Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đảng viên "Vượt rào" vi phạm chính sách dân số

11:56, 15/03/2014
Khi đảng viên vi phạm chính sách dân số KHHGĐ ngoài việc giảm uy tín của chính bản thân người cán bộ, còn làm ảnh hưởng đến tổ chức đảng, tạo nên tiền lệ xấu , tác động không nhỏ đến suy nghĩ, hành động của quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, thực hiện chính sách dân số KHHGĐ.

 

Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng cho đến thời điểm này, Nghệ An vẫn là một trong số những tỉnh, thành có mức sinh cao của cả nước. Trong 2 năm (2012, 2013), tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đều ở mốc trên dưới 18% tổng số trẻ em được sinh ra trong toàn tỉnh. Điều đáng nói, mỗi năm vẫn có hàng trăm đảng viên vẫn bấp chấp các hình thức kỷ luật để “vượt rào”. Thậm chí, có rất nhiều trường hợp, đảng viên vi phạm là những cán bộ lãnh đạo Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp.

 

Đảng viên phải là người gương mẫu, tiên phong trong mọi phong trào, vì vậy, khi đảng viên vi phạm chính sách dân số KHHGĐ ngoài việc giảm uy tín của chính bản thân người cán bộ, còn làm ảnh hưởng đến tổ chức đảng, tạo nên tiền lệ xấu , tác động không nhỏ đến suy nghĩ, hành động của quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, thực hiện chính sách dân số KHHGĐ.

 

Theo chân những người làm công tác dân số huyện Đô Lương, chúng tôi đến dự một buổi họp kiểm điểm cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số KHHGĐ của chi bộ văn phòng UBND xã Tân Sơn, huyện Đô Lương. Hai trường hợp vi phạm đều là những cán bộ có thâm niên công tác, nhiệt tình trong công việc. Riêng trường hợp chị Trần Thị Hoa Mai còn là đảng ủy viên. Ngay sau khi sinh con thứ 3, chị Mai đã tự nguyện viết đơn xin rút khỏi Đảng ủy viên và chấp nhận mức xử lý của đảng ủy xã là khiển trách và hạ 1 bậc lương. Tâm sự với chúng tôi, chị Mai Hoa cho biết: “Thực ra tôi cũng biết việc một đảng ủy viên, một cán bộ văn phòng UBND xã mà vi phạm chính sách dân số thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của bản thân, cũng như ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền chính sách dân số KHHGĐ của Đảng, Nhà nước. Thực sự thì tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều nhưng cũng vì hoàn cảnh gia đình nên phải chấp nhận ”

 

Cũng vì lý do “hoàn cảnh gia đình” mà trường hợp gia đình anh Đức, chị Thúy ở tại khối 250, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa đã quyết định sinh thêm con thứ 3. Tuy nhiên, không thỏa ước nguyện kiếm thằng cu nối dõi, cách đây 6 tháng, gia đình anh chị lại đón thêm một cô con gái nữa. Anh Phạm Công Đức là đảng viên sinh hoạt tại chi bộ khối. Là người năng nổ, nhiệt tình với công việc tập thể, nên anh Đức rất hiểu những ảnh hưởng không tốt đối với chi bộ, đảng bộ cũng như khu dân cư. Biết thì vẫn biết, nhưng cố thì vẫn phải cố. Tất cả cũng chỉ vì một lý do nhạy cảm: anh là con trai trưởng.

 

Chị Thúy vợ anh Đức nói với chúng tôi: “Anh nhà mình là con trưởng, nên cũng phải cố để cho được thằng cu. Biết là ảnh hưởng đến khối, đến chi bộ nhưng mọi người cũng thông cảm cho gia đình”. Với suy nghĩ “cố kiếm con trai” như thế, không biết rồi sau này, khi chưa thỏa ước nguyện có thằng cu nối dõi, gia đình anh Đức chị Thúy có còn tiếp tục “cố” nữa hay không, chỉ biết rằng hậu quả rõ nhất là đảng bộ phường Quang Tiến đã mất danh hiệu TSVM tiêu biểu, một danh hiệu được tập thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nỗ lực gìn giữ 5 năm liền.

 

Chị Thúy ở tại khối 250 phường Quang Tiến thị xã Thái Hòa

 

Theo số liệu thống kê từ chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, năm 2012, Nghệ An có 470 cán bộ đảng viên vi phạm chính sách dân số. Đến tháng 10/2013, có trên 406 cán bộ, đảng viên vi phạm (số liệu thống kê chưa đầy đủ). Trong đó, 246 đảng viên vi phạm là cán bộ. Trước thực trạng này, để nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, ban thường vụ tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị số 09 về công tác DS-KHHGĐ. Theo đó, đối với các tổ chức cơ sở đảng có cán bộ, đảng viên vi phạm thì không xếp loại trong sạch vững mạnh. Đối với đảng viên, ngoài việc xử lý theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo vi phạm phải kiểm điểm trước cấp ủy cấp trên trực tiếp và làm đơn đề nghị rút tên khỏi chức danh lãnh đạo hoặc xem xét thuyên chuyển vị trí công tác khác. Cấp ủy không đưa vào xem xét quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo trong 5 năm đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm; nếu có trong quy hoạch thì đưa ra khỏi quy hoạch chức danh hiện tại. Ngoài ra, theo quyết định 76 của UBND tỉnh, việc xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm được thực hiện theo bản cam kết đã ký với cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương. Để gắn trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện chính sách, Tỉnh đã quy định: Tập thể và cá nhân Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thành viên thuộc cấp quản lý trực tiếp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ thì bị hạ loại thi đua và không xem xét danh hiệu đơn vị văn hoá trong năm có vi phạm.

 

Quy định thì đã rõ. Tuy nhiên trên thực tế, theo phản ánh của UBKT các đảng ủy khối, UBKT các huyện ủy, thì hình thức xử lý đảng viên khi vi phạm chỉ bị khiển trách nên chưa thực sự đủ sức răn đe. Nhiều chi bộ, đảng bộ cơ sở còn bao che, dấu diếm, hoặc không nắm được các quy định cụ thể nên chậm xử lý. Cụ thể, theo thống kê của Chi cục DSKHHGĐ tỉnh, nhiều địa phương chỉ mới xử lý được khoảng 18-20% số đảng viên vi phạm. Cả tỉnh mới chỉ xử lý được trên 50% số đảng viên vi phạm. Chính vì vậy, số đảng viên vi phạm ở nhiều đảng bộ, chi bộ đang có xu hướng tăng. Cụ thể tại đảng ủy các cơ quan cấp tỉnh, không chỉ tăng về số lượng đảng viên vi phạm mà còn tăng ở số đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo như phó, chánh thanh tra; phó trưởng phòng….

 

Cụ thể như tại đảng bộ CCQ tỉnh, năm 2012 số đảng viên vi phạm là 12 người thì sang năm 2013 con số vi phạm tăng lên 20 người. Tại đảng ủy doanh nghiệp, qua nắm bắt sơ bộ, số đảng viên vi phạm chính sách dân số bị xử lý kỷ luật chiếm gần 30% tổng số đảng viên bị kỷ luật của đảng ủy. Từ cuối năm 2012, thời điểm thực hiện chỉ thị 09 của ban thường vụ tỉnh ủy đến nay, đảng bộ doanh nghiệp có 8 đảng viên vi phạm. Mặc dù vậy, theo phản ánh của UBKT đảng ủy, thì đây chưa phải là con số chính xác. Bởi đặc thù công việc của các đảng viên ở các công ty, doanh nghiệp thường phân tán nên rất khó để nắm bắt, quản lý chặt chẽ.

 

Bên cạnh đó, trên thực tế, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, những quy định chưa chặt chẽ về việc vi phạm chính sách dân số, nhiều cặp vợ chồng vẫn có thể lách luật bằng các hình thức như giả vờ ly hôn, xác nhận đứa con đã sinh trước đó bị dị tật, thiểu năng về trí não, mắc các bệnh trong danh mục cho phép sinh con thứ ba, hoặc làm thủ tục nhận con nuôi…

 

Theo phản ánh của các tổ chức cơ sở đảng, các quy định về hình thức xử lý đối với đảng viên vi phạm chính sách dân số hiện nay vẫn rất khó “làm nghiêm” trên thực tế. Cụ thể, nếu đảng viên vi phạm không giữ chức vụ hoặc không nằm trong quy hoạch thì việc xử lý chỉ là khiển trách và thuyên chuyên công tác. Nhưng không phải đơn vị, cơ quan nào cũng có thể thực hiện được điều này. Mặt khác, việc ký cam kết về bản chất là tự nguyện, kể cả việc đảng viên vi phạm phải viết đơn xin thôi giữ các chức vụ lãnh đạo theo quy định cũng là cá nhân tự nguyện làm đơn. Việc xử lý dựa trên cơ sở tự nguyện, tự giác nên trong thực tế, rất nhiều đảng viên không phát huy hết tinh thần tự giác, tự nguyện này. Cụ thể theo đồng chí Nguyễn Văn Sâm, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy CCQ tỉnh cho biết thì từ khi làm công tác kiểm tra hàng chục năm nay, các trường hợp đảng viên trong đảng bộ vi phạm chính sách dân số hầu hết chỉ làm đơn xin rút khỏi các chức vụ lãnh đạo bên công tác đảng như cấp ủy viên chứ chưa bao giờ thấy người vi phạm xin rút khỏi chức vụ lãnh đạo bên chuyên môn. Cũng vì thực tế như vậy mà  theo đồng chí  Lưu Đức Trọng, chủ nhiệm UBKT đảng ủy khối Doanh nghiệp Nghệ An thì rất cần những quy định rõ ràng, nghiêm khắc hơn. Bởi một khi, đảng viên không gương mẫu thì rất khó để nêu gương cho quần chúng.

 

Không thể phủ nhận những quy định cụ thể về việc xử lý đảng viên vi phạm, đặc biệt là Chỉ thị 09 của BTV tỉnh ủy Nghệ An, đã góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu đối với cơ quan, đơn vị có người vi phạm chính sách dân số. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn rất cần những quy định cụ thể, những hình thức xử lý tăng nặng và nghiêm minh hơn. Bởi việc cố tình vượt rào sinh con thứ 3 trở lên của mỗi đảng viên đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của quần chúng nhân dân, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ của Đảng, Nhà nước ta./.

 

 

(Hoa Mơ)