Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam |
Tối 31/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, về tội Nhận hối lộ theo điều 354 Bộ luật Hình sự.
Quyết định tố tụng được ban hành khi Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.
Sau khi VKSND Tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tổ bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với bị can Trần Văn Tân.
Ông Trần Văn Tân sinh năm 1979, quê quán xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông Tân có trình độ chuyên môn Tiến sĩ Luật, trình độ chính trị cao cấp, cử nhân Anh văn.
Trước khi được bầu làm phó chủ tịch tỉnh hồi cuối tháng 4/2018, ông Tân từng giữ các chức vụ phó chánh văn phòng rồi chánh văn phòng đoàn đại biểu quốc hội và HĐND tỉnh Quảng Nam.
Năm 2013, ông này được luân chuyển làm phó bí thư huyện ủy Quế Sơn. Đến năm 2015, ông được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ chánh văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam.
Trước đó, tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp nhận công văn của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an yêu cầu rà soát, kiểm tra và tiếp tục cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lựa chọn khách sạn, resort là địa điểm cách ly; việc xin chủ trương cách ly; việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về cách ly.
Cơ quan điều tra yêu cầu các đơn vị thống kê và cung cấp toàn bộ hồ sơ của các khách sạn, resort đã nộp để xin là địa điểm cách ly đón công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương trên các chuyến bay tự trả phí cách ly, bao gồm cả những khách sạn không được lựa chọn.
Ngoài ra, Bộ Công an đề nghị địa phương trên cung cấp tài liệu thể hiện quá trình giải quyết từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi ban hành quyết định lựa chọn địa điểm cách ly, danh sách những cá nhân tham gia quá trình xét duyệt hồ sơ của khách sạn, resort.
Đối với việc xin chủ trương cách ly, Bộ Công an yêu cầu thống kê, cung cấp toàn bộ hồ sơ những doanh nghiệp được cấp và không được cấp chủ trương cách ly, lý do không cấp chủ trương cách ly, những doanh nghiệp cấp chủ trương cách ly nhưng không tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước.
Đối với việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về cách ly, Bộ Công an yêu cầu hồ sơ doanh nghiệp báo cáo xin tổ chức chuyến bay sau khi đã được tổ 5 bộ cấp phép thực hiện; cung cấp danh sách đoàn giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly, cung cấp cam kết, công khai bảng giá dịch vụ.
Đối với việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về cách ly, Bộ Công an yêu cầu cung cấp thông tin về hồ sơ của doanh nghiệp báo cáo xin tổ chức chuyến bay sau khi được cấp phép thực hiện chuyến bay. Việc giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly tại khách sạn như thế nào? Những đơn vị nào tham gia? Cung cấp danh sách đoàn giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly và kết quả kèm theo? Việc yêu cầu, giám sát cơ sở lưu trú công khai giá dịch vụ được thực hiện như thế nào và cung cấp cam kết, công khai bảng giá dịch vụ.
Sao lưu, cung cấp báo cáo định kỳ hàng tháng và đột xuất về công tác tiếp nhận, cách ly người nhập cảnh mà UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo Thủ tướng. Các tài liệu trên được Bộ Công an yêu cầu cung cấp trước ngày 1/11.
Theo cơ quan chức năng, năm 2021, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao tổ chức 173 chuyến bay, đưa hơn 50.000 công dân thuộc diện ưu tiên về nước. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao phối hợp với bộ, ngành tổ chức hơn 400 chuyến bay đưa về nước trên 70.000 người. Tổng số chuyến bay về nước trong năm 2021 là gần 600 chuyến và đưa khoảng 120.000 công dân hồi hương.
Vụ chuyến bay giải cứu khởi phát hồi tháng 1, khi Bộ Công an khởi tố bà Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Cục Lãnh sự) và 3 thuộc cấp về tội Nhận hối lộ. Đến nay, nhà chức trách đã khởi tố, bắt tạm giam 38 bị can về 5 tội danh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin