Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có kết luận về sai phạm của lãnh đạo tỉnh Hải Dương trong việc mua kít xét nghiệm Việt Á.
Đó là sai phạm trong chỉ đạo, trong thống nhất chủ trương từ lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Có thể nói, đến nay, sai phạm của CDC Hải Dương trong vụ mua kít xét nghiệm để được nhận “hoa hồng” được “lại quả” không phải là tự CDC tỉnh này quyết định.
Phan Quốc Việt (Giám đốc Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương). |
Còn nhớ, “phát súng” đầu tiên trong vụ Việt Á có 2 ngòi nổ là Công ty Việt Á và CDC Hải Dương. Công ty Việt Á là Giám đốc Phan Quốc Việt cùng một số nhân viên bị tra tay vào còng. Còn CDC Hải Dương là ông giám đốc và một số nhân viên bị bắt.
Cũng từ hai nơi này mà đường dây vụ án dần dần lộ diện với quy mô rộng lớn và mức độ trầm trọng chưa từng có đã được điều tra.
Đến nay, có hơn 70 người ở một loạt tỉnh, thành và ở các cơ quan Trung ương bị bắt. Cao nhất là hai ông bộ trưởng và nguyên bộ trưởng là Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh cùng hàng loạt tướng lĩnh, cán bộ cao cấp.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên cũng có thể là bước ngoặt của vụ án đó chính là một loạt cán bộ cấp cao của tỉnh đã dính vào. Nó không dừng lại ở giám đốc CDC hay giám đốc Sở Y tế mà là một giàn lãnh đạo cao nhất của tỉnh.
Thật ra từ lâu dư luận đã từng băn khoăn về các nhánh sai phạm ở địa phương. Một loạt tỉnh có sai phạm trong việc chỉ định thầu, trong nhận hối lộ từ Việt Á mà hiện mới chỉ dừng lại ở việc xử lý nhân sự các CDC. Trong khi đó, các CDC này lại nằm trong Sở Y tế, cao hơn là sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, ủy ban nhân dân.
Việc mua sắm phải có sự chỉ đạo ở cấp cao nhất của tỉnh, thành. Giám đốc CDC không thể tự quyết, vì vậy dư luận vẫn cứ băn khoăn và cho rằng vẫn chỉ dừng lại ở lưng chừng.
Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố những sai phạm của người đứng đầu cao nhất của Hải Dương đã phần nào giải tỏa được sự băn khoăn nói trên.
Trong kết luận luận về những sai phạm có nêu rõ: “Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống dịch, nhất là việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á độc quyền bán bộ kít xét nghiệm…một số cán bộ tham nhũng, tiêu cực, nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam”.
Làm gì cũng đều có sự chỉ đạo lãnh đạo. Hàng loạt cán bộ Hải Dương bị đề nghị kỷ luật cho thấy sự chỉ đạo là thống nhất từ trên xuống.
Kỳ họp thứ 18 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: UB Kiểm tra Trung ương |
Trong kết luận đã nêu rõ: “Trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương và các ông: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Dương Thái, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; Lương Văn Cầu, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; Phạm Mạnh Cường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế; Nguyễn Trọng Hưng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Tài chính”.
Đây cũng chính là một hướng mở rộng điều tra, không để lọt tội phạm và làm trong sạch nội bộ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin