Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Người thổi pí bản Khe Rạn

15:53, 22/04/2014
(truyenhinhnghean.vn) Bản Kền (Khe Rạn)- xã Bồng Khê nổi tiếng khắp các bản Thái ở Con Cuông nhờ có Câu lạc bộ dân ca có thành tích hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa dày dặn. Trong đó, Lương Văn Thắng nổi danh là một người thổi pí (sáo) và làm pí tầm nghệ nhân…

 

Đi qua cây cầu treo vắt ngang qua dòng Lam thơ mộng là tới bản Kền (thường gọi là bản Khe Rạn). Con đường đất nhỏ như dải thắt lưng vắt dài giữa bản với những mái nhà sàn ngan ngát. Đi bộ vòng vèo đoạn đường gập ghềnh trên sườn dốc đã thấy nhộn bên mé ngôi nhà sàn lũ trai bản nhóng cổ xem một người đàn ông khoảng 50 tuổi đang uốn đôi tay điệu nghệ trau chuốt cây pí (cách gọi nhạc cụ sáo của người Thái), vừa làm ông vừa giảng giải một cách say sưa. Chỉ vào người đàn ông, trưởng bản Vi Công Chương nói: “Ông Lương Văn Thắng là một người hiếm hoi trong bản Khe Rạn nói riêng và huyện Con Cuông nói chung có niềm say mê cây pí và còn chịu khó, tỉ mỉ bày vẽ cho lớp trẻ hiểu được nguồn gốc, giá trị của cây pí và các làn điệu dân ca Thái được thể hiện qua sử dụng cây pí”.

 

Ông Lương Văn Thắng - người thổi pí và làm pí tầm nghệ nhân ở bản Khe Rạn

 

Tôi đã từng được nghe truyền thuyết về nỗi niềm khóc than thương nhớ của chàng Khun Lú sau cái chết của người yêu là nàng Ủa, đã ám ảnh vào âm thanh cây pí mà cho đến giờ được coi là một nét độc đáo trong cái hồn văn hóa đồng bào Thái. Ông Thắng sinh ra trong lời ru và làn điệu lăm khắp, nhuôn xuối - đặc trưng văn hóa của người Thái. Ngay từ nhỏ, ông đã có nhiều năng khiếu văn nghệ. Cho đến tuổi theo các bạn, các anh trai bản đi tán gái, được nghe điệu pí các anh thổi, thì cũng chính làn Pí ấy đã thổi vào hồn ông, bắt nguồn một niềm đam mê không thể dứt về loại nhạc cụ giản dị này.

 

Bây giờ trong gian nhà đơn sơ của ông, các nhạc cụ của đồng bào Thái được bày một cách trân trọng; đặc biệt là các loại pí, có cả các kiểu sáo của các dân tộc khác do ông làm hoặc sưu tầm và ông đều sử dụng thành thạo. Ông Thắng cho hay: “Để làm được một cây pí thì phải kỳ công, quan trọng nhất là việc chọn cho được cây nứa (hoặc trúc) lóng vừa dài, nứa phải vừa già vừa mỏng thì làm thành pí âm của nó sẽ càng hay, càng vang. Khi chuốt gióng, khoét lỗ cũng là cả một quá trình đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì mà không phải ai cũng đủ khả năng để làm.

 

Một người thổi được pí thành thạo thì phải rất khổ luyện. Tiếng pí là tiếng lòng, là nỗi niềm, là tâm tình của người thổi. Chả thế mà các đôi trai gái Thái yêu nhau, cô gái có thể nhận ra đâu là tiếng pí của người yêu mình trong rất nhiều tiếng pí, và qua tiếng pí người nghe có thể cảm được tâm trạng của người thổi đang vui hay buồn. Người thổi được pí là người phải thật sự đam mê và hiểu dân ca vốn cổ dân tộc mình. Ông Thắng là người điển hình về tâm huyết lưu giữ, trao truyền vốn quý đó lại cho thế thệ sau”. Ông đã từng lang thang trên những khu rừng già hết cả ngày để tìm được cây nứa ưng ý về làm pí. Ông đã không quản bận rẫy nương để dành nhiều thời gian bày vẽ, uốn nắn cho bọn trẻ trong bản các làn điệu pí nhuôn, pí lăng… Có những mùa đi rẫy, mỗi ngày ông vác một bó nứa về nhà để tỉ mẩn lựa chọn, rồi hí húi chế tác ra những cây pí to nhỏ, pí 4 lỗ, pí 6 lỗ, pí Thái, pí Mông.... Số lượng pí ông làm tính hàng chục, hàng trăm cái, và làm xong ông lại đưa đi cho mọi người khắp trong bản, trong xã, chỉ mong họ nhận cho và nếu ai đó “mở lời” là ngay lập tức ông nhiệt tình dạy họ cách thổi pí. 

  

Ông Lương Văn Thắng đã chế tác ra những cây pí to nhỏ, pí 4 lỗ, pí 6 lỗ, pí Thái, pí Mông...

 

Hóng câu chuyện của “thầy Thắng”, em Vi Văn Quyết – sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, hôm nay được nghỉ về nhà ở bản Rạn, khoe: “Em được chú Thắng dạy cho cách thổi và làm pí, đến nay đã tự làm được pí và biết thổi nhiều làn điệu rồi. Nhờ thế nên trong học tập ở dưới trường em cũng tự tin hơn. Em rất tự hào về cây pí của dân tộc mình vì chính cây pí đã luôn nhắc nhở em rằng, văn hoá dân tộc mình đáng quý trọng và dáng học, đáng giữ gìn biết bao”.

 

Ông Lê Hoàng – Giám đốc Trung tâm dược huyện Con Cuông – một “cầm thủ” thổi sáo hay nhất miền Trà Lân, gọi là người tri  âm tri kỷ với ông Thắng trong việc giữ gìn và phát triển cây pí ở Con Cuông, tiếp chuyện: “Đến nay, những người dân tộc Thái biết thổi khèn, thổi sáo có không ít, nhưng những người biết làm chúng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những cây sáo do ông Lương Văn Thắng chế tác ra rất chất lượng, nhưng anh không làm để bán mà chỉ với lí do thỏa mãn đam mê, tâm huyết của bản thân đối với nhạc cụ dân tộc mình. Điều đó ở một người dân vốn quen việc rẫy nương nơi bản làng này thật đáng quý!”.

 

Niềm say mê cây pí của Lương Văn Thắng thật hồn nhiên, dường như ông không hề nghĩ từng ngày đang góp phần vào việc lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Lúc này cũng thế, không đợi chúng tôi yêu cầu, ông lại hồn nhiên: “Tôi thổi một bài nhà báo nghe xem có được không nhé!”; rồi ông nâng cây pí, khuôn mặt chợt sáng bừng, tiếng pí cất lên như gọi về trăng thanh, suối sâu, gió ngàn… chứng cho tình cảm, khát vọng buồn vui vủa con trai con gái, của bản của làng. Tiếng pí làm huyền ảo lên một chiều Khe Rạn vấn vít mù sương.

 

Pí của người Thái có nhiều loại. Mỗi loại có một âm thanh khác nhau:

Pí pặp đơn gồm 1 ống, có 6 lỗ và lưỡi gà bằng đồng, thường được các chàng trai thổi vào ban đêm thay cho đi chọc sàn với âm thanh vang lên trữ tình để cô gái cảm động rồi mở cửa cho vào nhà.

Pí pặp kép được ghép từ hai chiếc pí pặp đơn với nhau, được thổi vào buổi sáng sớm với giai điệu vui nhộn.

Pí thui có độ dài khoảng 1m, có 6 lỗ, không có lưỡi gà, được người Thái thổi với âm thanh du dương, đượm buồn để bày tỏ sự nuối tiếc cho mối tình đẹp của hai người yêu nhau say đắm nhưng không thành.

Pí tam lay được ghép lại từ 3 ống nứa, mỗi ống gồm 1 lỗ, được các chàng trai thổi gọi bạn gái vào lúc trăng sáng.

Pí loong tông gồm 2 lỗ, có lưỡi gà làm bằng tre, được  thổi vào những ngày mùa nhằm cổ vũ, động viên nhau hăng say lao động, sản xuất với giai điệu vui nhộn.

Pí cúng có 7 lỗ, lưỡi bằng đồng, có lỗ điều chỉnh để làm rè tiếng, được dùng để thổi liên tục từ đêm đến sáng cùng với tiếng cúng của thầy Mo đuổi tà ma khi trong nhà có người ốm đau.

 

(Kha Thường)