Chiều 13/12, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và đồng phạm trong vụ mua bán chế phẩm Redoxy-3C.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tổng hợp hình phạt 5 năm tù trong vụ án "Chiếm đoạt tài liệu mật", bị cáo Chung bị buộc chấp hành hình phạt 13 năm tù.
Các bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) lĩnh 4 năm tù, bị cáo Nguyễn Trường Giang (cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) nhận mức án 4 năm 6 tháng tù.
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại tòa. |
Ngoài ra, HĐXX buộc 3 bị cáo liên đới bồi thường cho Công ty Thoát nước Hà Nội hơn 36 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Chung phải bồi thường 25 tỷ đồng (đến nay gia đình đã nộp 10 tỷ đồng), bị cáo Giang bồi thường hơn 7,1 tỷ đồng (gia đình đã nộp 1 tỷ đồng), bị cáo Hùng bồi thường 4 tỷ đồng.
Trước đó, trong phần tranh tụng, đại diện VKSND TP Hà Nội phân tích, bị cáo Chung ngoài là Chủ tịch UBND Hà Nội, chủ sở hữu của công ty thoát nước, còn là Trưởng ban chỉ đạo công tác xử lý nước, giữ vai trò cao nhất.
Với các chức vụ trên, bị cáo Chung tạo điều kiện để Công ty Thoát nước Hà Nội tiếp cận việc kinh doanh những sản phẩm liên quan đến môi trường. Đồng thời, chỉ đạo để bị cáo Nguyễn Trường Giang (cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) đi theo các đoàn công tác của TP Hà Nội, tham gia các buổi thử nghiệm, dù Giang không có tên trong danh sách do Sở Ngoai vụ Hà Nội đề xuất.
Ngoài ra, VKS cho rằng, việc gửi giấy mời Giám đốc công ty Watch Water sang Việt Nam không hề có trong các văn bản, chương trình làm việc của bất cứ Sở, ban, ngành nào của TP Hà Nội, không xác định được người gửi.
"Theo lời khai của Giang trong giai đoạn điều tra, thư mời do thư ký của bị cáo Chung gửi bằng tiếng Việt cho Giang để Giang sau đó dịch sang tiếng Đức và email cho Giám đốc công ty Watch Water", VKS viện dẫn lời khai của bị cáo Giang.
Đại diện VKS xác định, Công ty Arktic thực chất là công ty của bị cáo Chung và gia đình. Thời gian đầu, Nguyễn Đức Hạnh (con trai bị cáo Chung) góp 60% vốn vào Công ty Arktic, đăng ký lần đầu năm 2015.
Sau đó, vợ bị cáo Chung 3 lần làm giả hồ sơ Công ty Arktic chuyển nhượng vốn góp, Giang nắm 60% cổ phần, một người khác giữ 40% còn lại. Tuy nhiên, thực chất vợ bị cáo Chung là người thành lập Công ty Arktic, góp đủ 5 tỷ đồng nhưng để Giang cùng một người khác đứng tên.
Bên cạnh đó, Công ty Arktic ban đầu không đăng ký kinh doanh hoá chất nhưng sau chuyến công tác châu Âu của Giang với UBND Hà Nội, Công ty Arktic lập tức đăng ký thêm danh mục kinh doanh này để chuẩn bị nhập Redoxy-3C về.
Về thiệt hại của vụ án, đại diện VKS cho hay, số tiền hơn 36 tỷ đồng là chênh lệch giữa mức giá Công ty Thoát nước Hà Nội phải mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic thay vì mua trực tiếp từ Công ty Wacth Water, sau khi đã trừ đi các chi phí phát sinh của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, đại diện VKSND TP Hà Nội khẳng định, ngoài việc làm giả đăng ký kinh doanh, Cơ quan CSĐT còn phát hiện Công ty Arktic gian lận, kê khai man thuế tới 27 tỷ đồng. Tất cả các hành vi này có thể quy kết Công ty Arktic thực chất là công ty gia đình và bị cáo Chung đã sử dụng quyền lực để thâu tóm, đưa lợi ích về cho công ty gia đình.
"Bị cáo Chung với vai trò Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đáng lẽ phải dùng quyền lực phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của đất nước, nhưng bị cáo lại dùng quyền lực ấy để thâu tóm lợi ích về cho gia đình", đại diện VKS nói.
Cuối phần đối đáp, đại diện VKS cho hay, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã nộp 10 tỷ đồng, điều này thể hiện bị cáo có ý thức khắc phục hậu quả. Do đó, đại diện VKS đề xuất giảm mức án đề nghị cho bị cáo Chung xuống 8-10 năm tù, còn các bị cáo khác đề nghị HĐXX xem xét giảm án trong quá trình nghị án.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin