Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Lũ kinh hoàng ở miền Tây Nghệ An - đâu là nguyên nhân?

09:02, 30/06/2011
Cơn bão số 2 với lượng mưa lớn gây ra một đợt lũ ống, lũ quét trên thượng nguồn sông Cả và sông Hiếu vừa qua đã để lại những thiệt hại nặng nề cho huyện Kỳ Sơn và một số huyện vùng cao của tỉnh. Thiên tai thật bất ngờ hay đây là hậu quả được báo trước do những hành động tàn phá thiên nhiên của chính con người.

 

Đến hôm nay, người dân trên địa bàn vẫn chưa hết bàng hoàng về sự tàn phá khủng khiếp của mưa lũ. Thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong nháy mắt, đã có 01 người chết, 3 người mất tích và 02 người bị thương. 37 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 2.200 ngôi nhà bị ngập. 130 gia đình ở Kỳ Sơn, Tương Dương sau cơn lũ trở về chỉ còn lại cái nền nhà và vườn tược tan hoang. Hơn 60 phòng học bị trôi hoặc đổ sập, 37.450m đường giao thông bị sạt lở, bị cuốn trôi, gần 9.000ha lúa, hơn 10.000ha hoa màu các loại bị ngập; tổng thiệt hại ước tính là 1.086 tỷ đồng, bằng hơn 1/5 tổng nguồn thu của tỉnh Nghệ An trong năm 2010. Việc khắc phục hậu quả do cơn báo số 2 để lại sẽ còn phải rất lâu dài và tốn kém nhiều tiền bạc của nhà nước và người dân.

 

Sau cơn lũ, nhiều hộ dân ở TT Mường Xén, Kỳ Sơn đã phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất (Ảnh: Trần Lan Anh)

 

Ngay trong cơn lũ quét hung dữ, chính quyền các cấp tại các địa phương đã khẩn trương tổ chức lực lượng giúp dân hạn chế thiệt hại về người và của. Nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành đã về ngay các vùng bị thiệt hại nặng nề, kịp thời động viên tinh thần, giúp đỡ vật chất cho bà con, chỉ đạo cấp ủy chính quyền cơ sở tập trung các giải pháp giúp nhân dân sớm gượng dậy ổn định sản xuất và đời sống. Trong hoạn nạn đã có biết bao tấm lòng chia sẻ khó khăn cùng bà con; biết bao tấm gương cán bộ, viên chức để lại việc nhà cho người thân, vượt qua khó khăn nguy hiểm để cứu người, tài sản của dân và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

 

Những ngày qua, tất cả mọi nỗ lực đang dồn hết cho việc khắc phục hậu quả cơn bão. Nhưng một vấn đề đã sớm trở thành nỗi day dứt đối những người cả nghĩ. Đó là vì sao thiên tai ngày càng trở nên hung dữ và khó lường hơn? Mưa bão năm nay đến quá sớm. Vì sao chỉ một cơn mưa lớn đã gây nên lũ ống, lũ quét khủng khiếp, để lại những thiệt hại nặng nề đến vậy?

 

Và con chữ càng trở nên khó khăn đối với trẻ em vùng cao này...

                                                                                   (Ảnh: Trần Lan Anh)

 

Ngoài những vấn đề về biến đổi khí hậu toàn cầu, chỉ với suy nghĩ bình thường, người ta đã có thể cắt nghĩa được một số nguyên nhân gây nên lũ quét. Diện tích rừng đầu nguồn bị thu hẹp quá nhanh. Việc khai thác quặng vàng, quặng thiếc một cách tùy tiên bằng cách thức từ có giấy phép tới trái phép, từ thủ công đến cơ giới hóa nhiều năm nay đều góp phần dẫn đến hậu quả này. Không chỉ từ trên các triền núi, khe suối đầu nguồn mà ngay cả giữa những dòng sông như sông Quàng, sông Hiếu, sông Nậm Mộ, sông Cả bao năm nay đều bị đào xới ngổn ngang để tìm vàng. Những dòng sông trong xanh, hiền hòa là nguồn nước mát lành nuôi dưỡng sự sống của các bản làng giờ chỉ còn trong ký ức. Giờ đây nó là dòng chảy nghẹn ngào giữa những cồn đá, cồn cát mà các tàu khai thác vàng để lại. Nước lũ về, dòng chảy ngầu đục bùn đất, hung dữ và biến đổi khó lường. Những đoạn đường của tuyến Quốc lộ 7, Quốc lộ 48 dọc triền sông Cả, sông Hiếu liên tục bị sạt lở, gây ách tắc giao thông sau mỗi mùa mưa lũ lại là điều không mấy khó hiểu. Thiên tai đã không phải chỉ là do trời!?

 

Nhiều người dân trong huyện Kỳ Sơn còn nhớ, năm 2007, khi huyện triển khai dự án mở 12km đường tránh thị trấn dọc theo tả ngạn sông Nậm Mộ. Thay vì phải chở hàng vạn mét khối đất đá từ việc bạt núi đi nơi khác, người ta đã gạt tất cả xuống lòng sông Nậm Mộ vốn đã rất hẹp và dốc. Hậu quả là đến hôm nay, hơn trăm ngôi nhà của người dân bên hữu ngạn sông bị cuốn trôi vì lũ dữ là điều dễ hiểu.

 

Hy vọng rằng, với sự chung tay của cộng đồng, các huyện miền Tây Nghệ An sẽ sớm khắc phục được hậu quả bão số 2 và tìm ra căn nguyên của sự tàn phá kinh hoàng này. (Ảnh: Nguyễn Như Khôi)

 

Đành rằng, mưa bão là việc của trời, nhưng nếu sự chủ động “4 tại chỗ” của chính quyền, các ngành, các cấp tại cơ sở được phát huy tốt hơn thì chắc sẽ không dẫn tới hậu quả nặng nề như hôm nay. Trách nhiệm của chính quyền cơ sở thế nào khi hàng trăm ngôi nhà dân được dựng lên bên sông suối, nhiều nguy hiểm đã từ lâu mà không được nhắc nhở và kiên quyết buộc phải di dời? Có hay không việc chính quyền địa phương bảo kê cho các cơ sở khai thác khoáng sản trái phép? Có hay không việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chủ động phòng chống thiên tai tới người dân chưa đúng mức; để dân dễ chủ quan, khinh suất, dẫn đến thiệt hại, trắng tay chỉ sau một cơn lũ ?

 

Giờ đây, việc tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão số 2, giúp bà con vùng lũ sớm ổn định sản xuất và đời sống đang là vấn đề được tập trung hàng đầu của cấp ủy chính quyền các cấp từ tỉnh tới cơ sở. Song xác định đúng nguyên nhân sâu xa gây nên lũ dữ để quyết liệt có những giải pháp khắc phục, nhằm hạn chế tối đa hậu quả của thiên tai là một vấn đề không kém phần quan trọng, cấp thiết. Bởi chỉ có thể như vậy, chúng ta mới hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra cho con người trên mảnh đất vốn khắc nghiệt này. Tất cả vấn đề quan trọng ấy phụ thuộc vào trách nhiệm cao nhất của những người là công bộc của dân, vì cuộc sống yên bình của nhân dân.

 

(Nguyễn Như Khôi)