Pháp luật

Cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô khai nếu không ký cấp bằng giả sẽ bị đuổi

16:54, 23/12/2021
Cựu Hiệu trưởng ĐH Đông Đô khai nhận không được hưởng lợi từ việc cấp bằng giả, bị cáo làm vì trách nhiệm của người làm hiệu trưởng, nếu không ký sẽ bị đuổi việc.

Sáng 23/12, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại trường Đại học Đông Đô.

 

Là người đầu tiên đứng trên bục khai báo, bị cáo Dương Văn Hoà (cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) khẳng định nội dung bị buộc tội trong cáo trạng là đúng, không oan. 

Quá trình xét hỏi, bị cáo Hoà nhiều lần khẳng định không được hưởng lợi trong việc cấp bằng, chỉ làm vì trách nhiệm của một hiệu trưởng, thậm chí nếu không làm sẽ bị đuổi.

Nói về cơ cấu, bộ máy hoạt động của trường, bị cáo Hoà cho biết, các cổ đông HĐQT không góp vốn, "chủ sở hữu trường bản chất là của bị can Trần Khắc Hùng".

Dương Văn Hoà khai bị cáo cũng là thành viên HĐQT nhưng không hề góp vốn và chỉ có nhiệm vụ quản lý hành chính. Trước khi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, bị cáo làm giảng viên của trường, việc bổ nhiệm là do hội đồng nhà trường quyết.

Bị cáo Dương Văn Hoà (cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) khai trước toà.

Theo cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô, chủ trương đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh có từ cuối năm 2017, đầu năm 2018. "Chủ trương này không hợp pháp vì không có chương trình đào tạo, mỗi học viên phải nộp 29 - 35 triệu đồng. Chủ trương cấp bằng tiếng Anh không qua đào tạo là của Trần Khắc Hùng, theo như bị cáo biết là do mình Trần Khắc hùng quyết, không họp HĐQT, không họp Ban giám hiệu mà ông Hùng chỉ đạo trực tiếp cấp dưới thực hiện", bị cáo Hoà khai trước toà.

Bị cáo Hoà cũng thừa nhận, theo lý thuyết, học viên sẽ phải tham gia đủ 71 tín chỉ, thi tốt nghiệp để được cấp văn bằng. Tuy nhiên sau khi tiếp nhận hồ sơ học viên, Đại học Đông Đô không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo theo tín chỉ mà hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng hình thức phát đề và đáp án cho học viên chép lại. Cá biệt có trường hợp còn không cần hợp thức hóa bài thi nhưng vẫn được cấp bằng.

Cựu hiệu trưởng Đại học Đông Đô nói biết hành vi của mình là sai nhưng do bản thân vừa mới nhận nhiệm vụ quản lý, lại nghe lời, tin tưởng Trần Khắc Hùng. Khi bị cáo lo lắng hỏi Hùng thì được trấn an "yên tâm đi, không sai phạm lắm đâu".

Người tiếp theo trả lời thẩm vấn là Trần Kim Oanh (cựu Phó Hiệu trưởng Đại học Đông Đô). Nữ bị cáo cũng cho biết cơ cấu tổ chức của nhà trường giống như bị cáo Hoà đã trình bày. Tuy nhiên, bị cáo Oanh nêu thêm việc HĐQT có 1 thành viên góp vốn 100 triệu đồng bà Trần Thị Yến. 

Cựu nữ hiệu phó cho biết, từ đầu bị cáo can gián ông Hùng triển khai kế hoạch đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh nhưng ông Hùng nói đã tìm hiểu và xin ý kiến luật sư, đúng pháp luật, chỉ vi phạm hành chính, cán bộ, nhân viên không phải chịu trách nhiệm.

"Bị cáo nhận thức rõ hành vi của mình, bị cáo chỉ là người công ăn lương, là nhà giáo cống hiến nhiều năm trong ngành, cũng muốn đống góp cho sự phát triển của nhà trường nhưng chưa nhận thức được sai phạm", bị cáo Oanh trình bày trước toà.

Bị cáo Oanh khai nhận, nhà trường có cơ chế thưởng, nếu cán bộ mời được học viên đăng ký cấp bằng hay chứng chỉ giả sẽ được thưởng 7 triệu đồng mỗi hồ sơ.

 

 

 

 

 

Theo VTC

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện