Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Điện Biên Phủ - Mốc son thời đại

09:21, 22/04/2014
(truyenhinhnghean.vn) 60 năm đã trôi qua nhưng âm vang những kỳ tích mà quân và dân ta làm nên trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, chiến lược linh hoạt, biến hóa của một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện vẫn mãi là niềm tự hào của người dân đất Việt hôm nay và cả những thế hệ sau này.

 

Trong cuốn “Dưới lá cở vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”, Tổng bí thư Lê Duẫn đã viết: Chiến thắng Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

 

Chỉ có những cựu chiến binh, những cựu thanh niên xung phong trực tiếp tham gia các trận đánh hoặc tham gia chi viện cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trong suốt 56 ngày đêm đó mới cảm nhận được hào khí, sự sục sôi và tinh thần bất tử của quân và dân ta. Một cuộc chiến tranh mà ngay từ khi bắt đầu, dưới ánh sáng của Đảng, sự lãnh đạo tài tình “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ huy táo bạo và óc thao lược quân sự của đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta đã xác định sẽ vô cùng gian khó nhưng nhất định sẽ thắng lợi. Một cuộc chiến tranh giữa một dân tộc có truyền thống yêu nước và cách mạng, nhưng vừa bước ra khỏi màn đêm đen tối của thời kỳ nửa thực dân phong kiến nghèo nàn, lạc hậu với một đế quốc vào thời điểm đó được xem là hùng mạnh và hiếu chiến nhất thế giới. Chính vì thế, để làm nên kỳ tích, để chiến thắng đế quốc Pháp hùng mạnh, vào thời điểm đó, Việt Nam không thể đọ sức bằng vũ khí, phương tiện tối tân. Mà phải là sức mạnh của lòng dân. Phải dựa vào sức dân, huy động tối đa sực mạnh đại đoàn kết, tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua bao thời kỳ lịch sử. Và chiến lược chiến tranh nhân dân hoàn toàn phù hợp với bối cảnh đất nước ta lúc bấy giờ.

 

Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ

 

Với sự hậu thuẫn và giúp đỡ có hiệu quả của các dân tộc, các tầng lớp nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, dân tộc ta vững tin bước vào cuộc kháng chiến thần thánh, một cuộc chiến được xem là không cân sức nhất trong lịch sử hiện đại của thế giới. Xác định được thế trận và những khó khăn phải đối mặt, Đảng ta, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định sẽ thực hiện cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Phải tự chủ về quân lực, huy động toàn dân tham gia và tấn công trên tất cả các mặt trân quân sự, chính trị, ngoại giao và binh vận.

 

Xuất phát từ chiến lược chiến tranh nhân dân, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã đoàn kết, đồng lòng đi theo cách mạng, cưu mang đùm bọc bộ đội. Hàng vạn thanh niên trong cả nước đã hăng hái xung phong lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Để có những trận đánh chắc, thắng chắc và làm chủ trận địa Điện Biên Phủ, quân và dân ta không chỉ phải trải qua “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non” mà ròng rã 9 năm dài huy động tổng lực, sức dân đào hào, xây dựng trận địa, xây dựng sở chỉ huy an toàn. Và quan trọng hơn là chúng ta đã xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc giữa đại ngàn Tây Bắc.

 

 
Kéo pháo và xe đạp thồ chuyển lương quân - Những hình ảnh của chiến công huyền thoại
 

Điện Biên Phủ - một chiến dịch lịch sử, một kỳ tích trong chiến tranh nhân dân, một huyền thoại trong sự nghiệp cách mạng bảo vệ tổ quốc đã được quân dân ta làm nên bằng một ý chí, tinh thần bất khuất rất đỗi tự hào – tinh thần Việt Nam.

 

Giữa muôn vàn khó khăn của địa hình rừng núi hiểm trở, cơm không đủ no, nước không đủ uống, thiếu thốn trăm bề, vậy nhưng bộ đội của ta vẫn “gan không núng, chí không sờn”, kiên trì, bám trận địa anh dũng chiến đấu. Đèo cao, vực sâu đêu không thể là rào cản trước sức mạnh to lớn, tình thần sục sôi chiến đấu bảo vệ tổ quốc của quân và dân ta. Nếu là người dân Việt Nam, hẳn bất cứ ai cũng không thể quên được hình ảnh những khẩu pháo lớn được bộ đội kiên trì, vất vả kéo lên trận địa một cách chuần xác. Kéo pháo chính là minh chứng rõ nhất cho sự đoàn kết, đồng lòng, và quyết tâm sắt đá không lùi bước trước gian nan thử thách của bộ đội cụ Hồ.

 

Một biểu tượng khác, rất giản dị và điển hình của chiến tranh nhân dân Việt Nam, 2 vạn chiếc xe đạp thồ - phương tiện hết sức thô sơ nhưng đã được hàng vạn thanh niên xung phong sử dụng hiệu quả để vận chuyển quân lương đạn dược lên chiến trường Tây Bắc.

 

Lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries...

 

Lớp lớp thanh niên tuổi còn 18, đôi mươi đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường Điện Biên Phủ ác liệt. Những gương anh hùng chân trần áo vải xả thân vì cuộc chiến, lấy thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân mình làm giá súng hay quả cảm chèn lưng cứu pháo đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, sững sững và là tượng đài bất tử của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

 

Huyền thoại của thời đại Hồ Chí Minh đã trở thành một địa điểm tham quan hấp dẫn hôm nay

 

Điện Biên Phủ - chiến thắng lịch sử vang danh năm châu, chấn động địa cầu mãi mãi là niềm tự hào của người dân Việt Nam và là thiên sử vàng trong sự nghiệp cách mạng dựng nước và giữ nước của dân tộc.     

 

(Thanh Huyền)