Pháp luật

Trò chơi ảo – hệ lụy thật

15:29, 04/05/2021
Nghiện game không chỉ bỏ bê việc học hành mà còn dẫn tới rối loạn tâm thần, không ít trường hợp kiệt sức, tử vong vì chơi thâu đêm, thậm chí một số trường hợp trở thành kẻ sát nhân từ trò chơi game bạo lực. Đây là một trong những thực trạng đáng lo ngại về việc chơi game của giới trẻ, nhất là các trò chơi bạo lực có xu hướng gia tăng như hiện nay.

Vụ án đau lòng

Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với Đào Ngọc Hoàng (SN 2003), trú tại xóm 9, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An về tội Giết người. Thời điểm gây ra vụ án, bị cáo Đoàn Ngọc Hoàng chưa đủ 18 tuổi và hiện đang là học sinh lớp 11. Nguyên nhân chính dẫn đến sự việc đau lòng nói trên là xuất phát từ khi Hoàng say mê với các trò chơi mang tính bạo lực trong game. Từ những trò chơi đó, Hoàng ví mình là nhân vật chính trong game để thực hiện các nhiệm vụ như; bắt cóc và giải cứu con tin... Để thực hiện theo trò chơi này, Hoàng đã bắt một cháu bé 5 tuổi gần nhà để làm nhân vật trải nghiệm của riêng mình. Trong đó, nạn nhân là người bị giam còn Hoàng đóng vai “Thám tử” để làm nhiệm vụ giải cứu. Hậu quả của trò chơi “Thế giới ảo” này khiến cháu bé 5 tuổi tử vong theo cái cách không thể tàn nhẫn hơn. Cháu bé chết trong tư thế cột tay, cột chân, bịt miệng và bị bỏ đói 3 ngày liền trong khu rừng. 

Hiện trường nơi phát hiện cháu Đ. bị tử vong trong cánh rừng.

Câu chuyện bắt nguồn từ chiều 7/6/2020, cháu Hồ Trần Văn Đ. (SN 2014) sang nhà rủ Đào Ngọc Hoàng đi bắt “ve ve”. Ban đầu ý định của Hoàng là đưa cháu bé đi chơi như thường ngày, tuy nhiên do ám ảnh từ những trò chơi game nên Hoàng đã nảy sinh ý định đưa cháu Đ. vào căn nhà hoang trong rừng để thực hiện lại các đoạn như trong game. Trước khi đi, Hoàng chuẩn bị bánh kẹo, băng dính, găng tay, mặc áo khoác nắng cho cháu Đ. Khi cả hai lên khu vực nhà hoang trong rừng thuộc xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, Đào Ngọc Hoàng rủ cháu Đ. chơi trò bịt mắt đoán thức ăn nhưng thực chất là đang diễn lại các đoạn cảnh như trong game. Tuy nhiên, trong quá trình chơi, Hoàng dùng băng dính, găng tay, áo khoác nắng bịt kín mắt, mũi, miệng, đồng thời trói hai chân cháu Đ. đưa vào sâu trong rừng rồi ra về.

Đến 19h cùng ngày, Hoàng hóa mình thành “Thám tử” bắt đầu tiến hành cuộc phiêu lưu của mình trong điều kiện trời tối không có thiết bị chiếu sáng để tìm đến nơi cháu Đ. bị trói. Khi Hoàng tìm được đến cánh rừng thì phát hiện cháu bé đã rơi xuống bờ khe nên lập tức đưa lên. Đớn đau hơn, khi hoàn thành được trò chơi mình tự nghĩ ra, Hoàng đã không mở tay, chân và cho cháu Đ. ăn uống mà Hoàng lại tiếp tục dùng dây leo trói xung quanh người rồi đi về nhà.

Cùng thời điểm trên, do không thấy con trai về nhà ăn cơm nên vợ chồng ông Hồ Văn Tụ và người dân đổ xô đi tìm. Thấy việc chẳng lành, gia đình đã thông báo cho chính quyền địa phương và lực lượng Công an, đồng thời đăng thông tin và ảnh chân dung con mình lên mạng xã hội để tìm kiếm. Sau một ngày tìm kiếm không có tung tích gì, gia đình anh ông Tụ đã xin trích xuất camera của nhiều hộ dân gần đó thì phát hiện vào thời điểm chiều 7/6, Hoàng có chở cháu Đ.. Tuy nhiên, khi gia đình hỏi về việc Hoàng chở cháu Đ. trong đoạn clip thì Hoàng luôn khẳng định không biết và phủ nhận toàn bộ nội dung.

Bị cáo Đào Ngọc Hoàng tại phiên tòa xét xử.

Đến 14h ngày 8/6, khi biết gia đình, làng xóm và chính quyền đang ráo riết đi tìm, Hoàng đã nhanh chóng mang bánh mỳ, xúc xích, sữa vào khu rừng nơi trói cháu Đ. thì phát hiện nạn nhân đã tử vong. Hoàng bình tĩnh về nhà và im lặng cho tới khi Công an triệu tập lên để làm rõ nhiều nghi vấn liên quan tới cháu Đ. mất tích. Sau quá trình đấu tranh và dùng mọi biện pháp tâm lý, thuyết phục thì đến ngày 9/6, Đào Ngọc Hoàng mới thừa nhận hành vi phạm tội, đồng thời dẫn lực lượng chức năng đến hiện trường. Khi lực lượng chức năng cùng gia đình đến khu vực đó thì phát hiện cháu Đ. đã tử vong trước đó. Theo kết quả giám định, nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu Đ. được xác định là ngạt đường hô hấp do bị bịt mũi, miệng và nghẹn cổ. 

Tại tòa, khi hội đồng xét xử hỏi nguyên nhân dẫn đến việc ra tay sát lại cháu bé chỉ mới tròn 5 tuổi, bị cáo có suy nghĩ gì thì Hoàng khai nhận việc đưa cháu Đ. vào nhà hoang trong rừng để chơi trò chơi. Việc này xuất phát từ việc xem các clip và các trò chơi trên mạng xã hội nên làm theo. Với tội Giết người, bị cáo Đào Ngọc Hoàng phải lĩnh án 15 năm tù. Về phần dân sự, tòa buộc bố mẹ bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại gần 170 triệu đồng.

Nỗi đau người ở lại 

Giữa đám đông đầu chít khăn tang đến tòa ngày hôm ấy có một người da đen, khuôn mặt khắc khổ luôn phải di chuyển bằng 2 chiếc nạng. Ông chính là bố của bị hại trong vụ án, tên Hồ Văn Tụ (58 tuổi). Đến tham gia phiên tòa với tư cách là người đại diện hợp pháp cho người bị hại, bản thân ông nhiều lần quỵ xuống khi nghe những lời khai của kẻ giết con trai mình vang lên. Mỗi câu nói, từng lời thoại khiến trái tim ông như ngàn nhát dao đâm sâu vào tim. 

Vốn là con trưởng trong dòng họ, bản thân ông Tụ luôn ao ước có một đứa con trai để “nối dõi tông đường”. Tuy nhiên, do mắc bệnh về khớp và bệnh ung thư đại tràng càng khiến việc sinh con trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Được anh em họ hàng, bà con hàng xóm động viên nên ông đã tìm mọi cách chữa bệnh cũng như cố gắng sinh thêm đứa con trai để thỏa niềm mong ước.

Đầu năm 2014, vợ chồng ông đã sinh được đứa con trai. Là con út trong gia đình có 3 chị em, Hồ Trần Văn Đ. lớn lên trong sự thương yêu đùm bọc của gia đình nội, ngoại và bà con lối xóm. Có đứa con nhỏ giúp không khí gia đình thêm vui vẻ, tinh thần ông Tụ phấn chấn hơn. Nhưng rồi, niềm vui đó kéo dài chưa được bao lâu thì ông Tụ phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối. 

Việc chồng đau bệnh thường xuyên nên kinh tế gia đình một tay người vợ lo toan. Để có thể trang trải tiền thuốc men cho chồng và nuôi con ăn học, bà Hồ Thị Trí một mình lam lũ, bất cứ việc gì ai thuê gì làm đấy. Còn với riêng ông Tụ, bản thân vốn mang nhiều trọng bệnh nên từ ngày biết mình không còn sống được bao lâu nữa  nhưng ông vẫn luôn cố gắng phụ giúp vợ và chăm con. Khi cơn bệnh chưa thuyên giảm thì gia đình ông lại nhận thêm cú sốc lớn hơn khi đứa con trai duy nhất bị người khác giết hại. 

Phiên tòa kết thúc, ông Hồ Văn Tụ buồn bã ra khỏi phòng xử án.

Trong suốt phiên tòa, ông Tụ như người vô hồn, cầm trên tay di ảnh con trai mà nước mắt ông không ngừng rơi. Phải rất tĩnh tâm, bản thân ông mới trả lời những câu hỏi của hội đồng xét xử cũng như đại diện viện kiểm sát. 

Đối với gia đình bố mẹ bị cáo Đào Ngọc Hoàng, từ khi biết con mình là hung thủ trong vụ án cuộc sống càng đảo lộn. Từ tình cảm thân thiết làng xóm bỗng dưng trở nên xa lánh. Hàng ngày, cháu Hồ Trần Văn Đ. thường xuyên qua và rủ Hoàng đi chơi, biết hai anh em chơi thân nên cũng coi như con cháu trong nhà. Thế nhưng, vì đam mê trong thế giới ảo của game mà Hoàng không còn là chính mình khi ra tay sát hại cháu Đ.

“Bản thân từ khi biết con làm chuyện tày đình, tôi cũng thường xuyên qua nhà vợ chồng anh Tụ hỏi thăm động viên. Biết là “con dại cái mang” nhưng vợ chồng tôi cũng nhận một phần trách nhiệm về những việc làm sai trái của Hoàng. Giờ đây, cháu Đ. cũng không còn, thằng Hoàng lại vào tù nên vợ chồng tôi cũng không biết nói gì hơn ngoài lời xin lỗi đến gia đình chú Tụ" - chị Hoàng Thị Minh - mẹ bị cáo chia sẻ.

Hệ lụy khôn lường

Nghiện game đã trở thành một vấn nạn trong giới thanh thiếu niên hàng chục năm nay, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên. Ngoài những ảnh hưởng nói trên, trẻ nghiện game luôn tìm mọi cách thoát li khỏi các hoạt động xã hội, lười vận động, thậm chí không giao tiếp với mọi người. Nghiện game có thể dẫn đến bạo lực, thậm chí gây án, vì một lúc nào đó người chơi không phân biệt được diễn tiến trong game và đời thực. Ngoài ra, trẻ nghiệm game mất ngủ, ăn uống kém, suy kiệt, giảm năng lượng hoạt động bình thường, thậm chí có ý tưởng tự sát. Chưa kể việc ngồi chơi game trong thời gian quá dài rất gây ra các triệu chứng khô mắt, đỏ mắt, đau lưng, đau tay, đau cổ do ngồi quá lâu ở một tư thế. 

Những trò chơi game mang tính bạo lực ngày càng phổ biến.

Nói về bệnh lý nghiện, BS.CK1 Nguyễn Cảnh Hùng -  Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nghệ An cho biết: “Có 2 loại là nghiện vật chất và nghiện phi vật chất. Nghiện vật chất như nghiện ma túy, nghiện rượu, thuốc lá… nghiện phi vật chất như nghiện cờ bạc, nghiện game. Cơ chế của nghiện phi vật chất là thông qua “con đường khen thưởng dopamine reward pathway”. Tức là khi thắng 1 game thì não sẽ tiết ra chất dopamine gây sảng khoái, hưng phấn và người nghiện game có xu hướng tìm lại cảm giác này. Cũng theo ông Hùng, để điều trị nghiện game cho trẻ chính là về liệu pháp tâm lý, từ gia đình đến xã hội. Về thuốc có thể dùng hóa dược để hỗ trợ nếu có triệu chứng như nghiện ma túy hay có triệu chứng giống như giai đoạn lo âu trầm cảm”.

Thực tế hiện nay, tình trạng học sinh, sinh viên trong các nhà trường luôn dành phần lớn thời gian cho việc lên mạng internet, tiệm game để thoả niềm đam mê của mình. Hầu hết, các tiệm game từ nông thôn đến thành thị luôn đông khách, chủ yếu là học sinh, sinh viên. Âm thanh bàn phím, ánh mắt đắm đuối đều say sưa với các màn tranh đấu kèm theo tiếng la hét gọi nhau ầm ĩ. Nhiều trường hợp chơi thâu đêm suốt sáng nhằm thỏa mãn niềm đam mê của mình bất chấp ảnh hưởng tới sức khỏe.

Theo lý giải của cô Hoàng Thị Trang, giáo vigên tâm lý trường Đại học Vinh, để trẻ không sa đà vào các trò chơi game, cha mẹ, người thân cần quan tâm đến trẻ. Cần tạo cho trẻ có sân chơi lành mạnh, hướng đến học tập hoặc giải trí vui chơi lành mạnh, tạo sự gần gũi, thông cảm, chia sẻ, nhất là trẻ lứa tuổi vị thành niên khi tâm, sinh lý đang phát triển hay thể hiện cái tôi của mình. Ngoài ra, cần quản lý giờ giấc vui chơi với thời gian học hành, làm sao vừa giám sát vừa tạo môi trường thoải mái cho con phát triển. Đặc biệt cho con tham gia các câu lạc bộ mang tính giải trí như bóng đá, võ thuật, bơi lội...nhằm giúp trẻ có môi trường lành mạnh. 

Trẻ nghiện game chơi thâu đêm với những màn tranh đấu khốc liệt.

Để ngăn chặn những hệ lụy từ các trò chơi mang tính bạo lực trong game rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và từng gia đình. Đối với những trò chơi game trực tuyến mang tính bạo lực cần có những chế tài, quy định cụ thể nhằm dẹp bỏ những nhà cung cấp, các ứng dụng, trò chơi không phù hợp. Với chính quyền địa phương cần làm tốt công tác giám sát, quản lý tốt hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ mạng internet như: giờ giấc, quy định độ tuổi chơi...Còn với gia đình, nhà trường cần coi trọng việc giáo dục, thường xuyên quan tâm, lắng nghe theo dõi con cái, học sinh để kịp thời phát hiện những biểu hiện khác thường nhằm kịp thời chấn chỉnh.

Bảo Linh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện