Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cảnh báo bệnh viêm não mô cầu ở trẻ nhỏ

17:17, 27/04/2018

Những năm gần đây, bệnh viêm não – viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu gây ra liên tục được ghi nhận ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Nghệ An. Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong cho người mắc bệnh trong vòng 24h đồng hồ. Di chứng của bệnh để lại cũng rất nặng nề. Đặc biệt bệnh lây lan rất nhanh nếu bệnh nhân không được phát hiện và cách ly. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có một bệnh nhi mắc bệnh này đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Cháu L.B.K - 6 tháng tuổi ở huyện Quế Phong được chuyển vào khoa bệnh nhiệt đới cách đây vài ngày. Cháu được cấp cứu và điều trị tích cực với các triệu chứng rõ ràng của bệnh viêm não mô cầu: sốt cao liên tục, bỏ bú, nôn ói và xuất hiện các nốt ban đỏ khắp người. 

a
Nốt tử ban (nốt ban đỏ) lan khắp người là biểu hiện cụ thể của bệnh viêm màng não do mô cầu.

Chị L.T.H (mẹ cháu B.K) chia sẻ thêm: “Cháu sốt cao, gia đình đưa cháu đi khám ở xã thì họ nói chuyển lên tuyến tỉnh. Vào đây mới biết cháu bị viêm não  và gia đình cũng không biết bệnh nguy hiểm”.

Viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, diễn biến nhanh trong vòng 24 giờ với các biểu hiện như: sốt cao, đau đầu, nôn ói, chóng mặt, hôn mê. Hai bệnh cảnh thường gặp là viêm màng não và nhiễm trùng huyết với các dấu hiệu:

- Viêm màng não do não mô cầu: Sốt cao đột ngột 39-40 độ C; Đau đầu dữ dội (trẻ quấy khóc rất nhiều); Nôn và buồn nôn (trẻ kém ăn, bỏ ăn, bỏ bú, người mệt mỏi, lừ đừ); Dấu hiệu cổ cứng đặc trưng cho tình trạng viêm màng não (do bác sĩ khám và xác định). Trẻ dưới 1 tuổi có thể thấy thóp phồng lên bất thường.

Nhiễm trùng huyết do não mô cầu: Sốt cao 39-40 độ C, ớn lạnh, rét run, đau đầu, nôn ói, đau khớp, đau cơ đặc biệt đau nhiều ở sống lưng và hai chân. Khoảng 75% trường hợp bệnh nhân có xuất hiện nốt tử ban trong vòng một hai ngày sau sốt (nốt tử ban là nốt có màu đỏ hoặc tím thẫm, kích thước có thể 1-2 mm đến vài cm, có khi hoại tử vùng trung tâm. Nốt tử ban có thể ở khắp người nhưng tập trung chủ yếu ở nách, hông, quanh các khớp như khuỷu, gối, cổ chân. Đôi khi nốt tử ban có dạng bóng nước hoặc lan rộng ra).

Bác sĩ cao cấp Nguyễn Văn Sơn - Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An
Bác sĩ cao cấp Nguyễn Văn Sơn - Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị nhiễm bệnh.

Ai cũng có thể mắc bệnh viêm não mô cầu, tuy nhiên người dưới 30 tuổi đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bệnh rất nguy hiểm, diễn tiến của bệnh rất nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị tích cực. Trong khi đó, bệnh lây qua đường hô hấp nên khả năng lây nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh là rất lớn, đồng thời bệnh có nguy cơ phát triển thành ổ dịch nếu không có biện pháp khống chế kịp thời. Do vậy, cách tốt nhất giúp phòng bệnh vẫn là tiêm ngừa vắc xin viêm não mô cầu.

Vắcxin chủng ngừa não mô cầu chứa các kháng nguyên nhằm kích thích cơ thể tạo kháng thể chống lại vi khuẩn gây bệnh. Hiệu quả bảo vệ của vắcxin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu lên đến 90%.

a
Bệnh viêm não do mô cầu có diễn biến nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24h và bệnh lây qua đường hô hấp.

Đến thời điểm này, vi khuẩn não mô cầu được phát hiện có 13 chủng, nhưng ở Việt Nam nguy hiểm nhất là các chủng A, B, C. Do đó, chúng ta cần tiêm ngừa cả 2 vắc xin phòng viêm não mô cầu AC và BC, nếu chỉ tiêm phòng viêm não mô cầu BC thì vẫn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn não mô cầu tuýp A và ngược lại.

Hiện nay vắcxin ngừa viêm não mô cầu là vắcxin dịch vụ, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Do vậy, tỷ lệ tiêm ngừa vắcxin này chưa cao. Trong khi đó, không cần phải nằm trong khu vực có dịch bệnh, người dân đặc biệt là trẻ nhỏ có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào.

Bên cạnh việc giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ và giữ vệ sinh nơi sinh sống thì chủng ngừa viêm não mô cầu bằng vắcxin là cách giúp trẻ phòng tránh bệnh tốt nhất.

Thời điểm tiêm vắcxin phòng ngừa bệnh viêm não mô cầu:

- Vắcxin viêm não mô cầu AC – phòng ngừa bệnh não mô cầu do tuýp A và tuýp C: tiêm mũi đầu tiên cho trẻ từ 2 tuổi trở lên (hoặc cho trẻ trên 6 tháng tuổi đã có tiếp xúc với người bệnh). Sau đó cần tiêm nhắc sau mỗi 3 – 5 năm.

- Vắcxin viêm não mô cầu BC – phòng ngừa bệnh não mô cầu do tuýp B và tuýp C: tiêm cho trẻ từ 6 tháng trở lên. Bé cần tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi tiêm đầu 6 – 8 tuần. 

Do trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh viêm não mô cầu, nên người dân, nhất là các bậc phụ huynh, giáo viên trường mầm non, tiểu học cần quan tâm đến con trẻ. Nếu con trẻ xuất hiện các triệu chứng trên thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời; Đồng thời có biện pháp cách ly trẻ bệnh để không lây lan bệnh trong cộng đồng.

Hoài Thanh