Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

60 năm, một Điện Biên lẫy lừng

17:25, 03/05/2014
Ngày 7/5/1954 đã trở thành con số vô giá trong ký ức của những cựu binh quê hương xứ Nghệ cũng như các CCB từng chiến đấu trên chiến địa Điện Biên Phủ năm xưa. Vượt qua khoảng cách địa lý gần 700 km, bất chấp cả những nhớ quên của thời gian 60 năm đằng đẵng, Nghệ An - Điện Biên dường như vẫn tồn tại một mối gắn kết vô hình, được bồi lắng bởi những con người, những số phận đã

 

Một số hình ảnh các CCB thăm chiến địa Điện Biên Phủ. Ảnh: PV

 

 

Những ngày cuối tháng Tư, tiếng gọi giục giã và sức hút kỳ lạ từ những câu chuyện về chiến địa bi hùng năm nao đã đưa chúng tôi đến quyết định: về với Điện Biên! Đại tá Nguyễn Đồng - Trưởng Ban liên lạc CCB Điện Biên Phủ ở TP.Vinh trở thành người “vẽ bản đồ” trong tâm tưởng chúng tôi qua biết bao câu chuyện chiến tranh thấm đẫm “máu và hoa”! Năm nay đã vào độ tuổi xưa nay hiếm, cuộc đời nhiều đoạn trường có chuyện nhớ, chuyện quên, nhưng một thuở thanh xuân sinh tử với chiến địa Điện Biên Phủ chưa bao giờ phai nhòa trong ký ức. 20 tuổi tròn, chàng trai của miền quê Nam Đàn giàu truyền thống cách mạng vinh dự được kết nạp vào Đảng, bắt đầu chuỗi thời gian kinh qua nhiều vị trí khác nhau ở xã, huyện và Tỉnh ủy Nghệ An. Năm 1950, ông lên đường nhập ngũ và được cử đi học tại Trường Lục quân khóa 6 tại Trung Quốc. Sau một năm miệt mài học tập, về nước, ông tham gia vào Đại đoàn 351 chuyên về công binh và pháo binh. 

Cùng đơn vị, ông tham gia chiến dịch Hòa Bình, Thượng Lào trước khi tất cả các cánh quân hội về Điện Biên Phủ tham gia chiến dịch. Và giây phút vỡ òa chiến thắng được khắc ghi trong trí nhớ già nua: “17h30’ ngày 7/5/1954, đơn vị nhận được tin báo địch đã đầu hàng, chúng tôi không ai bảo ai chạy lên đỉnh núi cao- nơi đóng quân của Đại đoàn, lấy ống nhòm nhìn về mặt trận. Cả cánh đồng Mường Thanh trắng xóa màu dù, quân ta hùng dũng bắt sống tù binh, còn một phía thì địch lố nhố xin hàng. Tất cả chúng tôi vỡ òa trong nước mắt hô vang: Chiến thắng. Đó là giây phút không bao giờ quên!”.
 
Mang theo những xúc cảm của người cựu binh xứ Nghệ, chúng tôi vượt hành trình gần 700 km tìm về Điện Biên trong chuyến xe đêm Vinh - Điện Biên. Chiến tranh đã lùi lại trong khoảng không xa vắng, giờ đây, Thành phố Điện Biên Phủ được xây dựng ngay trên chiến địa năm xưa đã nhộn nhịp những cung đường tít tắp và các khu dân cư rộng rãi. Thế nhưng, vẻ muôn màu đô thị vẫn không xóa nhòa cái chất hồn hậu, thân thiện của người dân xứ núi. Không quá khó để chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Ngọc Thứ, người con xứ Nghệ dũng cảm, cựu binh của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa ở tổ 14, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ). Quê gốc ở Diễn Hoàng (Diễn Châu).
 
Có lẽ ngay chính bản thân ông cũng không ngờ rằng, mảnh đất xa xôi cách quê hương hàng trăm km ấy sau này lại chính là nơi gắn bó suốt cả cuộc đời. Ký ức trở về qua giọng kể run run: Năm 1953, chàng trai 18 tuổi Phạm Ngọc Thứ gia nhập quân ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 6 tháng huấn luyện ở Phú Thọ, ông được bổ sung vào Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Lúc ông nhận lệnh về đơn vị, giai đoạn thứ nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ ngày 13 đến 17/3/1954) của quân ta đã kết thúc với thắng lợi vẻ vang. Hàng loạt cụm cứ điểm của địch ở Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo thất thủ, cánh cửa phía Bắc xuống lòng chảo Điện Biên đã rộng mở. 
 
Tuy nhiên, phân khu trung tâm của địch vẫn còn 4 trung tâm đề kháng với trên 30 cứ điểm liên kết chặt chẽ với nhau nằm giữa cánh đồng bằng phẳng dọc hai bờ sông Nậm Rốm. Địch tập trung ở đây khoảng 10.000 quân, có Sở Chỉ huy, các căn cứ hỏa lực cực mạnh. Trong đó, đồi A1 là cứ điểm quan trọng nhất, có nhiệm vụ như là “tiền đồn” bảo vệ Sở Chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm nơi tướng Đờ Cát cùng Bộ tổng tham mưu đóng quân. Vì vậy, Pháp coi đồi A1 là “yết hầu” và tăng cường rất mạnh cho cứ điểm này cả về quân số lẫn khí tài. Đơn vị của ông Thứ trực tiếp tham gia trận đánh ở đồi A1.
 
Ròng rã một tháng trời, cuộc chiến giữa ta và địch tại đồi A1 giằng co, kéo dài, quyết liệt. Sau 4 đợt tấn công, quân ta vẫn chưa thể khuất phục được đồi A1, Trung đoàn 174 của ông Thứ nêu ý kiến đào đường hầm từ trận địa tới hầm ngầm cố thủ của quân Pháp và đặt bộc phá có khối lượng 1 tấn. “Công tác đào chiến hào và đào đường hầm hết sức bí mật. Chúng tôi phải khom đào, nằm đào, quỳ gối đào. Tất cả đất đều được lặng lẽ chuyển ra bên ngoài. Trận địa ngày càng vây kín quân giặc. Đến tối 6/5/1954, khối bộc phá được đặt vào vị trí, hồi hộp chờ đợi giây phút kích nổ, hạ đồi A1. Từng mét, từng mét chiến hào ở đồi A1 đều thấm đỏ máu đào của đồng đội tôi!”, đôi mắt ngấn lệ của người CCB già nua thoáng khép lại như có tiếc thương vô hạn day vào lồng ngực.
 
l Các CCB xúc động tìm lại tên các liệt sỹ quê Nghệ An tại Nghĩa trang liệt sỹ Đồi A1. Ảnh: T.D
 Các CCB xúc động tìm lại tên các liệt sỹ quê Nghệ An tại Nghĩa trang liệt sỹ Đồi A1. Ảnh: T.D
 
 
Dường như đã trở thành định mệnh, hai mảnh đất kiên trung Nghệ An và Điện Biên từ lâu đã có mối gắn kết khó giải nghĩa. Là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm cuộc đời của người Anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam- Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghệ An còn tự hào là mảnh đất đã sản sinh ra những người hùng áo vải, đóng góp không ít xương máu, chiến công cho sự thành công của Chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Dưới chân đồi A1 hôm nay, sự sống đã hồi sinh mạnh mẽ. Những triền đồi phủ bạt ngàn màu xanh cây lá, những ngôi nhà vững chãi và bình yên. Trong số nhiều ngôi nhà nằm ngay dưới chân đồi chứng tích ấy là ngôi nhà của CCB Trần Đình Đường- nhân chứng trực tiếp của trận đánh khốc liệt trên đồi A1 của 60 năm về trước.
 
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Đường cùng nhiều CCB khác quyết định lập nghiệp trên chính mảnh đất thấm đẫm hy sinh, mất mát và ngời sáng chiến công này. Xa xứ “nhút mặn dưa cà” Thanh Chương đã lâu, nhưng cái chất giọng thẳng thắn, ầm ào vẫn còn đặc trưng lắm! Ông cùng hai CCB quê Nghệ An khác là Dương Văn Lâm và Nguyễn Đức Sinh hiện đang sinh sống tại phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ), nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm lại chiến trường xưa. Đứng bên miệng hố bộc phá trên đồi A1, CCB Trần Đình Đường vẫn nhớ như in cái thời khắc quả bộc phá phát nổ: “Thời điểm đó, tôi đang ở Đồi Cháy, cách đồi A1 300m. Vào ngày 6/5, đơn vị nhận thông báo vào 20h30’, khi có một tiếng nổ lớn thì tất cả bộ đội ngoảnh mặt về phía Đông, miệng mở ra để tránh sức ép của khối thuốc nổ”.
 
Có lẽ, nếu không có những người đồng hành đáng quý ấy, những gì chúng tôi biết về Điện Biên Phủ cũng chỉ dừng lại ở những địa danh, những ngày tháng trong sách vở. Hôm nay, ở đây, trên chính mảnh đất này, những sự kiện và con người lần lượt hiện lên với tất cả vẻ bi tráng và khốc liệt của nó. Rời đồi A1, theo hướng dẫn của CCB Dương Văn Lâm, chúng tôi cùng các CCB theo cầu Mường Thanh mới bắc qua dòng Nậm Rốm, đi về hầm tướng Đờ Cát. Ông Lâm quê ở Hưng Châu (Hưng Nguyên), đi bộ đội năm 16 tuổi và làm việc ở Cục Quân giới ở miền Tây Nghệ An vào năm 1947. Công việc ở hậu cứ chưa thỏa chí đánh giặc cứu nước của chàng trai trẻ, năm 1951, ông xin ra chiến trường ở phía Bắc để trực tiếp đánh giặc và ông được điều về Trung đoàn 98, Đại đoàn 316.
 
Cùng đơn vị, ông tham gia Chiến dịch Tây Bắc, rồi Thượng Lào. Đến Tết 1953, đơn vị ông hành quân từ Xiêng Khoảng (Lào) về đón Tết ở Điện Biên, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính tại đây, những hồi ức về sự dữ dội của cuộc chiến đã khiến người đàn ông đi qua biết bao dâu bể trầm luân ấy không kìm được cảm xúc: “Đồng đội tôi, hết lớp này đến lớp khác hy sinh, vừa lao lên đã lại ngã xuống. Bởi vậy, giây phút cùng đơn vị nhận lệnh sang bắt hàng binh giặc tại hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát và tổ chức dẫn giải tù binh là kỷ niệm đặc biệt không bao giờ nguôi!”
 
Giờ đây, đứng trong hầm của vị chỉ huy tướng giặc, những người lính Cụ Hồ năm xưa đưa mắt nhìn quanh như muốn thu về trong trí nhớ của mình tất thảy những ký ức hào hùng của trận chiến. Ở nơi cách xa mảnh đất chôn rau cắt rốn Nghệ An đến gần 700 km, những người con lớn lên từ mạch nước dòng Lam đã trưởng thành một cách vững vàng và đầy tự hào.Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng ngàn người con xứ Nghệ đã vĩnh viễn an nghỉ trên nghĩa trang liệt sỹ đồi A1. Hàng trăm tấm bia chưa biết tuổi tên, lặng lẽ và bình yên đã bao ngày tháng. Chiều Điện Biên trong xanh vời vợi quá, màu xanh nhức nhối như một lời nhắn gửi: Hãy đừng quên, đừng bao giờ quên, dưới mỗi tấc đất chúng ta đi, là xương máu và chiến công của một thế hệ thanh niên đã ngã xuống để gìn giữ!
 
(Theo Báo Nghệ An)
­