Nông dân Anh Sơn chủ động chống hạn từ đầu mùa
Gia đình chị Nguyễn Thị Xuân ở bản Kim Tiến, xã Phúc Sơn có 5 sào đất trồng cây ăn quả đã được 2 năm. Những ngày này, thời tiết nắng nóng gay gắt đỉnh điểm, chị Xuân đã phải khoan giếng, tìm mua ống dẫn nước, lắp đặt máy bơm để đưa nước về tưới cho những vườn cây ăn quả đang bắt đầu ra quả.
Chị Xuân chia sẻ: Gia đình có 2ha đất trong đó có 1,5 ha chè và 5 sào trồng các loại cây ăn quả gồm: 80 cây ổi, 40 cây bưởi và 30 cây táo đại. Cây chè hiện chưa có dấu hiệu ảnh hưởng của nắng nóng, nhưng các loại cây ăn quả đã có dấu hiệu thiếu nước. Ngoài theo dõi liên tục, gia đình đã đầu tư hơn 20 triệu đồng để khoan giếng và mua ống dẫn nước và hệ thống béc phun tưới nhỏ giọt vào gốc và phun sương trên ngọn, qua đó giúp tiết kiệm nhân lực, nước, đồng thời an tâm liên tục cung cấp nước cho cây trong thời điểm nắng gắt.
Gia đình anh Lê Như Hải thôn 323 xã Đỉnh Sơn những năm trước đã đầu tư hệ thống tưới cho cây chè bằng 6 béc tưới di động. Phương pháp này vừa tốn nhiều công sức, hiệu quả không cao. Bước vào mùa nắng nóng năm nay, qua tham khảo trên mạng thấy có hệ thống béc tưới 360 độ, có công suất lớn, anh Hải đã đầu tư lắp đặt. Theo anh Hải: Đối với cây chè công nghiệp nếu đã tưới thì phải tưới thật đậm, tưới trên cao xuống, đến lúc cây chè no nước thì thôi. Hệ thống tưới này lắp đặt đơn giản mà hiệu quả rất cao, chi phí lắp đặt chỉ khoảng 15 triệu. Điểm khác biệt ở béc tưới này là vòi tưới xoay tự động 360 độ, khi phun nước sẽ quay thân tròn giúp lượng nước phun sẽ được tưới đều từ trong ra ngoài với bán kính tưới 40m. Với diện tích 1,5 ha gia đình anh sử dụng béc này đã có thể tưới xong trong vòng 1 ngày. Mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng diện tích chè của gia đình anh vẫn đảm bảo thu hoạch, đạt từ 4,5- 5 tấn/ha. Mỗi ha cho gia đình anh thu về 18 - 20 triệu đồng/lứa chưa trừ chi phí.
Ông Phan Văn Hợi - Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết thêm: Hiện nay xã Đỉnh Sơn có trên 30 hộ trồng chè đang thực hiện mô hình tưới chống hạn bằng hệ thống béc xoay tự động. Việc đảm bảo nước tưới đúng yêu cầu, không có hiện tượng chè chết cháy do nắng như trước đây, năng suất chè búp tươi tăng hơn 20%. Đặc biết, hệ thống béc không tiêu tốn điện, giúp tiết kiệm nước và nhân lực, đồng thời giúp phân bón hòa tan, tăng khả năng hấp thụ của cây chè, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ dân.
Toàn huyện Anh Sơn hiện có 1.800ha chè nguyên liệu, trong đó 1.500ha đã cho thu hoạch. tập trung ở các xã: Hùng Sơn, Long Sơn, Đỉnh Sơn và Cẩm Sơn; Có trên 700 ha cây ăn quả, một số loại cây ăn quả có diện tích lớn như: 100ha cam tại các xã Đỉnh Sơn, Khai Sơn, Cao Sơn, Phúc Sơn; 39ha bưởi ở Long Sơn, Phúc Sơn. Đối với cây chè là loại cây chủ lực, hàng năm sản lượng chè búp tươi toàn huyện Anh Sơn đạt trên 30.000 tấn.
Theo dự báo, năm nay nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt, UBND huyện Anh Sơn đã sớm chỉ đạo công tác phòng, chống hạn tại các địa phương để chủ động tích trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Để đảm bảo công tác tưới tiêu cho các loại cây trồng, huyện Anh Sơn đã đầu tư xây dựng 11 công trình phục vụ tưới tiêu trên địa bàn, trong đó có 5 hồ đập lớn và 6 trạm bơm điện.
Cùng với đó, người dân đã chủ động đầu tư khoan giếng ngay tại vườn để áp dụng mô hình tưới béc. Đây là kỹ thuật tưới hiện đại, tiết kiệm nước, hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt hiệu quả trong mùa khô. Ngoài ra, người dân còn áp dụng phương pháp tưới tràn thủ công hoặc tấp tủ gốc bằng rơm rạ để giữ độ ẩm cho cây trồng… Chính vì vậy mặc dù nắng nóng gay gắt nhưng chưa có loại cây trồng nào xảy ra hiện tượng héo chết như các năm trước đây.
Thái Hiền
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin