Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hai chuyến đi, 4 phút phóng sự

09:22, 17/08/2011
Ở đời, phàm cái gì lần đầu tiên cũng nhớ rất lâu. Năm 2000, Liên hoan Truyền hình toàn quốc diễn ra ở TP Vinh. Tôi lần đầu tiên vinh dự được lên nhận Huy chương Vàng cho tác phẩm “Ông Thành lúa nước”. Đây cũng là phóng sự ngắn truyền hình đầu tiên của Đài Nghệ An đoạt giải Vàng của LH Truyền hình Toàn quốc (Sau này có thêm “Bản Mâm mây”). Hành trình để làm ra “ông Thành lúa

 

 

Nhà báo Trần Ngọc trong một chuyến tác nghiệp tại Singapore

 

 

Hồi đó, tôi mới từ Đài PTTH Hà Tĩnh chuyển về. Anh Bùi Sỹ Hoa (bây giờ là TBT Báo điện tử Vietnamnet) còn làm Trưởng phòng Biên tập Truyền hình. Một buổi sáng, anh Hoa gọi vào phòng đưa cho tôi xem một cái tin ngắn của Đài TTTH huyện Tương Dương gửi xuống. Tin viết về gương điển hình của một người dân tộc Tày poọng  ở xã Tam Hợp biết trồng cây lúa nước. Xác định đây là một đề tài hay, có thể làm tác phẩm tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc, 2 anh em quyết định liên lạc với anh Lương Tất Thành - trưởng Đài TTTH huyện Tương Dương và đề nghị cùng phối hợp để thực hiện một phóng sự ngắn. 

 

Ít ngày sau, tôi và anh Hoa vác theo chiếc máy M9000 bắt xe ca từ Vinh lên Tương Dương (cách Vinh 240km). Tôi là dân biên tập, nhưng thời đó, trẻ, khoẻ lại có được học qua một khoá quay phim ngắn hạn, nên vẫn được anh Hoa tin tưởng giao máy, vừa quay vừa viết. Buổi tối ngủ lại thị trấn Hoà Bình, sáng sớm hôm sau, tôi, anh Hoa và anh Thành thuê 3 xe ôm Minxkhơ chở vào Tam Hợp. Từ thị trấn Hoà Bình vào xã biên giới Tam Hợp chỉ có một tuyến đường rừng độc đạo, phải vượt qua rất nhiều đoạn cua, đèo dốc  nguy hiểm, nhiều lần xuống đẩy xe và 2 lần phải cởi cả quần dài để lội qua suối. Quãng đường chưa đầy 20km, nhưng phải hơn 3 tiếng đồng hồ chúng tôi  mới đến được đồn biên phòng 551 Tam Hợp.  

 

Lần đầu đến với một địa bàn biên giới xa xôi cách trở, cảm hứng mới mẻ quên hết mệt nhọc nên chỉ trong một buổi chiều và tối hôm đó, chúng tôi đã thực hiện được 2 phóng sự ngắn về hoạt động của các chiến sĩ Biên phòng Tam Hợp và các giáo viên miền xuôi lên đây “cắm bản”.  Sáng sớm ngày thứ 3, chúng tôi mới cuốc bộ khoảng vài km vào bản để tìm đến nhà ông Viêng Văn Thành, nhân vật chính của phóng sự mà chúng tôi dự định làm. Nhà ông Thành ở dưới chân núi, bên cạnh một con suối và xung quanh có khá nhiều diện tích đất bằng khai hoang có thể trồng được lúa nước. Thế nhưng, trước đây, vùng đất này chỉ để bỏ hoang, cây dại mọc um tùm. Kể từ khi ông Thành nghĩ ra được cách dùng ống bương bắt qua khe suối, dẫn nước về được chân ruộng thì nhà ông và một số gia đình khác trong bản mới có thể trồng được cây lúa nước. Thật may mắn, thời điểm chúng tôi lên đúng thời vụ gia đình ông đang cấy lúa. Với bà con dân tộc Tàypoọng và nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác thì tập quán lâu nay chủ yếu là gieo lúa nương, lúa rấy. Còn việc cấy lúa nước thời kỳ đó còn xem là mới mẻ. Câu chuyện sáng tạo này của ông được chúng tôi ghi lại rất chi tiết, và chúng tôi cũng không quên ghi hình phỏng vấn ông Thành. Công việc hoàn thành trong suốt buổi sáng với sự tham gia nhiệt tình của cả gia đình ông.

 

Trước khi ra về, gần 12h trưa, trời nắng nóng, nhưng tôi vẫn cố gắng leo lên lưng chừng ngọn núi trước mặt để quay bằng được một cảnh toàn rộng cả khu vực thung lũng mà ông Thành và một số hộ dân trong bản trồng lúa nước. Trên là rừng già, dưới là những thửa ruộng lúa xanh ngắt. Việc ông Thành “bắt” được nước suối chảy ngược, khai hoang trồng được  lúa nước, hướng dẫn cho bà con trong bản cùng trồng không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn góp phần hạn chế tập tục đốt nương làm rẫy, giữ được rừng. Về sau, đây là cảnh kết của phóng sự sau cảnh cận gương mặt cuời rạng rỡ của ông Thành, được chủ tịch Liên hoan Vũ Văn Hiến - hồi đó còn là Phó TGĐ Đài THVN  rất khen khi xem phóng sự.

 

Trở về Vinh, với những chất liệu trong tay, chúng tôi đã có thể dựng được một phóng sự ngắn về tấm gương của ông Thành. Thế nhưng, anh em ngồi suy tính, vẫn thấy còn thiếu, vì chúng tôi mới chỉ quay được cảnh ông Thành dẫn nước về ruộng, cấy lúa. Nhưng, liệu việc làm đó có thực sự đem lại hiệu quả hay không? Vậy là chúng tôi quyết định giữ kín tư liệu, giữ liên lạc với các anh ở đồn biên phòng Tam hợp, chờ hơn 3 tháng sau, khi lúa đến kỳ thu hoạch chúng tôi trở lại với Tam hợp. Lần này, chúng tôi đã quay được cảnh cả gia đình ông Thành thu hoạch lúa trong niềm vui phấn khởi. Tuy nhiên, năng suất lúa không cao, trong hình ảnh quay được có cả những cảnh bông lúa lép hạt. Sự thật đó, chúng tôi vẫn dựng và nêu trong lời bình phóng sự. Sau đó, trích lời của ông Thành thú nhận là làm lúa nước nhưng ông và các hộ đồng bào khác hồi đó đều không bón bất cứ một loại phân nào, giống như tập quán gieo lúa rẫy trước đây, bởi vậy năng suất lúa không cao. Chính những chi tiết của lần quay thứ 2, chúng tôi dựng ở phần sau của phóng sự đã thuyết phục  Ban giám khảo, không chỉ bởi sự công phu (2 chuyến đi cho 1 phóng sự 4 phút), mà bởi tính chân thực, có phần dí dỏm đó.

 

Sau khi đạt giải Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2000, năm 2001, phóng sự “Ông Thành lúa nước” còn đuợc Trao giải B Giải báo chí quốc gia viết về những gương điển hình trong công cuộc đổi mới đất nước do Hội đồng thi đua khen thưởng Nhà nước và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Lần trao giải này, anh Bùi Sĩ Hoa ra Hà Nội nhận còn được VTV1 phỏng vấn, rất vinh dự cho những người làm báo địa phương như chúng tôi.

 

(Trần Ngọc)