Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Quan hệ Mỹ-Trung liệu có "gương vỡ lại lành" ở Hội nghị G20?

07:31, 28/11/2018

Cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Trump là tâm điểm được mong chờ nhất tại Hội nghị G20 sắp diễn ra tại Argentina vào cuối tuần này.

 

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã dành hàng tuần để chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tuần này tại Hội nghị G20 ở Argentina. Tuy nhiên, bất kỳ hy vọng nào cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay cuối cùng đều phụ thuộc vào quyết định và phản ứng của hai nhà lãnh đạo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu biệt thự nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida hồi tháng 4/2017. Ảnh: AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu biệt thự nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida hồi tháng 4/2017. Ảnh: AFP

Cuộc gặp của ông Trump và ông Tập ở Buenos Aires bên lề Hội nghị G20 sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong gần 1 năm nay và là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi ông Trump tuyên bố bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc vào mùa hè năm 2018 này.

Thăng trầm quan hệ Mỹ - Trung trước Hội nghị G20

Trước thềm cuộc gặp được mong chờ này, các chuyên gia đều thận trọng quan sát mọi thứ liên quan đến ông Trump và ông Tập, từ những điều đang diễn ra đến thái độ và từng cử chỉ của hai nhà lãnh đạo.

"Trong lịch sử quan hệ Mỹ - Trung, các nhà lãnh đạo sẽ luôn là người quyết định", chuyên gia Ni Feng tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định.

"Chẳng hạn, việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia trong những năm 1970 chỉ có một vài người được biết tới và quyết định", chuyên gia này cho biết thêm.

Ngoài ra, sự khó đoán định của Tổng thống Trump cũng tạo ra những thay đổi quan trọng trong mối quan hệ giữa ông với ông Tập.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump luôn chỉ trích Trung Quốc và gọi quốc gia này là "kẻ thao túng tiền tệ". Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump dường như thể hiện thái độ tích cực hơn với những nhà lãnh đạo ông từng chỉ trích như Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Ông Trump cũng từng khen ngợi "phản ứng tuyệt vời" giữa ông và ông Tập, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.

Một vài tháng sau khi trở thành Tổng thống, ông Trump thậm chí còn trải thảm đỏ tiếp đón người đồng cấp Trung Quốc tại khu nghỉ dưỡng riêng của mình tại Florida, nơi mà 2 nhà lãnh đạo đã thảo luận về các cuộc không kích Syria.

7 tháng sau, Trung Quốc "đáp lễ" bằng sự tiếp đón "hơn cả cấp Nhà nước" với vợ chồng Tổng thống Trump trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 8/11/2017. Trung Quốc thậm chí đóng cửa cả Tử Cấm Thành để phục vụ chuyến thăm này của Tổng thống Mỹ. Ông Trump cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên dùng bữa tối chính thức trong Tử Cấm Thành kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949.

Chuyến thăm này đã đưa tới một loạt thỏa thuận giữa hai bên, trong đó có thỏa thuận Trung Quốc sẽ mua nhiều khí đốt tự nhiên hơn từ Mỹ và mọi thứ dường như vẫn "sóng yên biển lặng" cho tới một vài tháng sau đó.

Tổng thống Trump bắt đầu phàn nàn nhiều hơn về khoảng cách thương mại giữa 2 quốc gia và cho rằng Trung Quốc thực hiện các hoạt động thương mại không công bằng.

Tháng 7/2018, ông Trump mở màn cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi áp thuế lên 50 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc - một động thái gây ra những màn trả đũa qua lại và sự leo thang căng thẳng giữa hai bên. Ngoài ra, ông Trump cũng cáo buộc Bắc Kinh đang nỗ lực đối phó với ông bằng cách can thiệp vào bầu cử giữa kỳ Mỹ.

Leow Chee Seng, một chuyên gia phân tích hành vi tại công ty Humanology nhận định một vài sự cố trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Trump đã cho thấy những dấu hiệu bên trong quan hệ giữa hai quốc gia.

Đầu tiên, khi hai nhà lãnh đạo đi dạo bên ngoài Đại lễ đường nhân dân Trung Hoa hồi năm 2017, ông Trump đã vỗ lưng ông Tập. Chuyên gia Leow cho rằng cử chỉ này đã cho thấy một thông điệp từ nhà lãnh đạo Mỹ, rằng: "Tôi mới thực sự là người kiểm soát và nắm quyền lực, ông cần lắng nghe tôi". Tuy nhiên, theo Leow, có vẻ như, thông điệp của ông Trump đã không được chuyển tới ông Tập.

Phong cách lãnh đạo khác thường của ông Trump cùng với việc hành động dựa trên cảm tính nhiều hơn là những quy tắc thông thường hay sự chuẩn bị cẩn thận khiến nhiều nhà quan sát tin rằng điều này có thể tạo nên những biến chuyển khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung ngồi vào bàn đàm phán.

Trang Axios dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong Nhà Trắng nhận định, thậm chí bản thân ông Trump cũng không có ý niệm gì về việc cuộc gặp này sẽ diễn ra như thế nào.

"Bước đột phá trong quan hệ Mỹ - Trung chỉ có thể đạt được ở cấp độ lãnh đạo", Wu Xinbo, giám đốc trung tâm nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Fudan ở Thượng Hải cho biết.

"Với sự chia rẽ trong chính quyền Mỹ, các quyết định của Tổng thống Trump rất quan trọng - tất cả đều phụ thuộc vào thiên hướng của ông ấy trong việc liệu ông Trump có sẵn sàng đạt được một hiệp định hay không".

Bất chấp những chia rẽ từ cuộc gặp trước đó của hai bên, ông Ni Feng, chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc chỉ ra rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục giữ mối quan hệ hợp tác hòa giải.

"Có thể ông Trump sẽ phàn nàn nhiều về Trung Quốc nhưng ông ấy sẽ không đốt đi những cây cầu của mình". [ngụ ý Tổng thống Mỹ sẽ không phá hủy mối quan hệ với Trung Quốc – ND]

Quan điểm của ông Trump cũng được khẳng định khi ông tuyên bố hồi tháng 9/2018 rằng ông Tập "có thể không còn là một người bạn” của ông nữa nhưng cũng khẳng định thêm rằng "tôi nghĩ ông ấy có lẽ vẫn tôn trọng tôi".

Hội nghị G20 liệu có phải "Hội nghị APEC thứ hai"?

Ngày 23/11, Trung Quốc khẳng định việc chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump đang được triển khai trước thềm Hội nghị G20. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen tuyên bố Bắc Kinh không muốn thấy một hội nghị thất bại như những gì từng xảy ra tại Hội nghị APEC nữa.

"Chúng tôi không muốn thấy tình hình tương tự lại xảy ra tại Hội nghị G20. Chúng tôi hy vọng Hội nghị G20 có thể thảo luận về việc cải cách WTO cũng như bày tỏ quan điểm phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ". Ông Wang không trực tiếp đề cập đến Mỹ nhưng sự thật là căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang không ngừng gia tăng, nhất là sau khi ông Tập và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tranh cãi qua lại tại Hội nghị APEC 2018 vừa rồi.

Nhiều người kỳ vọng rằng cuộc gặp Trump - Tập sẽ làm giảm những căng thẳng nhưng các quan chức Trung Quốc nhận định thành công của Hội nghị G20 tại Buenos Aires chỉ có thể xảy ra khi các bên tôn trọng lẫn nhau.

"Chúng tôi hy vọng cả hai bên có thể thảo luận và tìm giải pháp dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, nhất trí và cùng có lợi", ông Wang Shouwen khẳng định.

Thực tế là những khác biệt trong quan hệ Mỹ - Trung có thể tạo nên nhiều rủi ro cho cả hai quốc gia: một cuộc chiến tranh thương mại ngày càng leo thang, chiến tranh lạnh hay thậm chí là một cuộc xung đột vũ trang. Tuy nhiên, những nguy cơ này chỉ có thể tránh khỏi khi hai nhà lãnh đạo đều sẵn sàng thỏa thuận với nhau dựa trên các quy tắc.

Với những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, người ta khó mà lạc quan được về bất kỳ bước đột phá đáng kể nào tại hội nghị G20 sắp tới. Tuy nhiên, bởi hai nhà lãnh đạo đều hiểu rõ một cuộc chiến thương mại sẽ không có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc nên Hội nghị G20 vẫn là một sự kiện đáng mong chờ cho những thay đổi trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này./.

Theo VOV