Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nước Đức trong tôi

16:24, 06/01/2011
Tham gia đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đi nghiên cứu, trao đổi về công tác báo chí xuất bản tại Cộng hòa Liên Bang Đức, nhà báo Nguyễn Như Khôi đã có những ấn tượng khó quên về một đất nước hiện đại, thanh bình mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã và đang gắn bó.

 

Ấn tượng đầu tiên khi vừa đặt chân xuống sân bay Frankfurt rộng lớn và hiện đại là từ chiếc xe đẩy hành lý. Nhiều thành viên trong đoàn lần đầu tới châu Âu. Một số người nhanh nhẹn lại góc phòng lấy xe đẩy, nhưng tất cả những chiếc xe đều bị khóa bằng một sợi xích nhỏ. Thì ra, phải có đồng xu ít nhất 20 cen (100 cen bằng 01 euro) đưa vào khe nhỏ ở tay cầm xe đẩy thì dây xích mới tự mở ra. Khi dùng xong, khách đẩy xe trở về đúng vị trí quy định, người dùng xe lấy lại được tiền của mình. Nếu vì lý do này khác mà người dùng không trả xe đúng nơi quy định, thì sẽ có người khác làm thay. Và dĩ nhiên là người làm thay sẽ được hưởng mấy chục cen đang được giữ lại từ chiếc xe đẩy.

 

Thành phố Berlin sầm uất, cổ kính và hiện đại với rất nhiều dòng người và xe tấp nập. Các đường phố lớn đều có dải phân cách, mỗi bên 2-3 làn đường. Trên vỉa hè có đường dành riêng cho người đi bộ, đi xe đạp. Xe ô tô tuyệt đối không được lấn vào phần đường của người đi bộ và xe đạp. Đang vào mùa đông lạnh nhất trong nhiều năm lại đây, khắp mọi nơi tuyết phủ một màu trắng xóa. Những lớp tuyết dày làm lòng đường phố, vỉa hè hẹp hơn. Nhưng những dòng xe con tấp nập vẫn lao nhanh. Hầu như suốt 2 tuần ở Berlin , chúng tôi không hề thấy hiện tượng tắc đường, kẹt xe, không nghe một tiếng còi và rất hiếm thấy các vụ tai nạn giao thông.

 

Đường phố ở Berlin tấp nập xe cộ, nhưng không thấy cảnh tắc đường.

 

Hệ thống các phương tiện giao thông công công ở Berlin thật phong phú và tiện lợi. Trên đường phố có taxi, xe buýt, tàu điện trên cao, trong lòng đất có tàu điện ngầm. Cứ chừng 5-7 phút lại có một chuyến xe ghé lại bến đỗ. Tới bến đỗ, sàn xe buýt từ từ hạ xuống ngang với vỉa hè để người lên xuống được dễ dàng. Được biết ở Berlin , từ nơi ở, nơi làm việc tới bến đỗ xe buýt hay tàu điện, người dân không phải đi bộ quá 300m. Trên đường phố, xuống ga tàu điện, dường như ai cũng rảo bước rất nhanh, lên xuống xe rất nhanh. Nhưng khi ngồi vào ghế ổn định, cứ 2-3 người thì có ít nhất 01 người đọc sách báo. Ngoài tiếng tàu xe, mọi người nói chuyện với nhau rất khẽ, không làm ảnh hưởng tới người xung quanh.

 

Từ Berlin tới Phara - thủ đô của Cộng hòa Sec là con đường cao tốc phẳng lỳ, có dải phân cách với 3 làn xe mỗi bên. Qua những cánh rừng, hai bên rìa đường có hàng rào khá dày để ngăn không cho thú rừng chạy qua. Có những chiếc cầu vượt khá lớn, được che kín bằng lưới cho các loài thú đi qua. Khi qua những thị trấn, làng nông thôn, người ta cho dựng những bức tường thu tiếng ồn để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Nghe nói, Chính phủ Đức đã xây dựng xong một sân bay rất lớn và hiện đại ở phía đông thành phố, thay thế cho sân bay hiện nay tại Berlin . Công trình xây dựng xong đã khá lâu, nhưng chưa thể đưa vào hoạt động, vì chính quyền chưa thương thảo được với người dân quanh vùng về vấn đề ảnh hưởng của tiếng ồn khi sân bay đi vào hoạt động đối với cuộc sống của họ. Anh Bùi Quốc Tuấn - Giám đốc điều hành Công ty hỗ trợ phát triển Đức - Việt cho chúng tôi biết: Ở Đức có một nguyên tắc là nhà nước luôn cố gắng đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho tất cả mọi người trong xã hội.

 

Trên đường cao tốc, xe ô tô chỉ được đi vào 2 làn đường bên phải. Còn làn đường phía trong luôn dành cho xe phia sau vượt lên. Xe buýt chờ khách được đi với tốc độ tối đa 120km/h. Còn xe con, ngoài những đoạn hạn chế tốc độ tối đa, còn lại được chạy theo khả năng cho phép. Xe chạy quãng 20km lại nghe một tiếng “tít” nhỏ ở gần ghế lái. Tín hiệu ấy được phát ra từ một thiết bị nhỏ được gắn trên xe, để tính phí giao thông. Đối với xe  buýt, lái xe được chạy không quá 4 giờ là phải ghé vào trạm nghỉ ít nhất 45 phút và mỗi ngày không được đi quá 9 giờ. Được biết lái xe không thể không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về luật an toàn giao thông. Vì ngay trên xe của mình đã được cơ quan chức năng gắn một thiết bị như hộp đen của máy bay, ghi lại tất cả hành trình của xe. Ngoài ra, trên nhiều tuyến phố đều có gắn camera theo dõi phương tiện giao thông. Nếu trường hợp khi được kiểm tra, phát hiện xe vi phạm thì lái xe sẽ bị phạt rất nặng. Riêng lỗi vượt đèn đỏ là 2.000 Euro- số tiền bằng cả tháng lương của một lao động có tay nghề ở Đức. Dù không hề thấy cảnh sát giao thông chốt gác kiểm tra, nhưng chính các thiết bị hỗ trợ kiểm soát hiệu quả đã làm cho người điều khiển phương tiện bắt buộc phải có ý thức chấp hành nghiêm luật giao thông.

 

Tại các trạm nghỉ trên đường cao tốc có cây xăng, quầy hàng bán giải khát và một số hàng hóa, nhưng chỉ có 1-2 nhân viên bán hàng. Vì việc bơm xăng, uống cafe, giải khát đều được bán tự động bằng thẻ và tiền xu. Khu vệ sinh nơi trạm nghỉ sạch sẽ không kém vệ sinh ở phòng nghỉ khách sạn. Khách đi xong có thể tự bỏ một đồng xu vào chiếc hộp nhỏ ở cửa vào. Tại các khu công cộng trong thành phố cũng như vậy. Tôi để ý dường như hầu hết mọi người khi đi xong đều bỏ đồng xu vào hộp. Điều đáng nói là tại các khu vệ sinh công cộng đều có phòng vệ sinh dành riêng cho người khuyết tật.

 

Ở thủ đô của đất nước sản xuất xe hơi vào hàng đầu thế giới với những hãng xe nổi tiếng như Mexedet, Audi... và với mức thu nhập bình quân của người dân Đức hiện nay, thì việc sở hữu một chiếc xe hơi đối với mỗi gia đình là không khó. Vì vậy mà Đức được đánh giá là một trong những nước có người sử dụng xe hơi nhiều nhất châu Âu. Vậy mà, giữa thành phố Berlin  không hề khó kiếm chỗ đậu xe đúng quy định. Khi tới các trung tâm thương mại hay sân bay, xe ô tô được đậu dưới các tầng hầm. Xe vào cổng ga ra, chủ xe chỉ việc hạ kính xuống, quét thẻ vào cây thu phí, barie tự động sẽ được mở. Phí đậu xe được tính theo giờ và tùy thuộc vào vị trí đậu. Khi ra cửa, chủ xe cũng chỉ việc quét thẻ vào cọc. Hệ thống thu tiền tự động sẽ trừ đúng số tiền cần phải trả để barie mở cho xe ra.

 

Cách tính để thu tiền bảo hiểm phương tiện giao thông cũng rất hợp lý. Người mới lấy bằng lái xe hoặc xe hay gây ra tai nạn giao thông sẽ phải nộp mức phí bảo hiểm cao hơn người lái lâu năm và ít gây tai nạn. Cũng như việc gửi xe, việc thu phí bảo hiểm như thế đã tạo nên sự công bằng và tạo cho người chủ phương tiện thêm có ý thức tiết kiệm thời gian, tiền bạc và ý thức chấp hành luật giao thông. Về những khoản này, có lẽ người Đức là một trong những dân tộc chặt chẽ và khoa học nhất thế giới.

 

Trong chuyến công tác, vì tuyết trơn, một thành viên đoàn chúng tôi không may bị trượt ngã gãy chân. Chỉ chưa đầy 10 phút sau khi điện thoại, xe cứu thương cùng nhân viên y tế đã tới. Như ở nhà, nhiều người muốn cùng theo xe tới bệnh viện để có thể giúp đỡ gì chăng. Nhưng rất dứt khoát, nhân viên y tế chỉ cho một người phiên dịch đi cùng để làm thủ tục bảo hiểm. Tới bệnh viện, ngay cả phiên dịch cũng không được vào phòng bệnh nhân. Tất cả các việc từ khám đến chăm sóc bệnh nhân đều do các nhân viên y tế đảm nhận tận tình, chu đáo. Ngoài chi phí từ bảo hiểm y tế, cá nhân người điều trị không phải chi phí bất cứ khoản tiền nào.

 

Từng đàn chim bồ câu sà xuống hè phố, thân thiện với con người.

 

Ấn tượng lớn khi đến thăm Berlin là việc giữ gìn những công trình in đậm dấu ấn về lịch sử, văn hóa. Từ Quảng trường Alexander, cổng thành Bradenburd, Tòa thị chính tới nhà Quốc hội Đức được xây dựng cách đây hàng thế kỷ vẫn hầu như nguyên vẹn và hài hòa  giữa một đô thị hiện đại. Được biết, ở Berlin , tất cả các khu phố, trường học... đều phải có diện tích vườn hoa, cây xanh theo quy định. Tất cả các công trình xây dựng ở đô thị đều không được cao quá 22m và chỉ được xây dựng không quá 2/3 diện tích đất được cấp. Berlin là thành phố có rất nhiều bảo tàng. Du khách tới đây dù bận, cũng thường không bỏ qua việc đi thăm một số bảo tàng và tòa nhà Quốc hội Đức. Giữa cái lạnh tới -5C, hàng trăm người với đủ màu da vẫn nhẫn nại xếp hàng để được vào thăm tòa nhà Quốc hội. Đây là tòa kiến trúc cổ, được xây dựng từ năm 1871, là nơi chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử nước Đức. Qua nhiều lần tu bổ, các kiến trúc sư đã cố gắng giữ gìn, phục chế một cách tinh xảo những dấu ấn của lịch sử. Tới đây, du khách được tận mắt nhìn thấy từ chiếc xẻng dùng trong ngày lễ khởi công của đế chế Đức Bismark, những bộ bàn ghế của kỳ họp đầu tiên năm 1894, cho đến bức tường còn nguyên bút tích và máu của những người lính hồng quân Liên Xô khi vào giải phóng  Berlin, chấm dứt sự tồn tại của chủ nghĩa phát xít trên phạm vi toàn thế giới. Nói thêm về những bút tích, những vết máu được lưu giữ hầu như nguyên vẹn trên bức tường, cô hướng dẫn viên của tòa nhà Quốc hội Đức cho biết: Qua biểu tượng ấy, người Đức muốn nói với thế giới rằng, sự hy sinh của các chiến sĩ hồng quân Liên Xô mãi luôn được khắc ghi và sự hổ thẹn về chủ nghĩa phát xít sẽ không bao giờ còn lặp lại.

 

Nét đặc biệt của tòa nhà Quốc hội Đức là công trình được lợp bằng một vòm kính lớn trong suốt, có đường xoắn ốc để người đi bộ lên tới đỉnh vòm. Từ đây có thể quan sát các tầng của tòa nhà quốc hội. Ánh sáng mặt trời cũng từ đây lan tỏa tới các phòng làm việc. Và trong khi người dân ngắm cảnh toàn thành phố trên mái vòm thì Quốc hội vẫn làm việc bình thường, các chính trị gia vẫn họp bàn và phụng sự nhân dân ở bên dưới. Hướng dẫn viên của tòa nhà cho biết: Nhiều năm qua, Quốc hội và chính phủ  Đức đã thực hiện đúng ý tưởng của kiến trúc sư người Anh Norman Foster về một chính phủ, các đảng phái chính trị hoạt động công khai minh bạch dưới sự giám sát của nhân dân.

 

Sẽ khó tránh khỏi khiếm khuyết khi nói về một đất nước mà chỉ được sống và làm việc trong thời gian ngắn ngủi. Nhưng hình ảnh về một nước Đức mới hòa bình, thịnh vượng hôm nay đã và đang để lại trong những người có may mắn được tận mắt chứng kiến và tìm hiểu như chúng tôi những ấn tượng không thể nào quên.

 

(Nguyễn Như Khôi)