Mất cơ hội vàng cứu người đột quỵ khi cấp cứu theo các chia sẻ trên mạng
BS Phạm Văn Cường – TT đột quy não Bệnh viện TWQĐ 108 chia sẻ; Đột quỵ não là một bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân, hoặc có thể để lại những di chứng nặng nề cho bệnh nhân, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân mất cơ hội vàng cứu người đột quỵ khi cấp cứu theo các chia sẻ trên mạng.
Từ lâu, đột quỵ não đã là mối lo lắng và quan tâm của nhiều người. Trong thời đại bùng nổ thông tin, không khó khăn để người đọc có thể tiếp cận với các phương pháp cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin chính thống, có rất nhiều thông tin sai lệch, được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Từ đó dẫn đến những xử lý sai lầm, làm bệnh nhân lỡ đi “thời gian vàng “ của mình.
Lướt qua một loạt các trang xã hội, phổ biến như facebook, ta có thể tìm được nhiều bài đăng và chia sẻ, với nội dung giống nhau, hướng dẫn cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ bằng cách chích máu các đầu ngón tay và ... không được di chuyển. Đây đều là những cách sơ cứu không có cơ sở khoa học, tính có lợi chưa được xác thực, thậm chí chỉ gây hại thêm cho bệnh nhân.
Thông tin sai lệch, được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hộilàm bệnh nhân lỡ đi “thời gian vàng “ của người bệnh.
Theo BS Cường, cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cần thực hiện theo nguyên tắc sau:
Nếu bệnh nhân còn tỉnh cần để bệnh nhân nằm yên tĩnh và gọi cấp cứu đến để đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất. Nếu bệnh nhân bất tỉnh: cần đỡ tránh cho bệnh nhân khỏi bị ngã.
Phải lập tức đưa người bệnh tới bệnh viện vì nếu não bị thiếu máu, thiếu oxy lâu thì não sẽ bị hoại tử đi rất nhanh chóng. Để càng lâu thì phần não bị chết càng lớn, không thể chữa trị phục hồi lại được. Do đó phải đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh chóng càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa bị chết (vùng não tranh tối, tranh sáng).
Những điều tuyệt đối không được làm khi bị đột quy là: Không tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió vì những động tác này có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Không được cho bệnh nhân ăn, uống, đề phòng nôn gây trào ngược bệnh nhân hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở gây nguy hiểm. Không được tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. BS Cường cho biết thêm.
Trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, yếu tố thời gian đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt với bệnh nhân nhồi máu não. Trong 3 đến 6 giờ đầu kể từ khi khởi phát, nếu bệnh nhân nhồi máu não được đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa, mạch máu não có thể được tái thông, từ đó có thể cải thiện, thậm chí phục hồi hoàn toàn các triệu chứng. Vì vậy, khoảng thời gian này còn được gọi là “thời gian vàng “của đột quỵ. BS Cường khuyến cáo.
Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ có 10% trong số những người sống sót là có bình phục hoàn toàn, không bị di chứng và không cần phụ thuộc vào người khác.
Theo số liệu thống kê từ các bệnh viện có khoa thần kinh trên toàn quốc thì 3 năm trở lại đây, số người phải nhập viện điều trị vì đột quỵ tăng lên từ 1,7%-2,5%, trong đó tỉ lệ bệnh nhân nam cao gấp 4 lần nữ giới.
Một điều đáng lo ngại là số bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi trẻ 40-45 cũng đang gia tăng mạnh mẽ, chiếm 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Thậm chí, những người ở độ tuổi 20 hoặc trẻ hơn cũng đang có nguy cơ bị đột quỵ. Con số thống kê cho nhóm đối tượng này khoảng 83.000 người/ năm.
Theo Sức khoẻ&Đời sống