Nhịp sống trẻ

Tơ sợi dứa… đi Tây

19:56, 03/01/2022
Tháng 9/2021 là kỷ niệm đáng nhớ với chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Hạnh (32 tuổi) ở Diễn Châu, Nghệ An khi tơ sợi dứa mà anh dày công tạo ra lần đầu đã có mặt tại trời Tây.

Khởi nghiệp xanh

Từ ý tưởng muốn giúp bà con, Hợp tác xã (HTX) Dứa Hạnh Phúc ra đời với 7 thành viên, tạo việc làm cho trên 50 lao động theo mùa vụ là người địa phương. HTX Hạnh Phúc bắt đầu sản xuất những trái dứa với thương hiệu – Duhapu viết tắt từ Dứa Hạnh Phúc. Từ trái tươi, HTX có thêm dứa sấy dẻo, trà dứa, và mật dứa từ nước dứa cô đặc. Với công nghệ sấy thăng hoa, tinh hoa của trái dứa như dinh dưỡng và khoáng chất vẫn được giữ lại, được đóng gói và dễ dàng phân phối vào siêu thị, tiệm tạp hóa.

Anh Nguyễn Hữu Hạnh trên nông trường Hạnh Phúc.

Hữu Hạnh chia sẻ: “Sau mỗi vụ thu hoạch, lá bỏ đi người nông dân phải bỏ ra rất nhiều chi phí để xử lý, thậm chí phải xịt thuốc xịt cỏ, hoặc đốt có thể gây cháy rừng, rồi ảnh hưởng đến “sức khỏe” của đất mẹ…”. Hạnh nghĩ cách tận dụng: “Với diện tích dứa nhiều như ở Nghệ An, nếu tận dụng được nguồn lá thì vừa có thể giảm ô nhiễm, vừa đem lại sinh kế mới cho người dân”.

Nghĩ là làm. Sau một thời gian mày mò trên internet, anh thấy có nhiều quốc gia trên thế giới tách sợi từ lá dứa, dệt làm vải may quần áo, thành nhiều vật dụng khác. Hạnh đã cố biến lá dứa thành tơ sợi và đưa ra thế giới, không thể làm thủ công, anh nghĩ tới việc dùng máy móc để tách sợi, như vậy mới cho chất lượng đồng đều và năng suất cao. Thế nhưng máy móc để sản xuất những sản phẩm dứa cũng không có sẵn, anh phải đặt hàng chế tạo máy đánh sợi từ lá dứa. Hạnh cho biết, khi chế tạo được máy, mọi việc dễ dàng hơn. Máy đánh lớp thịt trong lá dứa, và anh dùng ủ với vi sinh để làm phân bón hữu cơ cho cây, phần sợi thô còn lại được ngâm với nước vo gạo, giấm dứa, sau đó phơi khô để sợi được trắng sạch, không còn dính tạp chất.

“Một chiếc máy tách sợi tốn hết 50 triệu đồng, nhưng mỗi ngày có thể xử lý được 3 tấn lá dứa, bằng sức lao động của 20 người. Và cứ mỗi 100 kg lá dứa, thì có 5 kg sợi thô với giá bán mỗi kg 800.000 đồng. Thông thường mỗi hecta dứa thì bán quả được 350 triệu đồng mỗi vụ dứa 18 tháng. Thay vì tốn công đốt lá, nông dân lại có thêm 60 - 70 triệu đồng tiền lá dứa” - Hạnh giải thích.

Hạnh nói, kế hoạch sắp tới HTX sẽ mở rộng thu mua nguyên liệu ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa… sẽ giao máy cho các hộ dân, để họ chủ động làm sợi sau khi thu hoạch, HTX sẽ tận tay thu mua cho bà con. Nông dân có thể bán lá hay làm công đoạn tách và bán sợi thô cho Ecosoi – Công ty do Hạnh và hai đối tác thành lập từ đầu năm nay. Hạnh giữ chức giám đốc kỹ thuật của công ty này.

Đưa tơ sợi dứa vươn ra thế giới

Sau nhiều va vấp, những sản phẩm đầu tiên từ ý tưởng của Hạnh đã thành hình. Từ túi xách đan thủ công đến túi xách cao cấp ép bằng lá dứa, võng đan, nhiều đồ thủ công mỹ nghệ… ra đời và được thị trường châu Âu chú ý. Khi Ecosoi tung ra sản phẩm nguyên mẫu đầu tiên của mình, ở buổi triển lãm GWAND SUSTAINABLE FESTIVAL tại Luzern, Thụy Sĩ vào tháng 9 vừa qua, nhận được chào đón nồng nhiệt.

Đáng chú ý, sau khi Ecosoi làm việc với đối tác ở Anh, nhiều cơ hội đã mở ra, trong tương lai Ecosoi sẽ trở thành một trong những nhà cung ứng cho những công ty sản xuất vải da từ sợi lá dứa lớn nhất thế giới. Câu chuyện về sợi lá dứa của Hạnh sẽ gắn liền với những sản phẩm thời trang, tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng cao trong thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Thời điểm dịch Covid-19 hoành hành đã làm cho xuất khẩu bị gián đoạn. Hạnh biến thời gian trở thành thời điểm vàng để tập trung nghiên cứu sản phẩm mới. Cùng với đó anh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xuất sang thị trường châu Âu sau khi tình hình dịch bệnh được khống chế.

Khi tôi hỏi về giá thành của những sản phẩm mới này, Hạnh nói vì giá thành khá cao nên việc đưa sản phẩm đến tay người dùng trong nước khá khó khăn. Võng đan có giá dao động từ 4-7 triệu đồng, túi sợi đan từ 1,2 - 3,5 triệu đồng, hay những chiếc túi ép từ lá dứa có giá lên đến hàng chục triệu đồng. “Về lâu dài, tích đủ vốn lấy ngắn nuôi dài, khó mấy cũng phải tìm cách tiêu thụ được ở trong nước” - Hạnh chia sẻ.

Thông qua câu chuyện của mình, Hạnh đang giúp người dân nâng cao nhận thức về cách tiếp cận với thời trang theo hướng bền vững, xanh, sạch, không hóa chất. Đối với Hạnh, đó là đặc ân khi anh có thể bảo vệ môi trường và chống ô nhiễm bằng cách sản phẩm làm từ chất thải. Bên cạnh đó, thành tựu lớn nhất Hạnh làm được là giúp đỡ hàng nghìn gia đình ở quê hương anh, bằng cách giao cho họ những công việc cần thiết để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.

“Trong tương lai xa hơn tôi mong muốn đưa được nhiều hơn các sản phẩm đến với bạn bè quốc tế, để khi họ cầm trên tay sản phẩm này sẽ nghĩ nghĩ ngay đến Việt Nam” - Hạnh bộc bạch.

 

 

 

 

 

 

 

 

Hoàng Trinh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện