Để phát triển hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo đúng quy hoạch, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ với mức 30% giá trị xây dựng. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp và quản lý được 56 cơ sở giết mổ tập trung, đạt 46,3% so với quy hoạch được duyệt. Một số cơ sở được đầu tư khá đồng bộ và hoạt động hiệu quả như: cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại xóm 3 xã Nam Anh, xóm 4, xã Nam Nghĩa huyện Nam Đàn, tại xã Hưng Chính, phường Vinh Tân, thành phố Vinh.
Cơ sở giết mổ gia súc tập trung xóm 3, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. |
Cùng với chính sách của tỉnh, nhiều huyện cũng đã có cơ chế hỗ trợ thêm khi các nhà đầu tư đăng ký xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung. Như huyện Nghĩa Đàn có chính sách hỗ trợ thêm 100 triệu đồng / 1 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Với 14/25 xã, thị trấn có chợ kinh doanh buôn bán thực phẩm tươi sống, 115 hộ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, Nghĩa Đàn quy hoạch đến năm 2020 xây dựng và đưa 5 cơ sở giết mổ gia súc tập trung vào hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện vẫn chưa có cơ sở giết mổ tập trung nào được xây dựng. Theo ông Phan Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, vướng mắc lớn nhất là địa điểm. Nơi mà huyện muốn đưa vào quy hoạch thì không được nhà đầu tư ưng thuận. Nơi nhà đầu tư muốn xây dựng thì không phù hợp với quy hoạch. Cùng đó, số tiền để đầu tư xây dựng một cơ sở giết mổ tập trung là khá lớn. Trong khi đó, số lượng gia súc giết mổ hàng ngày không nhiều. Khoản thu rất khó để bù chi nên nhiều nhà đầu tư không mặn mà trong việc xây dựng các cơ sỏ giết mổ tập trung tại đây.
Lò giết mổ gia súc tập trung tại xóm 5, xã Nghi Phú, thành phố Vinh đã bị dừng hoạt động. |
Không chỉ các huyện miền núi, thành phố Vinh cũng gặp nhiều khó khăn trong quy hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung. Sau khi 2 cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn xã Nghi Phú, thành phố Vinh phải dừng hoạt động do nằm gần khu vực dân cư và gây ô nhiễm môi trường, thành phố Vinh vẫn đang loay hoay trong việc tìm địa điểm phù hợp để quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung khác. Nhiều phương án đã được đưa ra. Tuy nhiên, các vị trí mà thành phố lựa chọn chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng.
Kiểm dịch gia súc trước khi giết mổ. |
Khi các lò giết mổ tập trung bị dừng hoạt động, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nghi Phú, thành phố Vinh đã đưa gia súc về giết mổ tại nhà. Với lượng giết mổ mỗi hộ gia đình hàng chục con gia súc/ ngày, đêm, toàn bộ chất thải được thải thẳng ra môi trường xung quanh. Điều này đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Nhiều hộ dân xóm 5, xã Nghi Phú, thành phố Vinh kiến nghị: môi trường sống của người dân ô nhiễm nặng hơn khi lò giết mổ tập trung đang hoạt động. Cánh đồng phía nam nhà văn hóa xóm nhiều năm nay phải bỏ hoang do ô nhiễm không thể sản xuất. Việc kiểm dịch động vật và kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Đức, Trạm trưởng trạm chăn nuôi và thú y thành phố Vinh cho biết: theo quy định, cơ quan thú y chỉ kiểm dịch tại các cơ sở giết mổ gia súc tập trung được chính quyền và các cơ quan chức năng cấp phép. Sau khi 2 cơ sở giết mổ tập trung tại xã Nghi Phú dừng hoạt động, UBND thành phố đã yêu cầu các hộ kinh doanh đưa gia súc đến giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn xã Hưng Chính. Tuy nhiên, nhiều hộ không chấp hành mà vẫn giết mổ tại nhà. Vì vậy, số lượng thực phẩm giết mổ tại đây không được kiểm dịch theo đúng quy định nhưng vẫn được các hộ kinh doanh trên thị trường.
Hoạt động giết mổ và kiểm dịch thực phẩm tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung xóm 3, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. |
Là một tỉnh có thế mạnh về chăn nuôi, mỗi năm Nghệ An cung cấp ra thị trường hàng triệu con gia súc các loại. Chỉ với 56 cơ sở giết mổ tập trung, số lượng gia súc đưa vào giết mổ tập trung và được kiểm soát thú y khó đạt tỷ lệ theo yêu cầu. Vì vậy, cần có các giải pháp phù hợp để thực hiện chính sách phát triển các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch đã được phê duyệt. Theo ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, số tiền để xây dựng một cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là khá lớn. Với mức thu phí hiện nay khoảng 25 ngàn/ con lợn, 50 ngàn/ con trâu bò, không có nhiều nhà đầu tư mặn mà vì ở nhiều địa phương có số lượng gia súc giết mổ ít thu sẽ không đủ bù chi. Bên cạnh đó còn vấn đề thuê đất, giao đất. Nhà nước nên có chính sách đầu tư xây dựng và giao cho các doanh nghiệp quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Việc xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc tập trung không đạt kế hoạch đã làm ảnh hưởng đến công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Để tháo gỡ những khó khăn này, cần sự vào cuộc của UBND tỉnh và các cơ quan chức năng!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin