Khi người vay biến thành con nợ
Theo trình bày của chị P.T.T.H, trú tại xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An, từ tháng 3/2017 đến tháng 6/2017, do trong quá trình kinh doanh không được thuận lợi nên thường xuyên phải huy động vốn nhằm duy trì công việc của mình. Sau khi được nhiều người giới thiệu có chỗ cho vay tiền thủ tục nhanh gọn, chị đã liên hệ với Nguyễn Lê Tân (SN 1975), trú tại khối 5, phường Lê Lợi, TP Vinh để vay vốn làm ăn. Chị H. đã vay Nguyễn Lê Tân nhiều lần với tổng số tiền 540 triệu đồng, với mức lãi suất 10%/1 tháng.
Đến tháng 11/2018, chị H. đã trả tiền lãi suất cho Tân là 989 triệu đồng, còn tiền gốc mới trả được 100 triệu đồng. Đầu tháng 8/2020, do còn nợ Tân 440 triệu đồng và không có khả năng thanh toán, nên Tân đã nhiều lần gọi điện và khủng bố tinh thần để ép chị H. thanh toán số còn lại. Trước sức ép quá lớn về mặt tinh thần và lo sợ đến sự an nguy của bản thân, chị H. đã làm đơn lên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Vinh về hành vi của Tân.
Đối tượng Nguyễn Lê Tân cùng tang vật của vụ án. |
Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an TP Vinh đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ hành vi vi phạm của đối tượng. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đã xác định đối tượng Nguyễn Lê Tân đã cho chị H. vay tiền với lãi suất 109% đến 120%/năm, thu lợi bất chính hơn 880 triệu đồng. Khám xét chỗ ở của đối tượng, Cơ quan Công an thu giữ nhiều giấy tờ vay tiền, 4 cuốn sổ đỏ và 46 triệu đồng. Tinh vi hơn, khi nạn nhân không thanh toán số tiền 440 triệu đồng nợ còn lại, Nguyễn Lê Tân đã đưa cho chị H. 2 giấy vay tiền với nội dung nhận tiền của mình để đưa người đi xuất khẩu lao động. Mục đích của Tân là hợp thức hóa số tiền chiếm đoạt được từ tiền lãi, mặt khác tránh được Cơ quan Công an truy tố về hành vi của mình.
Thủ đoạn hơn, khi nạn nhân không trả tiền, Tân còn sử dụng giấy vay tiền của nạn nhân để đến Công an TP Vinh tố cáo chị H. đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 440 triệu đồng của mình. Ngoài chị H., Nguyễn Lê Tân còn cho một người khác trú tại tỉnh Hà Tĩnh vay 100 triệu đồng, với lãi suất 5.000đồng/1 triệu đồng/1 ngày, số tiền lãi phải trả trong 2 năm đã lên tới 360 triệu đồng, đối tượng thu lợi bất chính 340 triệu đồng.
Còn với trường hợp chị C.H, trú tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An lại là câu chuyện khác. Theo lời kể của chị, đầu năm 2018, chị có vay của Phạm Thị Thanh (SN 1969), trú tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành 3 lần với tổng số tiền 430 triệu đồng với lãi suất có khoản vay là 3.000 đồng/1 triệu/1 ngày, có khoản là 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Việc vay nợ được 2 bên thỏa thuận, chị C.H. trả tiền lãi theo tháng. Cụ thể, chị C.H. đã 3 lần trả tiền lãi cho Thanh với tổng số tiền là 163.800.000 đồng. Đến đầu năm 2019, do công việc làm ăn thua lỗ, chị C.H. không thể trả đúng hạn. Từ đó đến nay, Thanh thường xuyên cho Cao Văn Đạm (SN 1997) trú tại xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu gọi điện đe dọa, uy hiếp gia đình chị H. . Đến tháng 5/2020, dưới lệnh của Thanh, Đạm đến nhà chị H. dọa nạt, uy hiếp, đe dọa giết cả nhà, cắt gót chân và tạt axit nếu chị không trả tiền. Đối tượng đã dùng điện thoại ném vào người chị H. và đánh chồng chị khiến chị vô cùng lo sợ. Bị đe dọa, chị H. đã chạy vạy, xoay xở vay tiền nhiều nơi trả cho Thanh 3 lần tiền gốc là 25 triệu đồng. Thậm chí, với cách hành xử của Thanh và đàn em của Thanh, nhiều con nợ vì quá sợ hãi mà bỏ đi biệt xứ, không ít người phải đến Cơ quan Công an cầu cứu.
Đối tượng Phạm Thị Thanh và Cao Văn Đạm. |
Cuối tháng 8/2020, từ những thông tin thu thập được, Cơ quan Công an tiến hành bắt quả tang đối tượng Cao Văn Đạm đang có hành vi viết giấy biên nhận về việc nhận 5 triệu đồng từ chị C.H. Tiến hành điều tra mở rộng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Thị Thanh và khám xét nơi ở của đối tượng. Qua khám xét, cơ quan Công an đã thu giữ 74 triệu đồng, 3 cuốn sổ ghi chép hoạt động vay tiền của nhiều người và nhiều tài liệu có liên quan.
Qua các giao dịch của đối tượng với chị C.H., Cơ quan Công an cũng xác định các khoản trả lãi của chị cho Thanh đã vượt quá 5 lần mức lãi suất quy định là 20%/1 năm. Như vậy, tổng số tiền mà Thanh thu lợi bất chính là hơn 140 triệu đồng.
Tương tự mới đây, Công an huyện Quế Phong phát hiện Hồ Sỹ Đức (SN 1959, trú tại bản Ná Tọc, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong) có biểu hiện nghi vấn hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Nhận thấy nhu cầu vay tiền của những người dân nghèo, với thủ tục cho vay nhanh gọn, Hồ Sỹ Đức đã đưa vào giấy vay tiền các điều khoản gán, chuộc tài sản cùng lãi suất rất cao.
Đối tượng Hồ Sỹ Đức tại Cơ quan Công an. |
Ngày 22/5/2021, Công an huyện Quế Phong tiến hành bắt khẩn cấp Hồ Sỹ Đức về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Khám xét nơi ở của đối tượng, cơ quan Công an phát hiện, thu giữ 74 hợp đồng cho vay với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng và nhiều giấy tờ liên quan đến việc cho vay. Quá trình đấu tranh, cơ quan CSĐT Công an huyện bước đầu xác định Hồ Sỹ Đức cho 74 người dân vay tiền với lãi suất từ 8%/tháng đến 10%/tháng, số tiền thu lợi bất chính lên đến hơn 100 triệu đồng.
Khó khăn khi xử lý
Qua điều tra thực tiễn các vụ án, Cơ quan Công an nhận định, để đấu tranh hiệu quả với các băng nhóm tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi, các băng nhóm hoạt động "tín dụng đen" thường gắn với tội phạm có tổ chức và xu thế tạo vỏ bọc hợp pháp dưới hình thức các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, doanh nghiệp để hoạt động. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang hoạt động còn nhiều vi phạm liên quan đến an ninh, trật tự như đòi nợ bằng hình thức "khủng bố tinh thần", cấu kết với băng nhóm tội phạm giữ người trái pháp luật để đòi nợ. Trong khi đó, nếu những cơ sở này có vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự thì lực lượng Công an lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Theo quy định của Điều 201-Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng” hoặc “Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên” thì mới bị xử lý hình sự. Vấn đề này gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng khi chứng minh hành vi cho vay lãi nặng.
Số tang vật liên quan tới hành vi cho vay nặng lãi của đối tượng Hồ Sỹ Đức. |
Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Các đối tượng hoạt động theo kiểu "xã hội đen", "tín dụng đen" với thủ đoạn rất tinh vi, khi cho vay không thể hiện lãi suất công khai trên giấy tờ. Khi các "con nợ" vay tiền, chúng dùng các hợp đồng giả như hợp đồng, uỷ quyền mua bán, thuê xe ôtô, xe máy, mua bán nhà đất… để đảm bảo khoản vay, khi "con nợ" mất khả năng thanh toán sẽ tổ chức siết nợ, hoặc gửi đơn lên cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu khởi tố, xử lý theo thỏa thuận của hợp đồng... gây khó khăn cho cơ quan chức năng”.
Mặt khác, việc vay, cho vay tiền, tài sản, huy động vốn là quan hệ dân sự tự nguyện có sự thoả thuận của hai bên, thường diễn ra "âm thầm", đến khi người vay tiền không trả được nợ, bị các băng nhóm tội phạm đe dọa, bắt giữ, đánh đập, khủng bố tinh thần... thì vụ việc mới được trình báo gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn.
Cùng với hoạt động “tín dụng đen”, đáng lo ngại nhất là việc phát sinh các hành vi trái pháp luật liên quan đến hoạt động đòi nợ, như: cướp, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… Khi người vay không có khả năng trả nợ, sẽ hình thành các đối tượng đòi nợ thuê bất hợp pháp. Các đối tượng có hành vi đe dọa, hành hung, siết nợ, bạo lực, đây là mầm mống của việc mất an ninh trật tự.
Tỉnh táo khi vay tiền
Tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng sở dĩ vẫn còn hoạt động phức tạp, bởi phần lớn người dân tự tìm đến các đối tượng để vay tiền, có thể vay thế chấp và tín chấp. Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay khiến việc sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ, khi các sản phẩm khó tiêu thụ. Nắm bắt được tâm lý người dân, các đối tượng cho vay lãi nặng đã tiến hành các hoạt động “tín dụng đen” cho vay tiền với mức lãi suất rất cao.
Với mỗi loại hình vay thì điều chung nhất là thủ tục đơn giản, chỉ khoảng vài chục phút là có thể vay được tiền, lãi suất thì được thỏa thuận thường ở mức 3.000 đồng đến 7.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày. Do nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp ngày càng gia tăng trong khi các hình thức tín dụng của Nhà nước còn khó tiếp cận nên các cá nhân, tổ chức đến vay vốn tại các cơ sở tín dụng không chính thức, các điểm cho vay lãi nặng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ ham mê cờ bạc, cá độ, game online đã vay lãi nặng để sử dụng vào các mục đích không chính đáng của bản thân, khi cần thì lãi suất cao cũng chấp nhận vay.
Những hình thức quảng cáo cho vay nặng lãi với danh nghĩa hỗ trợ tài chính được dán nhiều nơi công cộng. |
Khi con nợ chưa có tiền để trả nợ theo cam kết, các đối tượng thường nhắn tin, gọi điện để "khủng bố" tin thần hoặc đe dọa, thậm chí chúng cùng với các đối tượng mang tiền án, tiền sự, đối tượng "xăm trổ" ngoài xã hội kéo tới nhà con nợ để gây sức ép nhằm trả nợ. Thủ đoạn hơn, bọn chúng còn thực hiện các hành vi như xiết nợ, đe dọa, ném chất bẩn, chất thải vào nhà, hành hung con nợ để đòi tiền và buộc con nợ phải chịu lãi suất “cắt cổ”. Với kiểu hoạt động “Tín dụng đen” này, nhiều nạn nhân phải trả tiền lãi lên tới 360%/năm và đồng bọn của chúng sẵn sàng bơm tiền để con nợ vay người sau, trả lãi cho người trước. Và cứ thế làm cho con nợ rơi vào vòng luẩn quẩn, nợ nhiều người, khó khăn trong việc trả nợ... Chính vì vậy, việc tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân trong chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, không tạo điều kiện cho loại tội phạm này có cơ hội hoạt động là hết sức cần thiết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin