Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thoát vị đĩa đệm và các quan niệm sai lầm

11:00, 09/08/2018

Thoát vị đĩa đệm là một bệnh rất nguy hiểm không thể xem nhẹ, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng, rối loạn khác nhau.

 

Trên thực tế, nhiều người bệnh có những quan niệm sai lầm nhập viện trong tình trạng đau tê chân, có dấu hiệu teo, khó khăn trong việc đi lạị. Vì vậy, khi phát hiện bệnh, phải tuân thủ những chỉ định của bác sĩ để kịp thời tránh nguy hiểm cho người bệnh.

Đau thắt lưng lan xuống chân: cảnh báo khi chơi thể thao

Bệnh nhân Nguyễn Văn T. (nam, 40 tuổi, nhân viên văn phòng) mỗi ngày trung bình ngồi trên 8 tiếng. Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 2 năm, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện đau lưng khi ngồi và đứng trên 1 giờ, sau đó xuất hiện tê dần xuống đùi trái, cẳng chân trái phía bụng chân. Anh tự tập luyện thể dục ở nhà và uống thuốc Nam nhưng không đỡ mà đau chân còn thường xuyên hơn nhưng anh vẫn cố gắng chơi thể thao (tennis). Đi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán anh bị thoát vị đĩa đệm cho dùng thuốc, hạn chế vận động thi đấu đối kháng và phải sử dụng đai nẹp mềm lưng. Với suy nghĩ cần rèn luyện thể thao, anh vẫn tập tennis, trong một lần anh chơi tennis cố gắng nhoài người cứu bóng, anh đột ngột đau cứng lưng, đau tê dọc từ lưng xuống chân đến gót chân và các ngón chân, tê bì vùng hậu môn sinh dục và hạn chế đi lại vì rất đau, bí tiểu. Sau đó, anh T. được đưa đến Khoa Ngoại Thần kinh cột sống và Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Sau khi khám và có kết quả chụp phim, bác sĩ kết luận anh bị vỡ đĩa đệm gây thoát vị đĩa đệm cấp tính di trú gây chèn ép đuôi ngựa phải mổ cấp cứu. Sau mổ, bệnh nhân được làm giảm đau nên không có bất kỳ biểu hiện đau nào, sau 5 ngày, bệnh nhân được bỏ giảm đau, có thể đi lại bình thường, có thể ra viện được. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bị thoát vị đĩa đệm được các bác sĩ điều trị do những quan niệm sai lầm trong tập luyện.

 

Hình ảnh thoát vị đĩa đệm.
Hình ảnh thoát vị đĩa đệm.

Các biến chứng của thoát vị đĩa đệm

Sau giai đoạn đau thắt lưng cục bộ, bệnh nhân sẽ bị đau rễ thần kinh do quá trình tổn thương kích thích rễ thần kinh. Các cơn đau rễ thần kinh thường xuất hiện theo dải, kéo dài từ thắt lưng và lan rộng đến chân. Khi người bệnh ho, hắt hơi, di chuyển, đứng hoặc ngồi lâu cũng khiến cơn đau tăng mạnh. Trong quá trình di chuyển, người bệnh thường xuyên phải dừng lại một đoạn để nghỉ do các cơn đau xuất hiện nhiều lần, cản trở lớn đến các hoạt động thường ngày.

Biến chứng rối loạn cảm giác  thường xảy ra ở những khoảng da tương ứng với rễ thần kinh bị tổn thương, phổ biến nhất là cảm giác nóng, lạnh và xúc giác. Rối loạn vận động: người bệnh có thể bị bại liệt ở 2 chân do rễ thần kinh chi phối. Rối loạn cơ thắt: biểu hiện lúc đầu là bí tiểu, sau đó tiểu không thể kiểm soát được, luôn có nước tiểu chảy rỉ ra do cơ thắt kiểu ngoại vi bị liệt không thể giữ nước tiểu.

Nhận biết có dễ?

