“Thả con săn sắt, bắt con cá rô”
Trong những năm gần đây, do sự phát triển của công nghệ, các thủ đoạn lừa đảo mới trên mạng xuất hiện ngày càng nhiều. Các đối tượng thường nhắm vào những nạn nhân là người trẻ, người có vốn sống, vốn hiểu biết ít, sinh viên, phụ nữ mang thai hoặc đang ở cữ. Đặc điểm của nhóm người này là nhẹ dạ cả tin, tâm lý yếu, nhu cầu tìm việc cao, nhưng lại cần công việc không quá phức tạp, nặng nhọc.
Không ít người đã bị sập bẫy của bọn chúng, nhưng khi nhận ra thì đã quá muộn, không thể rút lại tiền được nữa. Lúc này họ tìm đến các hội nhóm trên Facebook để chia sẻ và xin lời khuyên. Hàng loạt hội nhóm tố cáo lừa đảo, cảnh báo lừa đảo đã được lập ra với số thành viên lên đến hàng chục nghìn người.
N.Y - một nạn nhân tâm sự: “Lúc đầu, em làm theo nhiệm vụ họ giao là tìm kiếm các app rồi tải về, bấm like các bài viết cho các trang Fanpage, xem video Youtube. Mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ em được nhận về 30 - 50 nghìn đồng, chuyển khoản ngay. Nhưng sau đó, họ bảo em giờ bắt buộc phải làm nhiệm vụ hoa hồng, không được làm nhiệm vụ bình thường nữa. Đến lúc em nộp tiền vào thì cứ bảo em phải nộp thêm tiền để nâng mức hoa hồng lên. May mà lúc đó em tỉnh táo nhận ra mình bị lừa rồi nên không nộp tiếp. Em mất tầm 1 triệu đồng. Số tiền đấy vẫn đang còn ít so với nhiều người khác. Em vào nhóm cảnh báo lừa đảo thấy có chị tâm sự còn mất đâu đấy hơn 130 triệu đồng.”
Ảnh chụp màn hình bài viết cầu cứu một nạn nhân mất hơn 500 triệu đồng |
Rõ ràng, bọn lừa đảo đã sử dụng phương thức thả con săn sắt, bắt con cá rô để dụ dỗ nạn nhân vào tròng. Chúng sẵn sàng chi trả vài trăm nghìn đồng để mua lòng tin của người khác, sau đó dựa vào tâm lý muốn kiếm tiền mà ép nạn nhân phải nộp tiền vào để tiếp tục làm nhiệm vụ. Chúng tìm mọi lý do như quá hạn nộp tiền, kế toán báo lỗi… để thúc đẩy nạn nhân nộp nhiều tiền hơn nữa. Cuối cùng, khi nạn nhân không còn tiền để nộp, bọn lừa đảo biến mất.
"Liên hoàn lừa đảo"
Không chỉ dừng lại ở đó, nắm bắt được tâm lý muốn lấy lại số tiền đã bị mất của nhiều người, kẻ gian đã tham gia vào các hội nhóm cảnh báo lừa đảo, đăng tin về việc mình có thể lấy lại số tiền bị mất giúp nạn nhân, hoặc cao tay hơn, chúng lập các trang Facebook giả danh công an để tiếp tục lừa tiền người khác.
Ảnh chụp màn hình các kẻ gian đảm bảo mình sẽ lấy lại được số tiền đã mất để lừa nạn nhân chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo. |
Ảnh chụp màn hình các kẻ gian đảm bảo mình sẽ lấy lại được số tiền đã mất để lừa nạn nhân chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo. |
Thủ đoạn chung của các đối tượng này là sẽ đảm bảo việc mình có thể lấy lại tiền cho nạn nhân. Tuy nhiên, chúng lại yêu cầu nạn nhân nộp một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trước. Sau khi nạn nhân chuyển tiền thì chúng biến mất hoặc yêu cầu nộp nhiều tiền hơn do đủ loại lý do được bịa ra. Và cuối cùng, nạn nhân mới nhận ra mình lại bị mất thêm tiền và không thể lấy lại.
Theo Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, tình hình tội phạm trên mạng internet, lừa đảo trực tuyến vẫn đang diễn ra phức tạp. Nhiều cách thức lừa đảo mới đã xuất hiện ngày càng tinh vi hơn. Chỉ tính trong năm 2022, lực lượng chức năng đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân trước hành vi tấn công trực tuyến.
Vì vậy, người dân cần phải tự nâng cao ý thức cảnh giác, không vì cái lợi trước mắt mà để bị thiệt hại lớn về sau. Một khi phát hiện mình bị lừa đảo, báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin