Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ước nguyện nhỏ của tôi

14:31, 18/01/2011
Nằm khép mình lặng lẽ trên con đường nhỏ thuộc xóm 12 xã Hưng Lộc, TP Vinh, hơn 20 năm qua, nhà an dưỡng tỉnh uỷ Nghệ An thực sự là một gia đình ấm áp nghĩa tình của 34 cán bộ tiền khởi nghĩa, bà mẹ Việt nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ tiêu biểu không còn người thân thích của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Giờ đây, tại nhà an dưỡng, chỉ còn duy nhất cụ Nguyễn Thị Em - một cán

 

Những nhân chứng của lịch sử.

  
   

Tôi đến thăm nhà an dưỡng tỉnh uỷ Nghệ An vào một chiều đông rét buốt bởi những đợt không khí lạnh tăng cường. Dãy nhà hành chính vắng lặng. Mọi người đang tập trung ở phòng cụ Nguyễn Thị Em. Do thời tiết giá lạnh kéo dài nên cán bộ công nhân viên nhà an dưỡng rất chú ý việc sưởi ấm cho cụ. Bước vào phòng cụ Em tôi cảm nhận được sự ấm áp của tình người. Các anh chị ở đây dành hết thời gian, công sức chăm sóc từng ly từng tý cho sức khoẻ của cụ. Gắn bó với nhà an dưỡng từ ngày thành lập đến nay, chị Trần Thị Hải bùi ngùi tâm sự: Lúc đầu, nhà an dưỡng có 34 cụ, nhưng đến nay chỉ còn cụ Em ở lại với các chị. Đúng là không có gì nghiệt ngã hơn thời gian.

Nhà an dưỡng tỉnh uỷ Nghệ An chính thức đi vào hoạt động đúng dịp kỉ niệm 57 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1987). Bằng tấm lòng tri ân, tỉnh uỷ Nghệ An đã đón 34 cán bộ tiền khởi nghĩa, bà mẹ Việt nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ tiêu biểu không còn người thân thích về phụng dưỡng. 34 con người có công với cách mạng đó là 34 cuộc đời đầy sôi động gắn với giai đoạn lịch sử cách mạng sục sôi của dân tộc. Đó là các cụ Lê Thị Yêm, Nguyễn Thị Tơng, Nguyễn Thị Bính, Nguyễn Thị Nhuận, Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Thị Em, Nguyễn Thị Tư... Họ được xem là những hạt giống đỏ của các “Nông hội đỏ”, “Công hội đỏ”, “Xích vệ đỏ”, “Tự vệ đỏ”… Đây là những tổ chức nòng cốt trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 30 -31. Vào thời kỳ cách mạng Việt nam còn trứng nước, các cụ là những người đi đầu trong các cuộc biểu tình; in và rải truyền đơn; vận động nông dân đứng lên chống thực dân Pháp, chống địa chủ phong kiến. Cụ Nguyễn Thị Nhuận làm liên lạc cho xứ uỷ Trung Kỳ. Cụ đã từng có thời gian hoạt động cách mạng bí mật với bà Nguyễn Thị Quang Thái vợ của đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Cụ Nguyễn Thị Sinh là người trực tiếp in ấn, phân phát tài liệu cho các tổ chức cách mạng. Khi bị giam cầm ở nhà lao Vinh cụ Sinh đã gây dựng được đường dây thông tin liên lạc trong nhà lao… Các cụ khác cũng đã có nhiều năm bị giam cầm trong nhà lao thực dân đế quốc nhưng vẫn vững một lòng tin vào Đảng, vào cách mạng. Về với nhà an dưỡng, các cụ lại được bầu bạn, cùng sinh hoạt trong một chi bộ đảng. Trong sự phụng dưỡng đầy trách nhiệm và yêu thương của đội ngũ cán bộ công nhân viên nhà an dưỡng họ cùng vui vẻ ôn lại những tháng năm hoạt động gian khổ và phấn khởi trước những đổi thay trên quê hương đất nước.

 

Chị Trần Thị Hải bên cụ Nguyễn Thị Em

 

Trong nhiều năm qua, nhà an dưỡng là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hàng năm vào các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm các trường học trong tỉnh lại tổ chức cho học sinh đến thăm nhà an dưỡng và nghe các cụ kể chuyện truyền thống. Chị Trần Thị Hải kể lại: Vào những dịp đó, không khí ở nhà an dưỡng vui lắm. Bầy cháu nhỏ quây quần vui vẻ bên các cụ hỏi han sức khoẻ, hỏi về những kỉ niệm về thời gian các cụ hoạt động cách mạng. Đó chính là những bài học về lịch sử quý giá và sinh động đối với thế hệ mầm non của đất nước. Sau mỗi lần như vậy, tâm trạng cụ nào cũng vui vẻ và phấn khởi hơn nhiều!

Sự hi sinh thầm lặng.

 

Bia ghi danh các lão thành cách mạng, người có công với nước tại

Nhà an dưỡng Tỉnh ủy

 

Khi nhà an dưỡng đi vào hoạt động có 20 cán bộ công nhân viên và hầu hết đều là đảng viên từ các đơn bộ đội chuyển ngành, cán bộ của văn phòng tỉnh uỷ. Chi bộ Đảng xác định: trọng trách của mỗi một đảng viên ở đây là thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà chăm sóc, phụng dưỡng các hạt giống đỏ của cách mạng. Những ngày tháng ở bên các cụ, các anh chị ngày càng trưởng thành hơn, vững vàng hơn về lý tưởng cách mạng và tinh thần đoàn kết.  Sự gắn kết trong cuộc sống, lòng ngưỡng mộ trước những hạt giống đỏ cách mạng đã nhân lên tình yêu thương giữa những con người nơi đây. Các cụ khi về với nhà an dưỡng đều tuổi đã cao cộng thêm di chứng của những năm tháng  hoạt động gian khổ tù đày nên thường hay ốm đau, bệnh tật. Phần lớn các cụ đều phải ngồi xe lăn, không thể tự lo liệu sinh hoạt cá nhân được. Vì vậy, chăm lo việc ăn uống, bổ sung dinh dưỡng cho các cụ được nhà an dưỡng đặt lên hàng đầu. Các anh chị đã nghiên cứu, tìm hiểu các món ăn phù hợp với tuổi tác, thể trạng của từng cụ. Đối với các cụ cao tuổi, răng yếu các anh chị đã phải nghiền nhuyễn thức ăn, động viên các cụ cố gắng ăn uống. Các anh chị luôn túc trực, săn sóc các cụ như con cái chăm sóc bố mẹ đẻ. Khi các cụ đau ốm, các anh chị thay phiên nhau theo các cụ đi điều trị ở bất cứ tuyến bệnh viện nào. Có những chị sau một đợt chăm sóc các cụ tại Hà nội về mái tóc xanh cũng đã điểm bạc. Khi các cụ mạnh khoẻ, các anh chị đã tổ chức cho các cụ đi dã ngoại, thăm thú các di tích lịch sử, danh thắng trong thành phố và về quê thăm thân nhân. Ai cũng hiểu các cụ cần lắm tình cảm của những người thân nên các anh chị đều đặt công việc của nhà an dưỡng lên trên cả gia đình riêng. Đó chính là tình yêu của những người con hiếu thảo dành cho cha mẹ già. Nhờ sự chăm sóc tận tình, chu đáo của đội ngũ cán bộ công nhân viên nơi đây nên mỗi cụ vào an dưỡng ở đây đều sống thêm bình quân từ 15 đến 20 năm. Hầu hết các cụ đều có tuổi thọ trên 100. Khi các cụ ra đi, các anh chị cũng đều tự tay tắm rửa, lo liệu tang lễ chu tất cho các cụ…

Nguyện ước.

Dẫn chúng tôi đến tham quan nhà tưởng niệm các cụ, chị Trần Thị Hải cho biết: như một gia đình Việt Nam truyền thống, sau khi các cụ mất anh chị em đều lập bàn thờ và khói hương cho các cụ chu đáo. Trên di ảnh, gương mặt 33 cụ vẫn ngời lên trong dìu dịu khói hương như sưởi ấm lòng người trong chiều đông lạnh giá. Phía trước nhà tưởng niệm là bia đá khắc ghi tên tuổi và công lao của 34 cụ. Tôi lặng nghiêng mình và lòng trào lên bao nỗi xúc động! Để có được Việt nam “đứng dậy sáng loà” như hôm nay, các cụ đã chịu đựng bao gian lao vất vả, bao sự hi sinh. Không một bia đá nào có thể ghi được hết!

Trở lại phòng cụ Nguyễn Thị Em, tôi thấy các chị trong nhà an dưỡng đang mặc thêm áo ấm và đọc báo cho cụ nghe về kỳ đại hội đảng toàn quốc lần thứ XI. Các chị cho biết: những lúc tỉnh táo, cụ vẫn thường xuyên theo dõi tình hình thời sự và đòi được nghe đài, đọc báo.

Bịn rịn chia tay cụ Nguyễn Thị Em và các chị trong nhà an dưỡng tôi thầm mong sao sẽ có thật nhiều lần nữa được đến thăm sức khoẻ và mừng thọ cho cụ!

(Kim Hoa)