Tình trạng một số chủ phương tiện giao thông sử dụng logo, phù hiệu, giấy phép ra vào các trụ sở của các cơ quan Nhà nước sai mục đích hoặc làm giả các loại giấy tờ để đối phó với việc kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông của lực lượng chức năng không hề hiếm.
Nhiều trường hợp lái xe làm giả thẻ nhà báo hay biển hiệu, giấy ra vào cơ quan nhà nước đã bị xử lý. Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đơn vị từng phối hợp cùng thanh tra giao thông phát hiện một tài xế lái xe mua giấy ra vào trụ sở cơ quan nhà nước trên mạng để đối phó, "ra oai" với lực lượng chức năng, gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm giao thông.
Vậy những trường hợp như trên sẽ bị xử lý như thế nào? Người mua bán, cho mượn những loại giấy tờ này sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao?
Hiện pháp luật hiện hành chưa có quy định chung, thống nhất về việc cấp và sử dụng logo, phù hiệu, giấy phép ra vào trụ sở của các cơ quan, tổ chức. Do đó, vấn đề này vẫn chủ yếu dựa vào nội quy, quy định của các cơ quan và loại giấy phép này cũng chỉ có hiệu lực đối với việc ra vào trụ sở của các cơ quan, tổ chức đã ban hành. Chúng chỉ có giá trị nhận diện phương tiện, giúp cho lực lượng bảo vệ của các cơ quan này dễ dàng nhận biết và quản lý các phương tiện ra vào.
Logo, phù hiệu, giấp phép ra vào trụ sở cũng có thể được các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp ngắn hạn cho các phương tiện phục vụ cho các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội nhất định và sẽ hết giá trị khi kết thúc sự kiện đó. Chúng hoàn toàn không có giá trị pháp lý khi kiểm tra và xử lý vi phạm ATGT.
Việc một số chủ phương tiện sử dụng logo, phù hiệu, giấy phép ra vào sai mục đích nhằm đối phó việc kiểm tra, xử lý vi phạm về ATGT của lực lượng chức năng đã gây khó khăn cho việc kiểm tra và xử lý vi phạm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan liên quan. Do vậy, cần có những biện pháp để hạn chế hiện tượng này.
Theo Điều 342 Bộ luật Hình sự 2015, cá nhân có hành vi mua bán, chiếm đoạt trái phép các loại giấy phép là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội "Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" theo Điều 342 BLHS 2015.
Theo đó, người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm. Phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính 10 triệu đồng trở lên…thì bị phạt tù từ 2-5 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin