Phòng chống buôn lậu: Cuộc chiến cam go
Trong những năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu ngày càng tăng do quan hệ thương mại giữa nước ta và các nước đã bước sang quỹ đạo phát triển mới. Hàng hoá xuất nhập khẩu phong phú, đa dạng với nhiều loại hình khác nhau. Điều này chứng tỏ một sự chuyển biến tích cực trong quan hệ kinh tế. Nhưng cùng với chiều hướng tốt đẹp này thì một thực trạng chung là: buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra gay gắt. Cũng như hầu hết các cửa khẩu ở nhiều tỉnh, thành, tại khu vực hai cửa khẩu Nghệ An là cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, và cảng Cửa Lò, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại nhiều năm nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa bàn rừng núi, sông biển, ban đêm, giờ cao điểm, ngày nghỉ, ngày lễ,… để vận chuyển hang hoá trái phép, buôn bán hang cấm.
BĐBP Cửa khẩu Nậm Cắn kiểm tra giấy tờ xuất nhập cảnh (Ảnh: Lê Thạch) |
Thực hiện Nghị quyết 09 của Chính phủ, và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm, Cục hải quan Nghệ An đã tập trung chỉ đạo lực lượng kiểm soát chống buôn lậu theo hướng đi dần vào trọng tâm, sát thực tế, bám địa bàn. Đó là phối hợp với lực lượng biên phòng, công an điều tra, mật phục, năm chắc thông tin tình hình đường tiểu ngạch mà đối tượng buôn lậu thường lợi dụng vận chuyển hang hoá trái phép, hang cấm. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo hướng này, Hải quan Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ được một số vụ vận chuyển, buôn lậu. Điển hình là hai vụ án nghiêm trọng: Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, năm 2009, bắt quả tang 3 đối tượng quốc tịch Lào mua bán trái phép chất ma tuý, với số lượng 20 bánh Hê rô in; tháng 5 năm 2010 bắt giữ một đối tượng vận chuyển 42 kg hạt kích nổ từ Lào qua biên giới.
Tuy vậy, nhìn chung hiệu quả đấu tranh phòng chống buôn lậu ở khu vực cửa khẩu Nghệ An còn thấp. Bởi đã có nhiều ổ nhóm buôn lậu lớn, có quy mô xuyên quốc gia qua biên giới tỉnh ta; vẫn còn để lọt hang hoá trái phép khi phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu. Theo Cục hải quan Nghệ An, những hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản vừa khách quan, vừa chủ quan. Địa bàn rừng núi biên giới đất liền phức tạp, lại có nhiều đường mòn, lối mở, tuyến biển rộng, trải dài, thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu hoành hành; lực lượng hải quan mỏng, và còn thiếu phương tiện thiết bị kiểm tra như máy soi hành lí, soi cong tơ nơ; việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn thiếu sự chặt chẽ… Thực trạng đó kéo dài từ nhiều năm nay, chưa có sự tăng cường lực lượng, hay các biện pháp đặc biệt quan trọng trong đấu tranh, phòng chống buôn lậu, buôn hang cấm ở khu vực cửa khẩu biên giới, để làm dịu tình hình đó.
Nhìn vào thực tế hiện nay, rõ ràng, nạn mua bán ma tuý trong nước, trong tỉnh, nạn buôn hang cấm (động vật hoang dã, thuốc nổ, vũ khí, buôn gỗ lậu, khoáng sản lậu…) bị lực lượng cảnh sát, an ninh, kiểm lâm phát hiện bắt giữ ngày một nhiều thêm, thì chứng tỏ rằng, tình hình bảo vệ an ninh khu vực cửa khẩu biên giới còn yếu kém, lỏng lẻo, mà cơ quan hải quan là rường cột trong vấn đề này.
Để góp phần duy trì và đưa mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước ngày càng tốt đẹp, ổn định nền kinh tế, và đời sống dân sinh, đòi hỏi ngành hải quan Nghệ An cần phải đặc biệt quan tâm nhiều đến công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn hang cấm. Dẫu biết rằng, đấu tranh phòng chống loại tội phạm này luôn là một công việc đầy cam go.
(Dương Cầm)