Cơn đau do thoát vị đĩa đệm thường tái phát nhiều lần, mỗi đợt kéo dài khoảng 1-2 tuần, sau đó lại khỏi. Có khi đau âm ỉ nhưng thường đau dữ dội, đau tăng khi ho, hắt hơi, cúi. Ngoài ra còn có cảm giác kiến bò, tê cóng, kim châm tương ứng với vùng đau. Đối với thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thường có triệu chứng như: Đau vùng cổ, gáy, vai, dọc theo cánh tay; Tê cánh tay, bàn tay, các ngón tay; Teo, yếu cơ cánh tay, ngón tay. Đối với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thường có triệu chứng như: Đau, tê vùng thắt lưng, mông, dọc theo đùi, cẳng chân, bàn chân; Teo, yếu cơ đùi, cẳng chân, bàn chân. Dần dần, đau trở nên thường xuyên, kéo dài hàng tháng nếu không được điều trị. Khả năng vận động của bệnh nhân bị giảm sút rõ rệt.

Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ

Tùy thuộc vào mức độ và những triệu chứng lâm sàng mà bác sĩ quyết định điều trị nội khoa hay chỉ định phẫu thuật. Đối với thoát vị mức độ nhẹ có thể dùng thuốc, thực hiện các bài tập, vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Nếu thoát vị nặng, khối thoát vị chèn ép vào dây thần kinh có thể gây biến chứng như: liệt, teo cơ, rối loạn cơ tròn thì phẫu thuật là phương pháp giúp bệnh nhân giảm chèn ép và tránh các biến chứng do thoát vị gây ra. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị như làm giảm áp lực nhân đĩa đệm như: đưa sóng radio vào vùng đĩa đệm thoát vị làm cho khối thoát vị bị thu nhỏ, trở về vị trí cũ, giải phóng thần kinh bị chèn ép; dùng hiệu ứng nhiệt của tia laser để hủy phần đĩa đệm thoát vị, giải phóng chèn ép thần kinh; Lấy nhân đệm bằng phương pháp mổ hở, mổ nội soi...

Thông thường thì nếu bệnh ở giai đoạn đầu, các triệu chứng ít xuất hiện hoặc cơn đau không dai dẳng, không phải cơn đau cấp thì có thể điều trị bằng phương pháp bảo tồn dùng thuốc có tác dụng giảm đau và giảm co thắt cơ bắp. Nghỉ ngơi tại giường trong một tư thế thoải mái khiến cho bạn cảm thấy bớt đau hơn nhưng cũng cần chú ý không nên nằm quá lâu.

Vật lý trị liệu có thể bao gồm liệu pháp dùng nhiệt, siêu âm và kéo giãn.Trong trường hợp điều trị bảo tồn không mang lại kết quả, bệnh nặng hơn thì cần được chỉ định điều trị ngoại khoa. Phẫu thuật giúp loại bỏ một đĩa đệm bị thoát vị khi người bệnh cảm thấy tê, yếu không vận động được. Điều trị nội khoa thất bại sau 5-8 tuần. Gây chèn ép thần kinh cấp tính. Thoát vị đĩa đệm gây rách bao xơ, thoát vị di trú. Ngoài ra, còn có một trường hợp đặc biệt cần can thiệp mổ cấp cứu. Chính vì vậy, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ về chế độ ăn, tập luyện và vật lý trị liệu... Không điều trị, tập luyện theo mách bảo, tránh được những hệ lụy.

Lời khuyên của thầy thuốc

Với biểu hiện đau thắt lưng tái đi tái lại nhiều lần, đau tăng khi lao động, nghỉ ngơi có đau cùng với tê bì, xuống mông, chân một hoặc hai bên thì 80% là đã bị thoát vị đĩa đệm cột sống. Với thoái vị đĩa đệm cột sống phát hiện sớm thì 90% là dùng thuốc kết hợp với tập luyện đúng và thay đổi thói quen sinh hoạt thì bệnh sẽ không gây chèn ép thần kinh, có thể khỏi bệnh. Đặc biệt là ở người trẻ thì cần hạn chế những môn thi đấu đối kháng hoặc phải sử dụng đai mềm cột sống chơi thể thao nếu được sự đồng ý của bác sĩ. Nếu để thoát vị đĩa đệm có biến chứng chèn ép đuôi ngựa (tê bì vùng hậu môn sinh dục, bí đại tiểu tiện), tổn thương rễ thần kinh (teo chân, tê bì, kim châm ở chân) hay dùng thuốc trên 6 tuần không đỡ thì phải mổ; càng để tổn thương rễ thần kinh nặng thì cơ hội hồi phục sau mổ sẽ kém hơn nhiều.

Theo Sức khỏe Đời sống