Kinh tế

Nuôi chồn hương: Mô hình mới mang lại hiệu quả cao của Hưng Nguyên

17:47, 12/05/2024
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đã mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình chăn nuôi, sản xuất có hiệu quả để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, mô hình nuôi chồn hương đang là hướng đi mới, độc đáo, đầy triển vọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Nôi bật phải kể đến mô hình nuôi chồn hương của CCB Vũ Cữu Long xóm 3 xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên.

Theo chân CCB xã Xuân Lam- Hưng Nguyên, chúng tôi tham quan trại nuôi chồn hương của Cựu chiến binh Vũ Cữu Long, xóm 3 xã Xuân Lam. Đây được xem là mô hình chăn nuôi mới, đầu tiên của huyện Hưng Nguyên, bởi Chồn hương là một loài động vật hoang dã, thuộc danh mục động vật rừng, nhóm IIb, nhóm nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, khi đưa vào nuôi cần được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận, cấp phép. Do đó, khi hướng tới mô hình phát triển kinh tế từ đối tượng con nuôi này, gia đình CCB Vũ Cữu Long đã có nhiều băn khoăn, lo lắng. Song nắm bắt được thịt chồn hương có giá trị dinh dưỡng cao, đang được thị trường, người tiêu dùng ưa chuộng, gia đình ông đã quyết tâm “đánh cược” với loài động vật này.

Chồn  hương là  một loài động vật hoang dã, thuộc danh mục động vật rừng, nhóm IIb, nhóm nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, khi đưa vào nuôi cần được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận, cấp phép.

Chia sẻ với chúng tôi, cựu chiến binh Vũ Cữu Long  ở xóm 3 xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên cho biết, năm 2018, trong chuyến đi chơi Vũng Tàu cùng con trai, tình cờ phát hiện mô hình nuôi chồn hương ở Vũng Tàu có triển vọng nên ông đã tìm hiểu, và quyết định thử sức với mô hình kinh tế mới này. Sau khi được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép, CCB Vũ Cữu Long đã mạnh dạn đầu tư 230 triệu đồng làm chuồng và mua 25 con chồn hương giống về nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, trong 1 năm đầu, mô hình của ông gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu tập quán sống của loài chồn dẫn đến chồn hương không sinh sản, chậm lớn, thậm chí có nhiều con tự cắn chết. Không nản chí, CCB Vũ Cữu Long tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu mày mò tích lũy kiến thức từ sách vở, internet, học kỹ thuật chăm sóc... rồi rà soát lại quy trình nuôi của mình để thay đổi cách nuôi cho phù hợp, ông điều chỉnh ô chuồng cho phù hợp với lối sống và khả năng sinh sản của chồn hương. Mỗi ô chuồng chỉ dành cho một con ngủ, có không gian vận động, đồng thời dọn vệ sinh hằng ngày, đảm bảo chuồng luôn sạch, khô, thoáng, tránh ẩm thấp...

Chồn hương con nuôi khoảng 2 -4 tháng có thể bán giống với giá 15 triệu đồng/cặp giống; cầy thịt nặng 6 - 8kg/con, bán với giá 2 triệu đồng/kg.

Đến nay, mô hình nuôi chồn hương của CCB Vũ Cữu Long bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định. CCB Vũ Cữu Long chia sẻ: Trước đây gia đình tôi cũng làm nhiều nghề khác nhau nhưng hiệu quả không cao. Sau khi tham quan các mô hình nuôi chồn hương, tôi đã đầu tư mua giống về nuôi. Nhờ kiên trì học hỏi, đến nay, tính cả đực lẫn cái, chuồng nuôi của tôi có gần 200 con. Nuôi chồn hương cho thu nhập hiệu quả kinh tế khá cao

Sau hơn 6 năm triển khai mô hình này, CCB Vũ Cữu Long đã mở rộng chăn nuôi lên đến 200 chuồng, với quy mô gần 200 con, ông cho biết: So với các vật nuôi khác, chồn hương có giá trị kinh tế cao, nhất là nhu cầu của các quán ăn, nhà hàng ngày càng lớn. Vì thế, đầu ra của chồn thịt và chồn giống rất thuận lợi. Để chồn hương sinh trưởng tốt, thức ăn chủ yếu là chuối chín, các loại hoa quả ngọt, cá rô phi, cổ gà. Trung bình chồn hương ăn mỗi ngày 2 lần sáng, tối. 

Thức ăn chủ yếu của chồn hương là chuối và các loại hoa quả ngọt, cá rô phi, cổ gà..

Với thực tế chăn nuôi tại gia đình, CCB Vũ Cửu Long cho thấy, một con chồn mẹ, mỗi năm sinh sản từ 1 đến 2 lứa, mỗi lứa 2 - 6 con. Chồn hương con nuôi khoảng 2 - 4 tháng có thể bán giống với giá 15 triệu đồng/cặp giống; cầy thịt nặng 6 - 8kg/con, bán với giá 2 triệu đồng/kg; Với lợi nhuận như vậy, song chi phí thức ăn cho cầy hương không cao, ước tính chỉ 2.000 đến 4000 đồng/con/ngày. Từ việc bán con giống và cầy thương phẩm, trừ chi phí gia đình CCB Vũ Cữu Long thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Nhận thấy đây là đối tượng con nuôi có hiệu quả kinh tế vượt trội, ngoài mô hình tại xã Xuân Lam 

Ông còn mở rộng quy mô trang trại trên 200 con tại xã Nghi Kiều – Nghi Lộc. Hiện nay, mô hình chồn hương của CCB Vũ Cữu Long không chỉ cung cấp con giống chất lượng cao mà còn hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho các trang trại trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, trại nuôi chồn hương của gia đình ông luôn tuân thủ theo pháp luật, có giấy phép chăn nuôi động vật hoang dã của Chi cục Kiểm lâm, xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của các con giống.

Mô hình nuôi chồn hương CCB Vũ Cữu Long xã Xuân Lam cho thu nhập hiệu quả kinh tế cao. 

Không chỉ phát triển kinh tế riêng cho gia đình, mà CCB Vũ Cữu Long luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp con giống cho những hộ mới bắt đầu nuôi để cùng nhau phát triển, góp phần chuyển đổi đối tượng vật nuôi mới. 

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, CCB Vũ Cữu Long cho biết: Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nhân giống, xây dựng chuồng trại quy mô, bài bản hơn để mở rộng mô hình, nâng cao sản lượng và chất lượng chồn hương giống cũng như thương phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Mô hình nuôi chồn hương của hộ gia đình CCB Vũ Cữu Long cho thấy hiệu quả đem lại là rất lớn; Mô hình nuôi con chồn hương hiện là mô hình chăn nuôi siêu lợi nhuận, đang từng bước được nhân rộng ra địa bàn. Để áp dụng mô hình chăn nuôi này thành công hơn nữa, người chăn nuôi cần chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm, phòng, chống dịch bệnh theo định kỳ và lựa chọn con giống tốt, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường để mang lại giá trị cao trong chăn nuôi - Ông Lê Hồng Phong, Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Lam Hưng Nguyên trao đổi.

Ngoài mô hình chaen nuôi chồn hương, CCB Vũ Cữu Long còn chăn nuộ hàng trăm con gà để phát triển kinh tế gia đình

Có thể nói, mô hình nuôi chồn hương của CCB Vũ Cữu Long là hướng đi mới, cho thấy việc đầu tư và tìm các loại cây con mới nếu liên kết bao tiêu sản phẩm, người nông dân sẽ đạt được hiệu quả kinh tế cao trên chính mảnh đất quê hương mình.

Nguyễn Hạnh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện