Xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu đã có 2 năm gieo mạ khay và cấy máy, cho thấy cây lúa phát triển nhanh, ít sâu bệnh, năng suất cây trồng tăng hơn 40 kg/sào, đồng thời giảm chi phí được 100 - 110 nghìn đồng/sào so với phương thức sản xuất truyền thống. Vì vậy chỉ từ 5 ha cấy máy trong năm 2021 thì vụ hè thu này toàn xã có đến 66 ha và cơ cấu chủ yếu giống PQ5, nếp hương. Quỳnh Lâm là địa phương đi đầu trong huyện về ứng dụng máy cấy vào sản xuất lúa và đã mang lại nhiều lợi ích kép cho nông dân.
Bắc mạ khay giảm được giống và tỷ lệ hạt giống nảy mầm đạt khoảng 97%. |
Ông Nguyễn Đình Dung, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm cho biết: "Để khuyến khích nông dân tích cực sản xuất, hạn chế tình trạng bỏ hoang ruộng đất, xã Quỳnh Lâm đã xây dựng mô hình ứng dụng máy cấy gắn với liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm lúa vụ hè thu. Các hộ tham gia mô hình được địa phương hỗ trợ chi phí bao gồm 50% giống, 50% phân NPK, 40% công bắc mạ khay và cấy bằng máy. Việc cấy lúa bằng máy đem lại nhiều lợi ích như: Giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, góp phần tăng năng suất, chất lượng của cây trồng. Đặc biệt, được địa phương liên kết với các công ty trong và ngoài huyện thu mua lúa tươi ngay sau khi thu hoạch. Qua đó, góp phần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ, lẻ của nông dân để hướng đến sản xuất quy mô lớn.
Bắc mạ khay cho cây khỏe, phát triển nhanh, sau 11 ngày là có thể gieo cấy. |
Ông Hồ Văn Sinh ở xóm 9 chia sẻ: "Gia đình có 30 sào lúa, trước đây khi đến mỗi vụ cấy ông rất vất vả, lo lắng vì tìm thuê người cấy rất khó khăn, chi phí lại cao. Nếu thuê cấy một sào lúa bằng tay cộng với tiền mua giống và các chi phí đầu tư khác tốn khoảng 480 nghìn đồng. Nay chuyển sang sử dụng mạ khay, cấy bằng máy giúp gia đình ông giảm được 100 nghìn đồng/ sào, tổng cả vụ cấy là 3 triệu đồng, đặc biệt lại không mất nhiều công sức so với phương thức sản xuất truyền thống. Theo chia sẻ thêm của ông Sinh ưu điểm nổi bật của bắc mạ khay là cây mạ khỏe, phát triển nhanh, chỉ trong vòng 11 ngày tính từ khi gieo giống là cấy được. Khi đưa ra ruộng cấy máy rễ không bị đứt nên cây rất nhanh bén, hồi xanh, đẻ nhánh khỏe, hạn chế sâu bệnh".
Nhiều lợi ích kép khi đẩy mạnh cơ giới hóa vào gieo cấy lúa ở Quỳnh Lưu
Tại xã Quỳnh Diễn, trong vụ hè thu này địa phương triển khai gieo cấy 273 ha. Trong đó, xã xây dựng cánh đồng mẫu lớn và ứng dụng cấy máy trên diện tích 20 ha, với 140 hộ dân. Đối với các hộ tham gia mô hình được xã hỗ trợ chi phí bao gồm giống, phân bón, công bắc mạ khay và máy cấy là 7,5 triệu đồng/ ha. Bên cạnh đó, địa phương liên kết, thuê với các đơn vị về triển khai bắc mạ khay qua từng khâu theo đúng quy trình, kỹ thuật cho nhân dân.
Ông Võ Trung Kiên, cán bộ nông nghiệp xã Quỳnh Diễn cho biết: "Để đảm bảo thời gian, tiến độ, thời điểm này xã đã huy động 5 máy cấy hoạt động liên tục trên từng cánh đồng. Việc cấy bằng máy giúp khoảng cách giữa hàng và bụi lúa đều hơn, đảm bảo được mật độ; giúp cây trồng hấp thu tốt ánh sáng, sinh trưởng và phát triển nhanh. Đây là vụ gieo cấy đầu tiên xã đưa máy cấy về cấy lúa nhưng được người dân hưởng ứng, đồng tình, ủng hộ cao".
Cấy bằng máy giúp khoảng cách giữa hàng và bụi lúa đều hơn, đảm bảo được mật độ. |
Trong sản xuất lúa ở huyện Quỳnh Lưu tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 95%, thu hoạch đạt 87%, tuy nhiên cơ giới hóa khâu gieo cấy thời gian qua vẫn còn hạn chế. Qua đánh giá khảo nghiệm ở một số mô hình cấy lúa bằng máy của huyện trong năm 2021 cho thấy đã mang lại hiệu quả rõ rệt như giảm sức lao động, giảm giá thành sản xuất, kỹ thuật cấy lúa đảm bảo, hạn chế sâu bệnh hại, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.
Nhờ giữ được rễ mạ không bị đứt nên khi cấy máy cây rất nhanh bén, hồi xanh, đẻ nhánh khỏe. |
“Để thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp từ thủ công sang ứng dụng cơ giới hóa, huyện Quỳnh Lưu đã tăng cường công tác chỉ đạo các xã xây dựng mô hình ứng dụng máy cấy gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ kinh phí cho người dân theo Nghị định 35/2015 của Chính phủ. Từ đó, tạo sự liên kết và từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp. Hiện tại trong vụ hè thu đã có 3 xã xây dựng được mô hình trên, với diện tích 150 ha. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến đến người dân chính sách theo Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh về hỗ trợ 20% giá trị khi máy cấy” - bà Vũ Thị Bích Hằng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin