Vụ xuân năm nay, gia đình ông Dương Văn Hồng ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn gieo cấy 1,2 mẫu lúa. Chỉ sau 2 ngày làm đất, toàn bộ diện tích lúa đã được đình ông gieo xong, dù biết gieo thẳng năng suất lúa thấp hơn cấy nhưng gia đình ông vẫn thực hiện. Nguyên nhân được lý giải do các hộ đều gieo, đỡ tốn sức lao động.
Không chỉ năng suất thấp, hình thức sản xuất lúa bằng phương pháp gieo thẳng như một số hộ đang áp dụng làm tăng nguy cơ lúa bị chết rét cao hơn khi thời tiết rét đậm, rét hại. Trên thực tế đã có nhiều năm, nông dân thiếu mạ để cấy lúa xuân do diện tích lúa gieo thẳng bị chết rét.
Bên cạnh đó, việc thiếu lao động, hiệu quả sản xuất lúa thấp nên nhiều hộ nông dân không mặn mà với ruộng đồng và không chăm lo trong sản xuất lúa như trước đây. Đây chính là lý do vì sao ở các vùng phụ cận TP Vinh có khoảng 80% lúa được nông dân gieo thẳng và phương pháp sản xuất này gây lãng phí nước tưới hơn bắc mạ cấy. Điều này đang gây khó khăn cho đơn vị phục vụ nước tưới khi mà mực nước sông, hồ đập năm nay thấp thua so với các năm trước.
Trao đổi với phóng viên, ông Thái Văn Hùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam cho biết: Việc gieo thẳng gây ảnh hưởng đến quá trình cung cấp và tiêu tốn nhiều nước. Nếu người dân gieo thẳng, đơn vị phải thực hiện quá trình đưa nước vào, tháo nước đi lặp lại 2 - 3 lần, nếu cấy lúa quá trình này chỉ thực hiện 1 lần.
Mặc dù hiện nay chỉ mới bước vào sản xuất vụ xuân 2020 nhưng nguy cơ thiếu nước tưới trong sản xuất đã hiện hữu rất rõ. Vì thế người nông dân cần thực hiện tốt khuyến cáo của đơn vị chuyên môn trong sản xuất để tiết kiệm nước tưới, đảm bảo an toàn trong sản xuất vụ xuân cũng như vụ hè thu 2020./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin