Sâu đo nâu tái bùng phát ở Tân Kỳ, gần 150 ha rừng keo bị hại nặng

17:13, 15/04/2025
Từ tháng 4/2025, sâu đo nâu tiếp tục xuất hiện và gây hại trên cây keo tại xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), với mật độ ngày càng gia tăng. Theo khảo sát bước đầu, có khoảng 150ha trong tổng số 250ha rừng keo tại xóm Nguyễn Trãi đã bị loài sâu này tấn công. Đây là khu vực từng ghi nhận sự xuất hiện lần đầu của sâu đo nâu vào năm ngoái, với mức độ gây hại rất cao.

Qua kiểm tra thực địa, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ nhận định, hiện là thời điểm thích hợp nhất để tiến hành phun trừ sâu non lứa 1, từ tuổi 1 đến tuổi 3, nhằm đạt hiệu quả cao, hạn chế sâu lan rộng và giảm thiểu nguồn sâu cho các lứa tiếp theo. Nếu không xử lý kịp thời, sâu có thể ăn trụi lá keo chỉ trong thời gian ngắn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và năng suất rừng nguyên liệu.

Cán bộ huyện, xã, và người dân xóm Nguyễn Trãi xã Nghĩa Hành tại rừng keo bị sâu gây hại.

Trước tình hình này, UBND huyện Tân Kỳ đã hỗ trợ kinh phí thuê thiết bị bay không người lái (drone) và mua thuốc trừ sâu để bà con khoanh vùng, xử lý tại những nơi sâu xuất hiện với mật độ dày, tổng diện tích khoảng 60ha. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn người dân phun trừ đúng kỹ thuật, bước đầu ghi nhận hiệu quả cao, sâu non chết trên 90%. Đồng thời, lực lượng chuyên môn tiếp tục điều tra, rà soát các khu vực khác trên địa bàn xã Nghĩa Hành và các xã lân cận để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Ông Nguyễn Đình Hiên- Bí thư Chi bộ xóm Nguyễn Trãi xã Nghĩa Hành huyện Tân Kỳ  kiểm tra rừng keo vừa trồng cũng đã bị sâu đo gây hại

Ông Nguyễn Đình Hiên, Bí thư Chi bộ xóm Nguyễn Trãi, cho biết gia đình ông có 11ha rừng keo nguyên liệu ở các lứa tuổi từ 1 đến 4 năm, hiện đã xuất hiện sâu đo nâu, thậm chí ngay cả trên keo vừa mới trồng. Ông Hiên mong muốn các hộ liền kề cùng phối hợp phun thuốc đồng loạt để diệt trừ triệt để nguồn sâu.

Mật độ sâu cao, có cây hàng trăm con sâu đo nâu gây hại.

Xã Nghĩa Hành hiện có hơn 1.700ha keo nguyên liệu, là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Trước tình hình sâu bệnh đang bùng phát, ông Nguyễn Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hành – cho biết chính quyền địa phương đã yêu cầu các hộ dân thường xuyên theo dõi, thống kê diện tích rừng bị nhiễm để phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai phun thuốc kịp thời. Đồng thời huyện đã cấp phát thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ drone để nâng cao hiệu quả phòng trừ.

Mật độ sâu cao, có cây hàng trăm con sâu đo nâu gây hại.

Tân Kỳ là huyện có diện tích keo nguyên liệu lớn, chủ yếu tập trung ở các vùng đồi núi cao. Cây keo không chỉ là sinh kế quan trọng mà còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc. Vì vậy, việc phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời là ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hành và cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp Tân Kỳ kiểm tra mật độ sâu.

Ông Nguyễn Văn Trình – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ – nhấn mạnh: Các xã, cơ quan chức năng và chủ rừng cần tăng cường điều tra, theo dõi kỹ các khu vực có mật độ sâu cao để khoanh vùng xử lý hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ dịch lan rộng. Đặc biệt, cần duy trì việc chăm sóc, vệ sinh rừng đúng kỹ thuật. Đối với keo từ 3 năm tuổi trở lên, cần vệ sinh thảm thực bì, loại bỏ lớp thảm khô quanh gốc để hạn chế nơi trú ngụ của sâu.

Mật độ sâu cao, có cây hàng trăm con sâu đo nâu gây hại.

Về biện pháp hóa học, ông Trình khuyến cáo sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học chứa vi khuẩn Bacillus thuringiensis như Bitadin WG, Delfin WG, Thuricide HP, Enasin 32WP... hoặc các thuốc có hoạt chất sinh học như Abametin, Emamectin benzoate theo đúng liều lượng để xử lý sâu non ở tuổi 1–3. Do đặc điểm cây keo có tán cao, việc sử dụng máy phun bột hoặc drone sẽ giúp rải đều thuốc lên tán lá, tăng hiệu quả diệt trừ.

Máy phun thuốc sâu không người lái phun trừ sâu đo hại keo.

Việc kiểm soát sâu đo nâu đang trở nên cấp thiết, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa, thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh. Nếu chủ rừng và chính quyền cùng phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp thì nguy cơ sâu lan rộng trên toàn địa bàn sẽ được ngăn chặn kịp thời.

Cẩm Tú

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện