để phòng trừ.

 Ngành nông nghiệp huyện Anh Sơn đi kiểm tra, đánh giá giống lúa mới.

Trước thời tiết ngày càng cực đoan, nên năm nay UBND huyện Anh Sơn đã lựa chọn, cơ cấu những giống mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện canh tác để đưa vào thử nghiệm tại các địa phương, cụ thể giống Hana 167 ở xã Lĩnh Sơn, VT868 ở xã Lạng Sơn, Thụy Hương 308 ở xã Cao Sơn, Cẩm Sơn; Q.Ưu 6 ở xã Tào Sơn… Đã có 8 xã đăng ký tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giá giống, đặc biệt, tất cả quá trình làm đất, gieo mạ, chăm sóc đến khi thu hoạch đều được thực hiện dưới sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Sau khi thu hoạch, qua đánh giá năng suất tại các địa phương, các giống lúa mới này rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất, sản lượng cao hơn một số giống lúa cũ, hầu hết các giống lúa mới đều đạt từ 3,5- 4 tạ/sào. Thành công bước đầu chuyển đổi các loại giống lúa mới trong sản xuất vụ xuân ở Anh Sơn đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp cho người dân, giúp các địa phương chủ động được nguồn giống tại chỗ, bổ sung vào cơ cấu giống, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Trong các vụ sản xuất sắp tới, UBND huyện Anh Sơn sẽ chỉ đạo các địa phương nghiên cứu, xem xét nhân rộng tại những vùng có quy mô tập trung, điều kiện phù hợp để tăng năng suất, hiệu quả. 
       

Thái Hiền

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện