Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tờ đơn... thoát nghèo: Chuyện vui ở bản nghèo

15:12, 07/04/2014
(truyenhinhnghean.vn) Trước chính sách hỗ trợ người nghèo của Đảng và Nhà nước, một bộ phận người dân nghèo đã nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không chịu cố gắng thoát nghèo. Tuy nhiên, ở một địa bàn vùng sâu của Huyện miền núi Con Cuông, 14 hộ dân nghèo của xã Thạch Ngàn đã mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và nỗ lực lao động sản xuất để thoát nghèo bền vững, tạo

 

Mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ bản Thạch Tiến, xã Thạch Ngàn, huyện miền núi Con Cuông, câu chuyện mà các Đảng viên vẫn thường xuyên đề cập là làm sao để nhân dân nhanh chóng thoát nghèo. Nhưng câu chuyện ấy vẫn thường kéo dài suốt từ kỳ sinh hoạt này sang kỳ sinh hoạt khác, từ năm này sang năm khác. Và đã đến lúc nhân dân Thạch Tiến cần một cú huých để vực dậy phong trào phát triển sản xuất nơi đây. Ông Lưu Đình Ấn, một Đảng viên gương mẫu trong chi bộ đã mạnh dạn để xướng: Một đảng viên cần có ý chí vươn lên, tự lực, đừng dựa vào sự ưu ái của nhà nước. Cho nên ta cần vận động mọi người dân. Tôi sẽ xung phong rút hộ nghèo trước. Rồi vận động mọi người dân trong chi bộ ta càng ngày càng rút khỏi hộ nghèo để xây dựng bản ta tự lực vươn lên xóa nghèo.

 

Những tờ đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo của bản Thạch Tiến, xã Thạch Ngàn, Con Cuông

 

Sau gần 30 năm ông Ấn cùng mấy chục hộ dân của xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc lên đây tham gia xây dựng kinh tế mới, đời sống của nhân dân bản Thạch Tiến nói riêng, xã Thạch Ngàn nói chung vẫn chưa thay đổi được là bao. Ông là hộ nghèo trong bản, gia đình ông càng khó khăn hơn khi cả 2 vợ chồng tuổi đã cao, con cái thì có người đã đi trước cả bố mẹ bởi di chứng quái ác của chất độc màu da cam, người còn cũng chẳng được lành lặn. Viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, gia đình ông mất đi những quyền lợi được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Nhưng với ông Lưu Đình Ấn, chỉ có việc làm này mới là động lực để cả gia đình dồn sức phấn đấu thoát nghèo và hơn thế là làm cho dân bản Thạch Tiến đồng tình noi theo để vươn lên. Bí thư chi bộ bản Thạch Tiến, ông Võ Đình Quát cũng cho rằng: “Đây là một vấn đề giáo dục người dân chống trông chờ, ỷ lại và là một động lực rất mạnh mẽ cho công tác xóa đói giảm nghèo ở xã nhà nói chung và thôn bản nói riêng”.

 

Với ông Lưu Đình Ấn, mặc dù đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng có lẽ cũng bởi là người từng nếm trải những mất mát hi sinh khi từ chiến trường trở về, ông đã hạ quyết tâm vượt qua một cuộc chiến mới: cuộc chiến chống đói nghèo trên vùng đất Thạch Ngàn. Lúc bấy giờ, tài sản lớn nhất mà gia đình ông có là một con bò. Ông bà quyết định bán bò để có vốn phát triển sản xuất. Nghĩ sao làm vậy, cơ nghiệp của ông bắt đầu được gây dựng. Dăm bảy luống ngô, một mảnh vườn mía đã được hình thành. Tuổi đã cao, lao động trong gia đình sức khỏe kém, nhưng bù lại, sự chịu khó, cần cù của ông, của vợ con ông đã được đền đáp. Một tuần, một tháng khai hoang không xong, ông làm cả năm. Cứ như vậy, những ruộng ngô, đồi mía xanh mướt đã bắt đầu thế chỗ cho những vùng đất hoang trước đây. Có ai vui được niềm vui như ông khi đã chứng minh được cho mọi người thấy rằng: chỉ có lao động, lao động mới có thể giúp thay đổi cuộc sống.

 

Bên chiếc chõng tre trước hiên nhà, đã nhiều lần ông Ấn nói với bà con chòm xóm: thoát nghèo không khó, chỉ khó là có chịu thoát nghèo hay không thôi. Và cứ như một tuyên truyền viên, từ ngày này sang ngày khác, người đảng viên gương mẫu ấy đã thổi ngọn lửa quyết tâm trong cộng đồng dân cư bản Thạch Tiến. Kể ra, những điều ông Ấn nói làm ai cũng phải suy ngẫm, bởi cho cùng, chẳng hay hớm gì khi cuộc sống cứ mãi đói khổ, cứ trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước quanh năm, suốt tháng. Dân bản Thạch Tiến là những người đầu tiên đã nhận ra vấn đề này. Vậy là họ bắt đầu làm theo ông. Một hộ, hai hộ, rồi ba hộ, tờ đơn xin ra khỏi hộ nghèo đã được chuyển về ban quản lý bản, về tới trụ sở UBND xã. Kèm theo đó là những giọt mồ hôi lao động của những công dân tiến bộ để tới hôm nay, bản làng đã có những đổi thay đáng kể.

 

Bản Thạch Tiến đã nhân rộng mô hình xin ra khỏi hộ nghèo để thoát nghèo bền vững

 

Đảng bộ xã Thạch Ngàn không khỏi tự hào bởi đã có những công dân gương mẫu đầu tiên dám hi sinh quyền lợi của mình vì công cuộc xóa đói giảm nghèo. Ý tưởng nhân rộng mô hình xin ra khỏi hộ nghèo đã được nhân rộng. Trao đổi với người đồng chí trẻ tuổi của mình - Bí thư Đảng ủy xã, ông Lưu Đình Ấn cho rằng cần phải nhân rộng những mô hình kinh tế điểm tại địa phương để nhân dân học tập và làm theo trước đã.

 

Năm 2013, nhiều mô hình kinh tế điểm trên địa bàn toàn xã đã được hình thành. Trưởng Bản Kẻ Gia, ông Vi Văn Hai là một điển hình. Bằng các chủ trương chính sách vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, ông đã phát triển diện tích rừng keo của mình lên tới 12 hecta. Và ở một địa bàn xa nhất của xã Thạch Ngàn, người dân đã bắt đầu được nhìn thấy khu kinh tế trang trại tổng hợp của ông Hai, lớn mạnh và hứa hẹn phát triển tốt.

 

Không có điều kiện để phát triển sản xuất như những hộ dân khác, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Khai và bà Lữ Thị Toán ở bản Kẻ Gia vẫn quyết định rút khỏi danh sách hộ nghèo. Ông bà nghĩ, người ta làm được nhiều thì mình làm được ít. Gia đình ông bà có con cái đã trưởng thành, nhiều bàn tay lao động sẽ đẩy lùi được nghèo đói. Trưởng bản Vi Văn Hai cho biết: “Đương nhiên hộ nghèo ở bản Kẻ Gia Chúng ta đang còn nhiều, cho nên là bản lấy tinh thần tự giác ra khỏi hộ nghèo. Bà Toán với ông Khai mạnh dạn, đã tự nguyện viết đơn, sau khi tập hợp lại, đã tuyên bố giữa cuộc họp dân là xin ra khỏi hộ nghèo. Từ đấy làm ổn định tình hình về vấn đề tranh chấp hộ nghèo. Đời sống người dân tương đối ổn định, có nhiều hộ gia đình đã làm được như tôi và đang làm”.

 

 
Để thoát nghèo, bản Thạch Tiến đã ứng dụng và triển khai nhiều mô hình kinh tế
 

Một phong trào phát triển sản xuất đã được đẩy mạnh tại địa bàn xã Thạch Ngàn, huyện miền núi Con Cuông. 14 lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của những công dân gương mẫu như thổi một luồng gió nhận thức mới về nơi bà con nhân dân còn đói khổ. Gia đình nào còn đất thì tiếp tục khai hoang, gia đình nào đã khai hoang rồi thì tiếp tục tập trung phát triển chăn nuôi. Sản lượng lương thực, gia súc, gia cầm ở xã Thạch Ngàn tăng lên một cách nhanh chóng, nhiều gia đình từ chỗ nghèo khó đã vươn lên khá giả. 42% hộ nghèo giảm xuống còn 32.5% trong năm 2013. Con số này có thể chứng minh được sự đổi thay nhanh chóng của xã nghèo Thạch Ngàn.

 

Ông Võ Đình Thành - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn vui mừng cho biết: Nhân dân đã thi đua lao động sản xuất, đã tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Đặc biệt, trước đây xã Thạch Ngàn là xã có diện tích đất bỏ hoang tương đối nhiều, nhưng cho đến giờ, đi từ đầu xã đến cuối xã rất xa, nhưng các điểm nhỏ lẻ, thì hiện nay dân đã tận dụng hết tất cả diện tích để canh tác, với mục tiêu tiếp tục xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn sắp tới đây.

 

Cộng đồng dân cư sinh sống tại xã Thạch Ngàn bao gồm 3 thành phần dân tộc là Thái, Kinh và Đan Lai. Đặc điểm về mặt xã hội này tạo nên không ít khó khăn cho đảng bộ và chính quyền xã miền núi này trong việc thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, một sợi dây liên kết trong lao động sản xuất, trong đời sống đã được hình thành bởi quyết tâm xóa đói giảm nghèo của người dân, bắt đầu từ những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của người Kinh, rồi người Thái. Điều đáng ghi nhận ở đây là phần lớn đồng bào sinh sống trên địa bàn đã đoàn kết để học hỏi nhau, để thi đua lao động xây dựng cuộc sống mới. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chủ trương xóa đói giảm nghèo của nhà nước đã được loại trừ dần. Ông Vi Xuân Giáp - Bí thư huyện ủy Con Cuông đã nói: 14 hộ vừa rồi, chúng tôi cũng vào kiểm tra rồi, thấy họ có đủ điều kiện, thu nhập để thoát nghèo rồi, thoát nghèo bền vững đấy. Vì họ thoát nghèo từ khai thác đất đai của họ. Từ chỗ đó, chúng tôi đã chuẩn bị phương án mở hội nghị giữa nhiệm kỳ để sơ kết lại đề án giảm nghèo của huyện. Sau đó, đưa các điển hình này để tuyên truyền trong hội nghị, để sau đó, chúng ta có một phong trào vươn lên tự xóa đói giảm nghèo, và nếu đủ điều kiện thì tự nguyện rút ra khỏi hộ nghèo, để nhường lại quyền lợi, chính sách đó cho người nghèo khác ở trên toàn huyện.

 

 

Giờ đây, đảng viên Lưu Đình Ấn đã có thể tự hào với đội ngũ cán bộ của thôn, của xã khi họ về thăm gia đình ông. Chừng ấy diện tích khai hoang là công sức và mồ hôi lao động của một gia đình cựu chiến binh gương mẫu, dám xung phong đi đầu trong trận chiến mới: trận chiến chống đói nghèo lạc hậu. Chuyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo của gia đình ông và 14 hộ nghèo của xã Thạch Ngàn chưa phải là câu chuyện lớn, mà câu chuyện lớn ở đây là một chân lý đã được đã số đồng bào xã vùng sâu Thạch Ngàn, huyện Con Cuông đúc rút: thoát nghèo không khó, cái khó hơn là có chịu thoát nghèo hay không.

 

(Ngọc Dũng)