Ngày đầu xây dựng lực lượng
Để thống nhất các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, nội địa và giới tuyến, ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá 2) đã ban hành Nghị quyết về việc xây dựng lực lượng Cảnh vệ nội địa và biên cương.
Những tuyến đường tuần tra gập ghềnh đá sỏi. |
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về việc thống nhất các đơn vị Bộ đội quốc phòng, Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành Công an nhân dân vũ trang đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an.
Tại buổi lễ thành lập ngày 28/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự và huấn thị: “Đoàn kết cảnh giác; Liêm chính, kiệm cần; Hoàn thành nhiệm vụ; Khắc phục khó khăn; Dũng cảm trước địch; Vì nước quên thân; Trung thành với Đảng; Tận tụy với dân”.
Ngay từ khi mới ra đời, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng - BĐBP) vừa làm tốt nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu kinh tế, xã hội trọng yếu, đồng thời triển khai nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ rời đồng bằng, thành phố tiến lên vùng cao biên giới, tiến ra biển đảo, lập đồn, dựng trạm, bám đất, bám dân, xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, vận động quần chúng Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp đỡ đồng bào ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng “Lũy thép biên phòng nhân dân”.
Những ngày đầu tiến hành triển khai nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng lực lượng, cán bộ chiến sĩ trên các tuyến biên giới, giới tuyến miền Bắc đã phải trực tiếp đương đầu với âm mưu và hoạt động chống phá cách mạng.
Cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao tinh thần cảnh giác, mưu trí, sáng tạo, vận dụng đúng đắn đường lối chính trị, quân sự, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị trong nội địa và trên các tuyến biên giới miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Trong giai đoạn bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, các mục tiêu trọng yếu ở nội địa, các đơn vị Công an nhân dân vũ trang vừa tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, vừa làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào; chi viện cho cách mạng miền Nam diệt ác, phá kìm, bảo vệ Trung ương Cục, bảo vệ vùng giải phóng.
Năm 1975, đất nước thống nhất, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia phát triển trong điều kiện mới. Lần đầu tiên lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã tổ chức triển khai đồn, trạm hình thành hệ thống bảo vệ biên giới, bờ biển dài hơn 8.000 km, thống nhất trên phạm vi cả nước.
Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, một lần nữa lực lượng BĐBP đã nêu cao ý chí kiên cường, dũng cảm, tinh thần độc lập dân tộc, phối hợp với các lực lượng, lập được nhiều chiến công xuất sắc được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng với nhiều hình thức.
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng đến gói bánh cùng dân bản. |
Bám trụ, bám dân, bám địa bàn
Từ khi đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia rất toàn diện, phức tạp, đòi hỏi phải có sự đổi mới đồng bộ, toàn diện cả về chủ trương, đối sách, biện pháp nghiệp vụ và bố trí, sử dụng lực lượng.
Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng báo cáo đề nghị Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, đối sách và hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới như Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Luật Biên giới quốc gia, đặc biệt là Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” và Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020.
Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và phương châm “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”; hình ảnh các “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Chiến sĩ tuyên truyền văn hoá”, “Cán bộ tăng cường xã”,... cán bộ, chiến sĩ xả thân trong bão lũ cứu giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là trong đại dịch Covid -19 đã thực sự chiếm trọn tình cảm, sự tin yêu và quý mến của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, biển đảo, làm tỏa sáng phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Trong công tác đối ngoại, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn quán triệt và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại của Đảng, mềm dẻo, linh hoạt trong đối sách nhưng kiên quyết cứng rắn về nguyên tắc, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, kết nghĩa giữa các đơn vị BĐBP Việt Nam với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu nước láng giềng, tạo sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng Việt Nam đã để lại những ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp với người dân và lực lượng vũ trang nước bạn, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung của dân tộc Việt Nam.
Đã có nhiều tấm gương hy sinh của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn (3.770 liệt sĩ, 4.800 thương binh).
Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP không ngừng phấn đấu, hy sinh, lập nên nhiều chiến công và thành tích vẻ vang, thực hiện trọng trách “Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia”…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin