Pháp luật

Cảnh giác với ma trận “thần dược” trên mạng

11:08, 23/08/2023
“Nhà tôi 3 đời chữa viêm xoang”, “nhà tôi 3 đời chữa xương khớp”, "không khỏi cứ gọi cho tôi”... và vô vàn những lời quảng cáo cùng với ảnh, video hấp dẫn xuất hiện liên tục khiến nhiều người sập bẫy lừa đảo “thần y, thần dược” trên mạng xã hội.

Với sự phát triển công nghệ, bán hàng online đã và đang là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, lợi thế này cũng bị nhiều người lợi dụng để trà trộn hàng kém chất lượng. Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội, quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh hiện lên nhan nhản. Ngày càng có nhiều lương y, “thần y” xuất hiện chia sẻ những bài thuốc, hay những cách trị bách bệnh, từ tiểu đường, dạ dày, xương khớp, cao huyết áp… đến đột quỵ, ung thư… Và điều đáng nói là sản phẩm nào cũng được quảng cáo giống như “thần dược”. 

Các loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe được quảng cáo như thần dược tràn lan trên mạng xã hội
Các loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe được quảng cáo như "thần dược" tràn lan trên mạng xã hội

Thậm chí, để tăng thêm sự tin tưởng của khách hàng, họ dùng đủ các chiêu thức, từ sử dụng hình ảnh các cơ sở y tế, hình ảnh bác sỹ, giả mạo hình ảnh các kênh truyền hình uy tín… để quảng cáo sản phẩm. Để thuyết phục hơn nữa, nhiều đơn vị còn tổ chức đào tạo nhân viên gọi điện thoại giả danh bác sỹ, dược sỹ tư vấn, lôi kéo khách hàng. Có thể nói, người tiêu dùng đang bị “bủa vây” giữa ma trận thần dược được quảng cáo tràn lan trên mạng.

Thế nhưng, với những người có chuyên môn, chỉ xem qua các hình ảnh trong chiêu thức này sẽ thấy những điều phi lý. BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm ô-xy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng chia sẻ: Khi nghe những quảng cáo như thế trên mạng thấy phần nào đấy bất lực vì sức mình có hạn không ngăn cản được người ta cứ ra rả với tần suất dày đặc những điều khá vô lý về chuyên môn. Sự thực chẳng có loại thuốc hay sản phẩm nào mà bất cứ ai cũng tùy tiện sử dụng lại không có hại cả. Ngay cả cơm gạo, rau hay nước uống hàng ngày, nếu chúng ta ăn, uống nhiều quá và không đúng cách cũng còn có hại. Thế nhưng vẫn nhiều người tin, ngay cả bố tôi nhiều khi vẫn là nạn nhân của những chiêu trò này”. 

BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng: "Tôi không tin những cam kết 100% khỏi bệnh, nếu không khỏi trả lại tiền". (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Đã có rất nhiều trường hợp “tiền mất, tật mang”, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng khi tin vào quảng cáo mà sử dụng những loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, trên mạng xã hội (YouTube, Facebook...), nhiều loại sản phẩm được quảng cáo là thuốc dưới tên gọi “thuốc gia truyền”. Những sản phẩm này được quảng cáo rầm rộ với mật độ dày đặc, trong đó mượn danh người nổi tiếng, bác sĩ và cả những bệnh nhân “nhờ uống thuốc này mà bệnh khỏi hẳn”. Tin vào hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo một loại “thuốc gia truyền”, anh Hoàng Văn Tân ở thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã có lần phải nhập viện cấp cứu: “Sau lần cấp cứu ấy tôi cạch không bao giờ mua thuốc trên mạng nữa. Giờ cứ thấy quảng cáo là sợ, mà nhiều người vẫn quảng cáo như thuốc tiên ấy, vẫn nhiều người tin, rất nguy hiểm” - anh Hoàng Văn Tân bày tỏ.

Các cơ quan chức năng cũng đã từng phát hiện, xử lý hàng loạt các vụ vi phạm về việc quảng cáo sai sự thật, đồng thời, kiểm tra, thu hồi nhiều loại sản phẩm không đúng với quảng cáo. Nhưng trên mạng vẫn nhan nhản các chiêu trò. Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các chiêu thức như vậy đầu tiên là do việc thực thi pháp luật, quy định về quảng cáo các sản phẩm chăm sóc sức khỏe chưa nghiêm minh. Việc các quảng cáo “thần dược” xuất hiện với tần suất dày đặc mà không hề vấp phải sự ngăn chặn, xử lý nào, cộng thêm với việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng khiến người tiêu dùng bị thao túng tâm lý và tin theo. “Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt của chúng ta còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nên nhiều cá nhân, doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt nếu bị phát hiện và vẫn tiếp tục vi phạm sau đó…” - BS Nguyễn Huy Hoàng nói.

Để giảm thiểu số “nạn nhân” bị mắc lừa vì tin theo quảng cáo “thần dược” trên mạng, một trong những việc cần làm theo BS Nguyễn Huy Hoàng là các cơ quan liên quan cần phải cung cấp thêm nhiều nguồn thông tin chính thống hơn để người dân có sự đối chiếu. 

Vô vàn "thần dược" được quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội

Dẫu biết không phải sản phẩm nào rao bán online cũng là kém chất lượng. Tuy nhiên, với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thuốc trị bệnh, theo BS Nguyễn Huy Hoàng cần có những tiêu chí cụ thể, chặt chẽ hơn. Bởi lẽ trong bối cảnh giữa muôn vàn những lời quảng cáo thần dược có cánh trên mạng xã hội, làm thế nào để người tiêu dùng lựa chọn được những sản phẩm phù hợp, đảm bảo chất lượng là điều không hề dễ dàng. Giữa muôn hình vạn trạng chiêu quảng cáo bủa vây, BS Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên chọn những sản phẩm của những đơn vị có uy tín nhiều năm. “Phải xem thông điệp của họ là gì. Những thông điệp 100% là khỏi hoặc là nếu không khỏi trả lại tiền thì tôi nói thật không thể tin được” – BS Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh.

Cũng theo BS Nguyễn Huy Hoàng, để hạn chế tình trạng quảng cáo thuốc tràn lan, những người tham gia quảng cáo như một số bác sĩ, nghệ sĩ và cả những nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội cần phải chịu trách nhiệm. Cần phải tăng cường hơn nữa những quy định pháp lý đối với quảng cáo các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. “Về phía người tiêu dùng, khi nhận thấy dấu hiệu quảng cáo không đúng sự thật cũng cần có hành động phản đối, chẳng hạn như bấm vào nút báo cáo vi phạm để báo cho nhà mạng” – BS Nguyễn Huy Hoàng đề nghị.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện